Cà phê CK cuối tuần này ồn ào hơn bình thường. Số là cả nhóm chia thành hai phe quyết liệt ăn thua về việc chọn chủ đề thời sự để bàn bạc và hiến kế.

Đã tìm ra cách chống kẹt, ngập cho Sài Gòn

20/07/2019, 21:08

Cà phê CK cuối tuần này ồn ào hơn bình thường. Số là cả nhóm chia thành hai phe quyết liệt ăn thua về việc chọn chủ đề thời sự để bàn bạc và hiến kế.

Ảnh minh họa

Thằng Phương cầm đầu nhóm bức xúc nạn kẹt xe ngày càng gia tăng. Nó nêu lý do “Sài Gòn trước chỉ kẹt giờ cao điểm và trung tâm. Giờ ngoại thành như Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè gì cũng kẹt tuốt và giờ nào cũng kẹt. Cứ như học tập kinh nghiệm, nhân điển hình, thi đua đồng khởi kẹt. Nên phải ưu tiên chống kẹt”.

Con Ngọc phụ họa hăng quá, khua tay múa chân như múa minh họa “Kẹt xe thì trăm đường khổ. Nóng, ồn, khói xe ngập ngụa nên ai cũng dễ cáu gắt. Mất thời gian, trễ giờ, trễ hẹn, trễ chuyến bay; đủ bề thiệt hại. Có đứa mất người yêu vì kẹt xe nên chống kẹt là mục tiêu hàng đầu”. Thằng Long tiếp lời “Kẹt xe gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế lẫn tinh thần, kể cả làm sứt mẻ tình cảm. Đồng thời là lý do tiêu cực cho những người hay đi trễ, ưa la cà, có cớ đổ tại và bị”…

Thằng Dũng, lãnh đạo nhóm “bưc nặng” (bực) nạn ngập nước không đồng tình. Nó phản pháo (đáng lẽ phải nói là phản biện nhưng nó là dân pháo binh nên nói vậy). “Tao thấy tụi bây nói hơi quá. Cái gì cũng có hai mặt. Kẹt xe cũng có nhiều cái hay, có tác động tích cực, phải duy trì”. Thằng Tiến bổ sung “Thằng Dũng nói có lý. Tao đoán lãnh đạo cũng nghĩ vậy nên chỉ chống nửa vời, cứ duy trì kẹt. Khó như đánh Mỹ, gian nan như đánh Pôn Pốt mà ta còn làm được nữa là chống kẹt”. Con Ngọc nổi nóng “Hay cái nỗi gì. Tức kịch (nó nói lái chữ tích cực, ý là tức tối kịch liệt) thì có. Mày nói vậy là xúc phạm lãnh đạo nha”.

Thằng Dũng cứ thong thả, nhỏ nhẹ như trêu ngươi “Kẹt xe giúp mọi người sống chậm, không sống nhanh chết vội. Kẹt xe giúp người Việt rèn tính kiên trì và sức chịu đựng. Đây cũng là dịp lộ ra tính cách thật của mỗi người. Ai nóng nảy (cự cãi), ai tham lam (lấn chiếm), ai tiềm ẩn nguy cơ tội phạm (pham luật vì leo lề). Kẹt xe có khi là nguồn cảm hứng thơ ca, thậm chí là phát minh khoa học trong lúc chờ đợi. Chưa kể là không sợ bị tai nạn giao thông. Cũng không phải ức chế nhìn cảnh sát giao thông nhận tiền, bỏ vào túi.

Phe cho chống ngập mới là mũi nhọn thừa thế xông lên. Thằng Tiến phân tích “Ngập đi đôi với kẹt nhưng kẹt nhiều khi không ngập. Ngập thiệt hại gấp đôi nên phải là nhiệm vụ cấp bách số 1. Ngập có thể làm hư hỏng phương tiện giao thông như hỏng bugi, chết máy; gây tai nạn như sập ổ voi hay cống mất nắp. Thậm chí bị nước cuốn trôi, chết người và cả gia súc gia cầm”. Thằng Chính giữ thái độ “Im lặng là vàng” giờ mới lên tiếng “Kẹt chỉ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và người chờ đợi; còn ngập nước thì ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng dân cư. Nước tràn vào nhà, hư hỏng đồ đạc, làm chập điện, không thể đi lại trong nhà để nấu ăn, nói chi làm việc. Nước bẩn còn mang theo dịch bệnh, gây nghẻ ngứa. Sau đó, nước bỏ ra đi (chứ không phải ra đi bỏ nước) thì phải tổng vệ sinh, dọn dẹp… và …”.

Con Ngọc phản đối “Ngập cũng có nhiều cái lợi. Trước hết là mát mẻ, hài hòa phong thủy. Trẻ con được nghịch nước và tắm miễn phí. Mấy xe lười được rửa sơ không tốn kém. Người dân tranh thủ vệ sinh đồ bẩn và thích nhất là được bắt cá. Có khi cả rắn và cá sấu sổng chuồng. Ngập nước còn là dịp thể hiện nhiều kỹ năng khéo táy, phán đoán để vượt khó và khuyến khích sự tương trợ. Đồng thời tạo thêm công ăn việc làm và nguồn thu cho các dịch vụ chùi bugi ướt, sửa xe chết máy, khiên xe và cả người đến nơi khô ráo…”.

Nói qua, cãi lại; chẳng bên nào chịu bên nào. Cuối cùng tạm thống nhất là không tranh luận chuyện lợi hại của kẹt ngập. Chắc chắn hại lợi chứ không thể lợi hại vì lợi ít mà hại nhiều. Phải tập trung bàn cách chống cập nghẹt, í nhầm kẹt ngập. Ý kiến hà rầm. Mấy lần lãnh đạo nhóm phải cắt ngang vì sự hăng hái quà đà có thể gây kẹt ngập tình nghĩa, dẫn đến tan rã cà phê CK cuối tuần. Phải oẳn tù tì để chọn đội hiến kế trước.

Phe chống kẹt thì phải gỡ cho thông nên đề xuất “Mấy chuyện đi xe buýt, tàu điện (chưa biết lúc nào xong) “xưa rồi Diễm”. Cứ cấm tiệt xe cộ là đảm bảo không kẹt xe". “Nói thế mà cũng nói. Không thể chấp nhận. Thành phố đang trình dự án thu phí xe vào thành phố. Dứt khoát sẽ bớt kẹt”. “Nhưng chí phí lắp đặt camera giám sát tốn mấy trăm tỉ. Rồi còn bộ máy vận hành, kiểm tra, xử phạt…”. “Đề nghị thành phố phát động đại thi đua đi bộ. Đi bộ có thưởng. Người người đi bộ, nhà nhà đi bộ. Lãnh đạo càng to càng phải nêu gương”.

“Ai đi bộ nhiều được tặng danh hiệu dũng sĩ và anh hùng đi bộ. Đi bộ là tiêu chí bắt buộc để tìm việc, lập công ty, lấy vợ chồng…”. “Chí lí. Đi bộ còn là phương pháp thể dục tối ưu để rèn luyện sức khỏe, chống lão hóa, chống ô nhiễm môi trường sống và xóa sổ tai nạn xe cộ. Tiết kiệm được bao nhiều tiền của, sức lực thời gian để chữa bệnh và giải quyết hậu quả tai nạn giao thông”.

Phe chống ngập không hề kém cạnh. Muốn chống ngập cũng phải khơi cho thông nên hiến kế “Đặt hàng các nhà khoa học, cả miệt vườn lẫn phòng lạnh, đề tài - Làm súng đuổi mưa đi chỗ khác”. “Cái này khó à nghe”. “Khó làm được mới hay. Vua Thái Lan có phát minh làm mưa nhân tạo. Việt Nam không có vua thì có dân làm thay. Cái gì con người tạo ra được thì cũng có thể phá hủy hoặc thay thế”.

Nhóm này còn giới thiệu sáng kiến mới “Dùng bạt che hết bầu trời Sài Gòn. Vừa rẻ, vừa dễ làm”. “Không thể được. Che bạt thì quá nhếch nhác, bôi bác bộ mặt thành phố. Căng dây thì gió mạnh giật đứt tung hết”. “Thế thì làm dù hoặc mái che khổng lồ, đi động khép mở được, tùy thời tiết. Mưa sẽ đổ ra đồng, ra biển, hết ngập tức thì”.

Hội cãi chưa thể kết thúc tốt đẹp vì còn nhiều ý kiến khác biệt, dù đã tới giờ đón con, đón vợ, đón bồ… Cả nhóm tạm thời thông qua biên bản, nhờ Thông tấn xã vỉa hè đề đạt lên các lãnh tụ tối cao những sáng kiến chống kẹt ngập cho thành phố, tầm nhìn từ nay đến hết đời. Cách đây gần trăm năm, người Pháp xây dựng hệ thống giao thông và thoát nước cho gần nửa triệu dân Sài Gòn. Khi dân số Sài Gòn tăng gấp 4 lần vào năm 1975 vẫn không bị kẹt ngập.

Giờ Sài Gòn nở nồi hơn Phù Đổng. Dân số mười mấy triệu, chưa kể vãng lai. Rồi hơn nửa triệu khách du lịch thường trực, toàn tắm bồn và hồ bơi. Không kẹt ngập mới lạ. Con Đoan, vợ thằng Chính, lần đầu theo chồng hóng hớt “Đề nghị không dùng từ “kẹt” xe vì người xứ Quảng có thể hiểu lầm là chửi thề. Nên thay bằng “ứ xe” hoặc “tắc đường”.

Cũng không dùng từ “lu” chống ngập. Vì mấy đứa xấu cả bụng lẫn mồm và tay, sẽ lấy viết thêm vào dấu sắc thành “lú”. Ý nó là sợ thiên hạ xỏ xiên mấy “sáng kiến lú” chống ngập kiểu “Tôn nền đường thành đê”, “Xây bờ bao hai bên lề (để đường thành sông nhưng dân không ngập), “Thuê máy bơm khổng lồ hút nước chỗ này bơm sang chỗ khác”… Nghe đâu, cô này làm gì hơi bị to bên Bộ Văn hóa.

VŨ PHÈNG

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã tìm ra cách chống kẹt, ngập cho Sài Gòn