Không những biệt phủ của đại gia vàng sai phạm, theo kiểm lâm Đà Nẵng, hiện trong rừng Nam Hải Vân có 49 hồ sơ đất rừng với hàng trăm hecta giao cho cá nhân đang được kiểm tra để xử lý.

Đà Nẵng: Truy tìm biệt thự, biệt phủ ở rừng Nam Hải Vân

Một Thế Giới | 25/12/2015, 14:29

Không những biệt phủ của đại gia vàng sai phạm, theo kiểm lâm Đà Nẵng, hiện trong rừng Nam Hải Vân có 49 hồ sơ đất rừng với hàng trăm hecta giao cho cá nhân đang được kiểm tra để xử lý.

Tổng kiểm tra
Sáng 25.12, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho rằng, việc kiểm tra đang được thực hiện quyết liệt, nhằm xử lý triệt để. Ông Lương cho biết, đã có 37 hồ sơ giao cho cá nhân trồng rừng trước đây được kiểm tra và giao về cho phường Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) quản lý. Hiện còn 49 hồ sơ, hạt kiểm lâm và chính quyền quận Liên Chiểu đang phối hợp kiểm tra, đo đạc thực tế.
“Chúng tôi đang kiểm tra nên không thể cung cấp danh sách các hộ đứng tên các hồ sơ đất rừng này”, ông Lương nói.
“Chúng tôi đang làm, sẽ làm quyết liệt, phân loại và xử lý triệt để. Có thể đến đầu năm 2016 sẽ xong, lúc ấy chúng tôi sẽ có báo cáo rõ ràng”.
Da Nang kiem tra 49 ho so dat rung Hai Van sau vu biet phu-hinh-anh-1
 Rừng Nam Hải Vân- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Theo ông Lương, những vườn rừng giao khoán ở Nam Hải Vân được thực hiện từ lâu, sau 1975. Tuy nhiên, trước đây có khuyến khích nhưng cũng chẳng mấy ai mặn mà. Bây giờ sở hữu đất rừng trở thành hấp dẫn thì người ta nhận nhiều.
Vị này khẳng định việc giao khoán cho các hộ cá nhân trước đây thực hiện đúng quy định và đúng đối tượng, chủ yếu là người dân. Tuy nhiên, sau này có thể người ta chuyển nhượng lại hay gì đó thì có thể xảy ra sai phạm, nên bây giờ phải tổng kiểm tra lại.
Đã có nhiều sai phạm
Hai vụ sai phạm điển hình nhất trong việc sử dụng đất rừng giao khoán ở Nam Hải Vân là việc xây dựng biệt thự của tướng Phan Như Thạch và biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang. Sau quá trình xây dựng trái phép, các công trình hiện hữu hoành tráng thì chính quyền Đà Nẵng mới phát hiện ra việc này là trái phép.
Dưới sức ép của dư luận và thực thi sự tôn nghiêm của pháp luật, chính quyền Đà Nẵng đã buộc các cá nhân trên phải đập bỏ biệt thự và biệt phủ.
Hai công trình này được UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng không thuộc sự quản lý của mình vì chưa nhận bàn giao từ kiểm lâm. Cũng tương tự, hiện phường này vẫn từ chối nhận bàn giao 49 hồ sơ khác vì lý do là số diện tích đất này có biểu hiện bị sang nhượng, xây dựng, lấn chiếm trái phép.
Lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc khẳng định trách nhiệm xử lý là của kiểm lâm. Trong lúc đó, ông Trần Văn Lương lại cho rằng: “Họ (phường) nói vậy là cho được việc của họ. Chứ chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của thành phố, và đã có phối hợp với quận Liên Chiểu về việc bàn giao này. Đang tiến tới bàn giao. Nếu quá trình bàn giao khúc mắc ở chỗ nào thì chính quyền địa phương và kiểm lâm sẽ ngồi lại tháo gỡ”.
Trong số 49 hồ sơ đất rừng này, có lô đất của hộ ông Lê Tiến Dũng (thuộc tiểu khu 11, phường Hòa Hiệp Bắc) rộng khoảng 1,5 ha. Ông Dũng cho xây cổng và tường bao, một căn nhà rường kiên cố, bên trong bài trí như một điểm du lịch. Vị trí xây dựng chỉ cách trạm kiểm lâm Suối Lương chừng vài ba trăm mét.
Da Nang kiem tra 49 ho so dat rung Hai Van sau vu biet phu-hinh-anh-2
 Công trình nhà xây kiên cố của ông Dũng.
Về việc này, ông Lương cho rằng cần phải kiểm tra kỹ mới xác định được trách nhiệm. “Phải xem khu vực đó thuộc loại đất nào, công trình xây dựng ra sao mới kết luận được đúng sai. Chúng tôi đã giao Hạt Kiểm lâm phối hợp để kiểm tra”.
Theo thông tin có được, lô đất hộ ông Dũng được chuyển đổi từ đất rừng sang đất khác vào năm 2008. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình tại đây đã diễn ra từ thời điểm thuộc quản lý Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân (nay đã bàn giao về Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu).
Trước phản ánh có những hộ nuôi nhốt, chăn thả động vật trong rừng, ông Lương khẳng định rằng việc nuôi nhốt gia súc trong rừng đặc dụng là sai, sẽ bị xử lý. “Người dân chỉ được phép làm nhà tạm để nghỉ, và nuôi một số loại gia cầm thôi”, ông Lương cho biết.
Đá trách nhiệm
Tháng 8.2015, UBND TP.Đà Nẵng có quyết định bàn giao đất rừng, đất lâm nghiệp tại phường Hòa Hiệp Bắc do kiểm lâm quản lý về cho phường. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa làm xong do còn 49 hồ sơ bị vướng.
Trong số này, có 11 hồ sơ khoán không đúng và 38 hồ sơ mua bán chuyển nhượng, xây dựng trái phép.
Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng, chừng nào kiểm lâm hoàn thiện các hồ sơ theo đúng thủ tục phường mới nhận bàn giao. Khẳng định thêm điều này, ông Đàm Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nói trách nhiệm xử lý là của lực lượng kiểm lâm.
Trái lại, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng lại cho rằng đang bàn giao cho chính quyền, giao nguyên đai nguyên kiện. Trong quá trình bàn giao nếu còn những vướng mắc, sai phạm thì kiểm tra, xử lý theo pháp luật.
“Ở đây có những vấn đề do lịch sử để lại, bây giờ mình phải kiểm tra để giải quyết theo pháp luật. Nếu phát hiện có sai phạm trong chuyển nhượng, mua bán đổi chác thì chúng tôi sẽ thu hồi hợp đồng đó. Kiểm lâm phối hợp với phường thu hồi”, ông Lương khẳng định.
Trong quá trình các công trình xây dựng trái phép được tiến hành, luôn có sự đá qua đá về giữa chính quyền và kiểm lâm. Chính quyền cho rằng đất ở đây đang thuộc quản lý của kiểm lâm. Trong khi đó, kiểm lâm nói họ chỉ quản lý rừng và đất rừng, không kiểm soát việc xây dựng.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: Truy tìm biệt thự, biệt phủ ở rừng Nam Hải Vân