“Lẽ ra cần xác minh để phát hiện tham nhũng nhưng ở đây có hành vi tham nhũng thì mới xác minh”, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM chỉ ra một trong những bất cập trong khâu kê khai tài sản quan chức.

Đại biểu QH Dương Trung Quốc nói về biệt phủ 13.000 m2 tại Yên Bái

Trí Lâm | 13/06/2017, 06:29

“Lẽ ra cần xác minh để phát hiện tham nhũng nhưng ở đây có hành vi tham nhũng thì mới xác minh”, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM chỉ ra một trong những bất cập trong khâu kê khai tài sản quan chức.

Phải minh bạch về tài sản

Bên hành lang Quốc hội ngày 12.6, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, câu chuyện về khu đất, "biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái cần được làm rõ.

“Nếu làm rõ thì người ta sẽ thấy đó là chuyện bình thường còn không làm rõ thì sẽ thấy đó là chuyện không bình thường.Không bình thường thì sẽ có thể mất lòng tin của người dân”, ông Dương Trung Quốc nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc "biệt phủ" của gia đình Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái đang được Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra, tuy nhiên, dư luận cho rằng liệu có khách quan khi Giám đốc Sở Phạm Sỹ Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phạm Thị Thanh Trà?, ông Quốc cho rằng trong trường hợp này, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà nên chỉ đạo việc này làm cho rõ ràng.

“Việc này cũng chính là bảo vệ uy tín cho bà Trà. Nếu không làm minh bạch, rõ ràng thì người ta hoàn toàn có thể gắn kết mối quan hệ đó với những tài sản còn đặt nghi vấn”, ông Quốc nói.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng cần minh bạch về tài sản

Theo ông Quốc, bất động sản, nhà ở là tài sản quan trọng của mỗi gia đình, con người và nó cũng thể hiện phần nào đó tiềm năng kinh tế. Tuy nhiên, bất động sản của quan chức vượt quá suy nghĩ của người dân thì người dân đặt ra nghi vấn là chính đáng. Do đó, điều tốt nhất là phải làm sáng tỏ mọi việc, công khai minh bạch. Nếu đó là tài sản chính đáng, minh bạch thì cũng là sự khích lệ cho mọi người làm.

“Tôi cho rằng, mọi sự minh bạch đều có lợi cho tất cả, chỉ có những người không minh bạch thì người ta mới sợ thôi”, ông Quốc nói.

Theo vị này, quyền tài sản là quyền của mọi con người nhưng tài sản đó phải minh bạch. Chắc chắn sắp tới, khi triển khai thuế về tài sản thì sẽ có cơ chế pháp luật rõ ràng hơn.

Cùng quan điểm, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, các khối tài sản lớn của quan chức nhiều khi không đứng tên chủ sở hữu đích thực, mà đứng tên người thân. Tuy nhiên việc xác minh cũng không quá khó.

“Theo tôi, ngoài kê khai tài sản của bản thân, cũng cần phải kê khai tài sản của người thân trong gia đình để có cái nhìn khách quan, đánh giá được cán bộ có trung thực hay không”, ĐB Phong nói.

Đề cập đến câu chuyện thanh tra tài sản tại Yên Bái, ĐB Đặng Thuần Phong thẳng thắn cho rằng nếu là tỉnh thanh tra thì dư luận có quyền nghi ngờ tính khách quan. Do đó, nên để Thanh tra ở Trung ương vào cuộc, nếu cán bộ trong sạch thực sự thì cũng được giải oan. Nếu tài sản làm ra quang minh chính đại thì cũng cần công khai cho mọi người biết.

Lỗ hổng trong kê khai tài sản

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như các nghị định, thông tư liên quan đều đã có những quy định về kê khai, minh bạch tài sản đối với cán bộ, công chức và nhiều đối tượng khác.

Theo đó, cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng phải kê khai. Việc kê khai thu nhập, tài sản được thực hiện hằng năm, phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31.12.

Tuy nhiên, theo vị này, thực tế việc kê khai này cũng chỉ dừng lại ở “thống kê” và “khai báo” chứ hiệu quả chưa thật sự như mong đợi. Việc phát hiện sai phạm, xử lý vi phạm, tham nhũng qua công tác kê khai hầu như rất hiếm có. Việc phát hiện các khối tài sản khổng lồ, các biệt phủ, biệt thựhầu hết là do phản ánh của người dân và nhờ báo chí phanh phui chứ không được phát hiện qua công tác kê khai tài sản, dù rằng các khối tài sản khổng lồ như biệt thự, biệt phủđã tồn tại sừng sững môt thời gian dài.

Về nguyên nhân, ông Vũ cho rằng những người có tài sản lớn thường cũng là những người có chức vụ to, nên dẫn đến cả nể, không ai ý kiến, phản ánh, thanh tra, điều tra, xử lý.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng có lỗ hổng trong khâu kê khai và giám sát tài sản quan chức

Lý do thứ hai là việc kê khai thiếu trung thực, có thể chỉ mang tính hình thức, chỉ có kê khai mà không có xác minh, giám sát. Thực tế, quy định hiện nay chỉ xác minh trong một số trường hợp cụ thể chứ không phải mỗi việc kê khai đều phải xác minh. Ví dụ chỉ xác minh khi phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết; theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; có hành vi tham nhũng.

“Lẽ ra cần xác minh để phát hiện tham nhũng nhưng ở đây có hành vi tham nhũng thì mới xác minh”, ông Vũ nêu.

Nguyên nhân nữa là do thiếu sự giám sát của người dân, chưa phát huy được vai trò của nhân dân trong việc giám sát, đánh giá việc kê kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Chẳng hạn như quy định về xác minh tài sản vừa nêu.

Ngoài ra, ông Vũ cho rằng, quy định về công khai việc kê khai cũng còn rất hạn chế, như chỉ công khai trong cuộc họp ở cơ quan, niêm yết tại cơ quan… Rõ ràng công khai như vậy chỉ là công khai nội bộ chứ chưa phải là công khai rộng rãi đến nhân dân.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu QH Dương Trung Quốc nói về biệt phủ 13.000 m2 tại Yên Bái