Lại thêm một khu công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng ở Đà Nẵng khiến dân phẫn nộ phản ứng. Lãnh đạo chính quyền thành phố này phải xuống xử lý hậu quả, thậm chí bị người dân ‘quây’ làm việc cho rõ ràng dưới lán dã chiến dựng bên cạnh trạm xử lý nước thải ô nhiễm.

Đà Nẵng: Dân và chính quyền đối chất ngay tại lán dã chiến cạnh cơ sở gây ô nhiễm

Lê Đình Dũng | 02/06/2016, 06:00

Lại thêm một khu công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng ở Đà Nẵng khiến dân phẫn nộ phản ứng. Lãnh đạo chính quyền thành phố này phải xuống xử lý hậu quả, thậm chí bị người dân ‘quây’ làm việc cho rõ ràng dưới lán dã chiến dựng bên cạnh trạm xử lý nước thải ô nhiễm.

Nhà máy ô nhiễm, dân ung thư nhiều

Trong hai ngày cuối tháng 5.2016, hàng trămngười dân khu vực Kim Liên (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tập trung bao vây và đập phátrạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu doô nhiễm trầm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

KCN này do Công ty cổ phầnđầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Khoa học công nghệ môi trường Quốc Việt (đóng ở TP.HCM) là đơn vị quản lý, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung.

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu xác nhận những ngày qua có việc người dân bao vây trạm, đập phá do bị ức chế. Trước tình hình này, chiều ngày 1.6, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cùng lãnh đạo các sở ngành đã xuống đối thoại với hàng trăm người dân ngay dưới lán dã chiến được dựng khẩn cấp bên trạm nước thải từ cuối giờ chiều đến lúc tối mịt.

Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Sử, Chi hội trưởng Cựu chiến binh Chi hội 6 rất bức xúc nói: “Trạm nước thải này mới phát sinh hai năm nay thôi nhưng ảnh hưởng nặng nề với dân chúng tôi. Nhân dân chúng tôi ngày đi làm, đêm về ăn miếng cơm để nằm ngủ mà thối không chịu nổi, rồi hết người này đến người khác bị ung thư. Các anh về ngồi nghe, nhưng các anh ăn có nơi ngủ có chỗ, còn nhân dân chúng tôi ở đây không đi đâu được”.

Cạnh bên, bà Phạm Thị Cừ tức tối: “Các anh ngửi có được hay không mà bắt dân tôi ngửi, dân tôi ăn. Đề nghị có cách cấp bảo hiểm chứ nhân dân chúng tôi đang bị ảnh hưởng sức khỏe ghê gớm”.

Bà Phạm Thị Cừ rất tức tối.

“Tính ra, ông Giám đốc Sở TN-MT phải chịu trách nhiệm, nếu anh quản lý tốt thì làm sao thành phố phải chỉ đạo. Người dân chúng tôi phản ứng, quây nhà máy là vì họ gây ô nhiễm quá, tức nước vỡ bờ. Khi KCN này chưa lập ra thì dân chúng tôi không bao giờ có chuyện ung thư. Tôi là một bệnh nhân ung thư, và hãyđếm toàn khu vực này biết bao nhiêu người bị ung thư chết. Rồi trai tráng thanh niên chúng tôi cũng không mấy người được nhận vào các nhà máy làm việc. Vậy thì các anh phải cho con em chúng tôi vào làm trong KCN, thứ hai là phải đảm bảo ô nhiễm môi trường, không được lợi dụng trời mưa xả thải rất hôi”, ông Phạm Bá Đương (67 tuổi, tổ 18) kiến nghị.

Tình trạng người dân ở khu vực này bị ung thư, bệnh tật đang ngày càng nhiều. Anh Trương Văn Thái (tổ 21) kể: “Dân chúng tôi đêm ăn cơm hôi chịu không nổi, gọi bên Sở TN-MT về lập biên bản đến 4 lần mà có thấy xử lý gì đâu. Tôi ở nhà bên cạnh trạm đó, người tôi ngứa mẩn hết”. Ông Lý Văn Tiến cũng đang mang bệnh ung thư. Ông than vãn: “Hiện nay trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc ô nhiễm nặng. Tôi đề nghị các anh phải dời dân chúng tôi đi chứ không bị ung thư hết. Tội lắm, đời chúng tôi thì gần hết rồi mà còn đời con đời cháu nữa”.

Người dân Hòa Hiệp Bắc cho biết rất nhiều người đã bị ung thư từ khi KCN mọc lên ở đây.

Trước sự bức xúc của người dân, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói: “Quan điểm của TP là không đánh đổi môi trường đối với các hoạt động kinh tế. Chúng ta hoạt động kinh tế để phát triển TP nhưng phải đảm bảo môi trường. Đại diện của bà con phát biểu, tôi cho rằng là thực tế và xuất phát từ bức xúc của họ”.

Dân không cho quan chức về giữa chừng

Buổi đối thoại giữa ông Tuấn cùng các quan chức với người dân Hòa Hiệp Bắc bắt đầu từ 5 giờchiều nhưng đến gần 7 giờ tốimới xong. Nguyên do là sau khi đối thoại và thông báo một số biện pháp xử lý, các quan chức tuyên bố ra về. Lập tức người dân phản ứng gay gắt và yêu cầu họ phải ngồi lại làm biên bản cuộc đối thoại cho chính thống để còn tiện theo dõi lời hứa sau này. Sau đó, ông Tuấn phải chỉ đạo cấp dưới làm ngay biên bản với chữ ký của lãnh đạo các sở ngành và đại diện người dân.

Clip người dân không cho lãnh đạo Đà Nẵng về khi chưa làm biên bản cuộc đối thoại:

Theo đó, trong cuộc đối thoại, ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Côngty Sài Gòn-Đà Nẵng đã "thay mặt công ty xin nhận khuyết điểm trước chính quyền và bà con trong thời gian qua không sâu sát với Côngty Quốc Việt để xảy ra ô nhiễm môi trường".

“Công ty cố gắng hết sức mình để hạn chế mùi hôi thối của trạm này. Trước mắt chúng tôi không hợp tác với Côngty Quốc Việt nữa mà hợp tác với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng. Tương lai chúng tôi sẽ xin thành phố cấp đất để xây dựng nhà máy xử lý mới có công nghệ cao và quy mô hơn. Cái trạm xử lý cũ vừa công suất yếu, công nghệ không được tân tiến lắm nên nó sẽ xảy ra những sự cố tiếp theo. Trong quý 1/2017 nhà máy mới chắc chắn sẽ đưa vào vận hành”, ông Hải khẳng định.

Ông Hồ Trương Thanh Hải xin lỗi người dân và cho biết không hợp tác với Công ty Quốc Việt nữa.

Đồng tình với ý kiến của người dân về việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Sở TN-MT, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đã giao sở này khẩn trương thành lập đoàn công tác kiểm tra liên ngành; lập kế hoạch rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý và tiến hành đánh giá hiệu quả xử lý của trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN Liên Chiểu. Trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân và đề xuất phương án trước mắt lẫn lâu dài là cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý đảm bảo trạm xử lý hoạt động ổn định, không xảy ra sự cố như thời gian vừa qua, báo cáo UBND TP trước ngày 15.6.

Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng cũng đã được chỉ đạo trong chiều ngày 1.6 vào trực tiếp xử lý, khắc phục ngay tình trạng mùi hôi phát sinh, đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại khu vực.

Về lâu dài, Côngty Sài Gòn-Đà Nẵng phải lập ngay kế hoạch để tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đảm bảo yêu cầu về công nghệ và kết cấu để thay thế trạm xử lý hiện hữu, đưa vào hoạt động trong quý 1/2017, báo cáo kế hoạch thực hiện về Sở TN-MT trong tháng 6.2016.

Các nhà máy đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu cũng được yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện theo đúng cam kết trong hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Đơn vị nào không nghiêm túc chấp hành (đặc biệt là các đơn vị không thực hiện xử lý cục bộ, xả trộm nước thải ra môi trường) sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét xử lý nghiêm đúng theo quy định.

Phó chủ tịch TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi đối thoại nóng với người dân.

Về xử lý trách nhiệm, ông Tuấn giao Sở TN-MT làm rõ và tiến hành xử phạt nghiêm theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm của Côngty Sài Gòn-Đà Nẵng, Côngty Quốc Việt và các cá nhân, đơn vị liên quan.

Phó chủ tịch TP.Đà Nẵng cũng chỉ đạo các sở ngành khi lập tổ giám sát cần để người dân bầu đại diện của mình vào cùng đoàn liên ngành thực hiện chức năng. Trước mắt, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu đã công khai số điện thoại của mình và của ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT để người dân phát hiện sai phạm gì sẽ điện báo trực tiếp.

Lê Đình Dũng

Ảnh đại diện: Lãnh đạo Đà Nẵng đối thoại nóng với người dân bên cạnh cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: Dân và chính quyền đối chất ngay tại lán dã chiến cạnh cơ sở gây ô nhiễm