Thua kiện ông Lê Ân tại thửa đất 1,5 ha nhưng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chịu thi hành án mà bịa đặt ra rằng đã giao cho đại gia 10,8 ha ở một nơi khác.

Đại gia Lê Ân phản bác đơn 'bịa đặt' của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Duy Khang | 25/08/2017, 11:23

Thua kiện ông Lê Ân tại thửa đất 1,5 ha nhưng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chịu thi hành án mà bịa đặt ra rằng đã giao cho đại gia 10,8 ha ở một nơi khác.

Trao đổi với phóng viên chiều 24.8, ông Lê Ân (82 tuổi, ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết đã gửi đơn đến Chánh án TAND Tối caophản bác quan điểm của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc đưa ra thông tin sai sự thật để được xem xét giám đốc thẩm vụ thua kiện Hội đồng thanh lý Ngân hàng TMCP Vũng Tàu (VCSB).

Đây là vụ kiện hành chính kéo dài, nếu thi hành án thì ngân sách của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mất một khoản tiền lớn. Theo đại gia Lê Ân, năm 1993, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Công ty TNHH Bình Giã ở phường 8, TP.Vũng Tàu thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Phú (TP.Vũng Tàu) dài gần 4 km với tổng vốn đầu tư 21 tỉ đồng. Đây là dự án làm đường đổi đất.

Năm 1994, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Công ty Bình Giã và 1 doanh nghiệp dầu khí tổ chức nghiệm thu giai đoạn 1 với giá trị thực hiện khoảng 10 tỉ đồng. Với chủ trương lấy công trình đổi đất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu "tạm giao" cho Công ty Bình Giã 5 quyền sử dụng đất.

Do "tạm giao" nên đất này không được bán hoặc thế chấp ngân hàng và giá trị chỉ có 3 tỉ đồng nên tỉnh còn nợ Công ty Bình Giã khoảng 6,7 tỉ đồng. Trước khó khăn trên, Bình Giã phải thế chấp hơn 2 ha đất cho VCSB, do ông Lê Ân làm Chủ tịch HĐQT, để vay 2,5 tỉ đồngtrả nợ làm đường Trần Phú.

Khi không còn khả năng tài chính, Công ty Bình Giãlập văn bản ngày 20.11.1995, nội dung tự nguyện giao trên 2 ha đất (tại số 141 Bình Giã) cho VCSB để trừ nợ.

Đơn phản bác của đại gia Lê Ân

Lúc này, ông Lê Ân bị bắt vì cơ quan điều tra cho rằng đại gia chiếm đoạt tài sản trong việc lập ngân hàng. Vì vậy, toàn bộ tài sản của VCSB tại 141 Bình Giã và một số nơi khác bị kê biên, cấm chuyển dịch để bảo đảm thi hành án.

Trong thời gian ông Lê Ân vướng lao lý, năm 2002, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định thu hồi hơn 15.700 m2 đất trong tổng số hơn 20.000 m2 tại 141 Bình Giã để giao cho 1 doanh nghiệp làm dự án đầu tư. Đến năm 2007, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thu hồi 4.613m2 đất còn lại giao UBND TP.Vũng Tàu xây trường học.

Trở về nhà sau một thời gian bị giam giữ, đại gia Lê Ân với vai trò đại diện Hội đồng thanh lý VCSB đã phát hiện việc UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm sai nên ông khởi kiện, yêu cầu hủy 2 quyết định thu hồi đất nêu trên. Cả 2 vụ, ông Lê Ân đều thắng ở 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Thua kiện, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không lấy được 4.613 m2 đất của VCSB để làm trường học. Đối với 15.700m2 đã "lỡ cấp" cho doanh nghiệp khác, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chịu tìm quỹ đất để trả cho VCSB hoặc bồi thường tiền bằng giá đất thuộc nhóm sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, dù bản án phúc thẩm có hiệu lực từ năm 2014.

Ngày 5.1.2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi TAND Tối cao để bổ sung hồ sơ yêu cầu giám đốc thẩm. Trong công văn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng Công ty Bình Giã vay 3,9 tỉ đồng của VCSB để làm đường Trần Phú, tài sản thế chấp là 10,8 ha đất ven sông Cây Khế, quận 11, TP.Vũng Tàu. Vì vậy, 10,8 ha đất này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng đã bị VCSB lấy trừ nợ làm đường Trần Phú nên họ không chịu thi hành án.

Năm 1995, Công ty Bình Giã tự nguyện giao đất cho VCSB để trừ nợ

"UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho VCSB trên 2 ha đất ở Bình Giã và 2 bên đã tất toán hợp đồng. Vậy mà UBND tỉnh này lại cho rằng họ đã cấp cho VCSB 10,8 ha đất ở ven sông Cây Khế là bịa đặt. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thật nên tôi làm đơn phản bác quan điểm của tỉnh", đại gia Lê Ân nói.

Quá trình thu thập hồ sơ để "tố" UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Ân phát hiện 10,8 ha đất ven sông Cây Khế là của cá nhân ông Nguyễn Mai Khoa. Lô đất này ông Khoa thế chấp cho VCSB để lấy tiền trả nợ 3,9 tỉ đồng. Khi mất khả năng chi trả, ông Khoa đã tự nguyện giao nộp tài sản cho VCSB chứ không phải đất do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho VCSB.

Đất của ông Khoa ở ven sông Cây Khế cũng được giao cho VCSB để trừ nợ

"10,8 ha đất ven sông Cây Khế là của cá nhân ông Khoa. Ông này vay tiền rồi mất khả năng chi trả nên giao đất cho VCSB để trừ nợ. Còn 15.700 m2 đất ở Bình Giã là thửa khác nên không lý do gì mà UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trì hoãn thi hành án. Tỉnh nói đã giao đất cho tôi là sai sự thật nên tôi phản bác lại", ông Lê Ân chia sẻ.

Cùng ngày, phóng viên liên lạc ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để hỏi vì sao không thi hành án cho ông Lê Ân nhưng ông Tịnh nói: "Muốn biết thì hỏi các cơ quan chức năng".

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại gia Lê Ân phản bác đơn 'bịa đặt' của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu