Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) tức tối cho rằng phía Thừa Thiên - Huế ‘vừa đánh trống vừa la làng’ trong việc tranh chấp ranh giới ở khu vực mũi Cửa Khẻm.

Đà Nẵng nói Thừa Thiên - Huế ‘vừa đánh trống vừa la làng’

Một Thế Giới | 04/01/2016, 15:08

Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) tức tối cho rằng phía Thừa Thiên - Huế ‘vừa đánh trống vừa la làng’ trong việc tranh chấp ranh giới ở khu vực mũi Cửa Khẻm.

Theo ông này, do thất bại trong việc cấp phép cho dự án của nhà đầu tư Trung Quốc ở Cửa Khẻm nên TT-Huế mới làm um lên vụ một hộ dân của Đà Nẵng có công trình ở khu vực chưa phân định.
Ngày 4.1, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về cụm công trình nhà ở của một hộ dân ở mũi Cửa Khẻm (núi Hải Vân, đang là khu vực tranh chấp, chưa phân định giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Trương Việt, Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết: 
“Hộ gia đình có công trình này là ông Phạm Tý. Ông Tý là anh trai của ông Phạm Thương (trước là trưởng công an P. Hòa Hiệp Bắc, nay chuyển lên công tác tại công an quận Liên Chiểu). Trong các văn bản mà phía huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) nêu là ông Phạm Thương, nhưng thực chất là ông Tý”.
Da Nang noi Thua Thien-Hue ‘vua danh trong vua la lang’-hinh-anh-1
 Công trình vi phạm ở mũi Cửa Khẻm - đồ họa Lê Đình Dũng.
Theo ông Việt, sự việc bắt đầu từ năm 2012, khi phía Thừa Thiên - Huế cấp phép cho công ty Thế Diệu của Trung Quốc làm khu du lịch trên mũi Cửa Khẻm. Sau khi Đà Nẵng phát hiện đã yêu cầu dừng vì đây là đất chưa phân định ranh giới giữa hai địa phương. Đồng thời, dư luận lên tiếng mạnh mẽ vì dự án này quá nhạy cảm với an ninh quốc phòng, phía Thừa Thiên - Huế đã phải dừng cấp phép công trình này. Sau chuyện này, mấy ổng tức nên tìm ra công trình của ông Phạm Tý thì làm um lên vậy.
Về công trình của ông Phạm Tý, ông Việt cho biết, đây là đất xâm canh của gia đình này trước năm 1975. Việc xây dựng các công trình cũng được tiến hành từ lâu, trước khi luật ra đời gồm một nhà cấp 4, chuồng bò, nhà vệ sinh, nhà ăn.
“Tháng 8.2013, hai bên đã có cuộc họp và thống nhất rằng tạm dừng việc xây dựng và giữ nguyên hiện trạng công trình này. Sau đó chúng tôi đã gọi ông Tý lên làm việc và ký cam kết, ông Tý thực hiện việc giữ nguyên nên chúng tôi đã đóng hồ sơ và thông báo cho phía Thừa Thiên Huế đã xong như biên bản thống nhất của hai bên. Mà tôi nói, ngay cả biên bản xử phạt vi phạm của thị trấn Lăng Cô cũng không có hiệu lực vì đây là đất chưa phân định”.
Trả lời việc chính quyền Hòa Hiệp Bắc tại sao không đập bỏ công trình vi phạm này trong rừng đặc dụng, ông Việt nói: “Nó nhỏ mà. Đây là công trình người ta làm trước khi có luật ra đời nên cũng không hẳn vi phạm. Hơn nữa, trong biên bản thống nhất giữa hai địa phương, chỉ yêu cầu chủ công trình giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới thêm, thì nay họ vẫn giữ nguyên đó. Hơn nữa, đây đang là đất chồng lấn giữa hai bên chưa được phân định, chờ lúc nào Chính phủ, Quốc hội ra quyết định phân chia rõ ràng rồi thì thuộc bên nào thì bên đó sẽ xử lý”.
Da Nang noi Thua Thien-Hue ‘vua danh trong vua la lang’-hinh-anh-2
 Ông Việt nói, phía Thừa Thiên - Huế la làng vậy nhưng lại đang vi phạm nghiêm trọng chỉ thị 364 - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Khu vực mũi Cửa Khẻm theo quy hoạch 3 loại rừng của TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020 là rừng đặc dụng. Thế nhưng Chủ tịch P. Hòa Hiệp Bắc lại nói đây là rừng khác. Và theo luật định, không được xây dựng công trình kiên cố, chăn nuôi gia súc trong rừng đặc dụng, thì việc ông Phạm Tý xây nhà, nuôi gia súc ở đây đã là sai phạm. Nhưng ông Nguyễn Việt lại ú ớ về vấn đề này.
Về việc đây là khu vực phòng thủ của quân đội, có nên hạn chế việc để người dân vào xây dựng như thế này hay không, ông Việt lại cho rằng, người dân canh tác, trồng trọt ở những khu vực đó cũng là góp phần gìn giữ biên giới.
Da Nang noi Thua Thien-Hue ‘vua danh trong vua la lang’-hinh-anh-3
 Công trình được phía Thừa Thiên-Huế lập biên bản vi phạm xây dựng ở mũi Cửa Khẻm - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Theo quan sát của chúng tôi vào buổi thực địa tại công trình sai phạm vào ngày 28.12.2015, cụm công trình của ông Phạm Tý đang có biểu hiện chuẩn bị được xây dựng thêm với hàng loạt gạch được đúc sẵn, các lối đi được ghép đá công phu, nhiều chòi nghỉ mát được làm sẵn… 
Trước thông tin này, ông chủ tịch phường cho biết sẽ cho người kiểm tra lại cụ thể, nếu chủ nhân công trình không chấp hành theo yêu cầu trước đây thì sẽ có phối hợp cùng thị trấn Lăng Cô xử lý.
“Vì công trình này xuất phát là xây dựng từ rất lâu rồi nên mình cũng nghĩ cho người dân mà yêu cầu giữ nguyên vậy. Còn chúng tôi hứa chắc chắn rằng sẽ không có tiền lệ, không có một trường hợp nào khác xây dựng mới, phát hiện là đập liền. Ngay như phía huyện Phú Lộc, khi họ xây dựng công trình cho hạt kiểm lâm ở khu vực này, chúng tôi đã dẫn quân lên đập”, ông Việt nói.
Trái ngược hẳn với phía huyện Phú Lộc khẳng định khu vực Cửa Khẻm là đất của mình và hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp sổ đỏ cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (Sở NN&PTNT TT-Huế) quản lý, ông Việt ‘tố’ ngược lại rằng phía Thừa Thiên - Huế đang vi phạm Chỉ thị 364 về địa giới hành chính của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ký năm 1991. Cụ thể, ông Việt cho biết đang nắm 9 bản phô tô sổ đỏ mà phía Huế tự ý cấp cho các đơn vị để trồng rừng hoặc làm các công trình khác.
Khu vực tranh chấp ở mũi Cửa Khẻm là câu chuyện dai dẳng chưa giải quyết được giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Theo ông Việt: “Phía Thừa Thiên - Huế đã ‘chiếm’ mất 800ha đất rừng ở mũi này và cả hòn đảo Sơn Trà con. Phía Đà Nẵng luôn tuân thủ Chỉ thị 364 nên không có một hành động nào làm thay đổi vùng đang chờ phân chia này. Bộ Nội vụ và Cục Bản đồ đã hai lần vào thực tế để giải quyết nhưng chưa chưa có kết luận phân định”.
“Vì câu chuyện phân giới này mà hai bên tình cảm cũng không còn nhiều. Tôi và anh Giảng (ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô) trước hay gặp gỡ và ngồi với nhau. Nhưng sau này không còn nữa, nhạt dần”, ông Việt kể.
Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng nói Thừa Thiên - Huế ‘vừa đánh trống vừa la làng’