Các nước đang chật vật đối phó đại dịch COVID-19 còn có thể phải chịu thêm một cuộc khủng hoảng tài chính, theo cảnh báo của Bộ trưởng Công thương Singapore.

Đại dịch COVID-19 gây họa khủng hoảng tài chính cho nhiều quốc gia

09/04/2020, 16:17

Các nước đang chật vật đối phó đại dịch COVID-19 còn có thể phải chịu thêm một cuộc khủng hoảng tài chính, theo cảnh báo của Bộ trưởng Công thương Singapore.

Dân Singapore xếp hàng chờ trả tiền mua hàng hóa ở siêu thị - Ảnh: Asia News

Nói chuyện với kênh tin tức CNBC ngày 9.4, Bộ trưởng Chan Chun Sing nói: “Nhiều nước hiện bị thách thức về tài chính, chỉ vài quốc gia có đủ lực triển khai các chính sách tiền tệ vì tỷ giá hiện tại rất thấp. Đó là một tình hình nguy hiểm. Điều chúng ta phải lo ngại là nếu chúng ta không cẩn trọng, thì vài quốc gia có thể sẽ trượt vào một cuộc khủng hoảng tài chính vượt trên cả các khủng hoảng sức khỏe và kinh tế”.

Ông Chan còn nhấn mạnh: “Nếu bạn không thể có một sự cân bằng tài chính lành mạnh, bạn sẽ phải đi vay. Nếu bạn không thể vay được ai thì bạn sẽ cần in tiền. Và nếu bạn phải in tiền thì bạn sẽ tự hạ giá trị đồng tiền của bạn và điều đó sẽ rất nghiêm trọng đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu, dẫn đến tác động thực sự đối với nền kinh tế thực”.

Từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Singapore đã tuyên bố 3 gói kích cầu kinh tế với tổng trị giá 59,9 tỉ đô la Singapore (41,9 tỉ USD), chiếm khoảng 12% GDP của nước này.

Bộ trưởng Chan cho biết: “Không có nhiều quốc gia có các điều kiện như Singapore, vốn đã dùng nguồn dự trữ để bơm số tiền mặt cần thiết vào hệ thống tài chính quốc gia”.

Ông kêu gọi các cường quốc kinh tế tăng cường vai trò lãnh đạo trong giai đoạn thử thách này, để “đem lại sự ổn định” cho hệ thống tài chính toàn cầu: “Chúng ta phải đảm bảo có được một nỗ lực phối hợp từ tất cả mọi người, đặc biệt là từ các khối kinh tế lớn, để cung cấp khả năng lãnh đạo nhằm để chúng ta cùng nhau ổn định hệ thống tài chính và ngăn chặn tác động, bởi vì nó có thể trở thành tác động xếp chồng lên nhau và trở thành một vòng độc hại từ khủng hoảng sức khỏe đến khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính”.

Ông Chan cũng cảnh báo khi đại dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng cấp toàn cầu, vài quốc gia đã xoay qua hướng bảo hộ thương mại, và điều ngày tạo ra một sự nguy hiểm là phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nói: “Chúng ta phải tưởng tượng rằng sau đại dịch này, thế giới sẽ không còn như trước…, những gì chúng ta hiện chứng kiến là vài quốc gia đang phản ứng bằng các biện pháp bảo hộ thương mại gia tăng, đôi lúc viện lý do từ những sức ép đè nặng lên quốc gia. Nhưng hệ thống sản xuất của toàn thế giới thì hoàn toàn tương tác chặt chẽ với nhau, với các nước lệ thuộc vào nhau. Điều chúng ta sợ nhất trong cuộc khủng hoảng này, là người ta ngày càng dựa vào các biện pháp bảo hộ …, chúng ta có thể vô tình phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Tăng trưởng toàn cầu sẽ về gần 0

+ Dịch Covid-19 đã buộc nhiều tổ chức lớn cùng các ngân hàng hạ giảm dự báo của họ về kinh tế toàn cầu. Trong một báo cáo hồi tháng 3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 cho hầu hết các quốc gia.

+ Công ty Dịch vụ tài chính S&P Global Ratings dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu sẽ về gần 0, cụ thể là hạ xuống chỉ còn 0,4% trong năm 2020, với khả năng phục hồi lên 4,9% vào năm 2021.

Mỹ Trinh (theo CNBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại dịch COVID-19 gây họa khủng hoảng tài chính cho nhiều quốc gia