Reuters ngày 15.3 dẫn vụ một đại gia ngân hàng Nga bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, cho thấy chương trình vũ khí hóa học của Liên Xô từng rơi vào hỗn loạn sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, có những chất độc và công nghệ sản xuất bị nghi đã lọt vào tay bọn tội phạm.

Đại gia ngân hàng Nga bị đầu độc thời Liên Xô hỗn loạn

15/03/2018, 16:20

Reuters ngày 15.3 dẫn vụ một đại gia ngân hàng Nga bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, cho thấy chương trình vũ khí hóa học của Liên Xô từng rơi vào hỗn loạn sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, có những chất độc và công nghệ sản xuất bị nghi đã lọt vào tay bọn tội phạm.

Ông Ivan Kivelidi trước khi chết vì bị đầu độc - Ảnh: Bankir.ru

Theo chính phủ Anh, chính quyền Nga đứng sau vụ đầu độc cựu đại tá tình báo quân đội Nga (GRU) Sergei Skripal (bị kết tội phản quốc và làm điệp viên cho Anh) cùng Yulia, con gái ông, tại Salisbury (Anh) hôm 4.3 bằng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok. Hiện hai cha con vẫn còn hôn mê tại một bệnh viện Anh. Một sĩ quan Anh cũng bị nhiễm độc và đang trong tình trạng nguy kịch.

Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố Nga không hề liên quan vụ tấn công này. Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vassily Nebenzia thậm chí nói bóng gió Anh phải chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công để bôi nhọ Nga: “Tại Liên bang Nga, không có cuộc nghiên cứu khoa học hoặc công việc nào về chất độc thần kinh Novichok. Có thể nguồn gốc của hóa chất này là ở các nước từng có chúng hồi cuối những năm 1990... nhằm nghiên cứu các loại vũ khí này, gồm cả Vương quốc Anh”.

Đầu độc đại gia ngân hàng Nga với sự tiếp tay của người nhà nước

Theo Reuters, hầu hết các chuyên gia vũ khí hóa học đồng ý với nhận định của Anh, nhưng họ cũng nói không thể loại trừ chất độc thần kinh Novichok đã lọt vào tay những kẻ không hành động thay mặt chính phủ Nga.

Bà Amy Smithson, một chuyên gia vũ khí sinh-hóa, nói: “Liệu có thể ai đó đã tuồn ra ngoài? Tôi không loại trừ khả năng này, nhất là nếu tuồn một khối lượng nhỏ và đặc biệt là phải lưu ý tình trạng an ninh lỏng lẻo ở các cơ sở hóa học Nga thời đầu thập niên 1990”.

Những báo cáo tình trạng an ninh lỏng lẻo của các cơ sở vũ khí hóa học thời Liên Xô sụp đổ năm 1991 đã chỉ ra ít nhất trong một giai đoạn của những năm 1990, Nga hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ đã không kiểm soát chặt kho vũ khí này.

Theo Reuters, vào năm 1995, khi đại gia ngân hàng Ivan Kivelidi và thư ký chết vì suy ngũ tạng, một chất độc cấp quân sự được tìm thấy trên máy điện thoại trong văn phòng của ông ta ở thủ đô Moscow, và Leonard Rink, một nhân viên của Viện Nghiên cứu hóa học nhà nước GosNIIOKhT (Nga) đã thú nhận tội bí mật cung cấp chất độc.

Tại một phiên tòa xử kín, đối tác làm ăn của ông Kivelidi bị buộc tội đã đầu độc ông ta, sau một vụ tranh cãi. Tại tòa, kiểm sát viên nói nhờ nhiều trung gian, đối tác đã nhận chất độc từ tay Rink.

Reuters cho biết đã đọc một bản khai của Rink với các nhà điều tra, trong đó Rink nói ông ta tàng trữ chất độc Novichok trong nhà để xe, và ông ta đã có hơn một lần bán chất độc này để “kiếm thêm” và trả nợ.

Chất độc trong vụ đầu độc ông Kivelidi được bán, nhờ một cựu cảnh sát làm trung gian để gặp “cò” của Rink, người giao chất độc trong một lọ giấu trong một hộp bút quà tặng cho trung gian của tay cựu cảnh sát, tại một trạm xe điện ngầm ở Moscow.

Rink đã bị tuyên án một năm tù treo vì “lạm quyền, theo luật sư Boris Kuznetsov, người bào chữa cho đối tác của ông Kivelidi. Vị luật sư tin thân chủ vô tội, và nói ông Kivelidi bị các quan chức tình báo biến chất đầu độc, mà Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin không được biết.

Ông Kuznetsov còn nói ông sẵn sàng chia sẻ hồ sơ vụ án này với chính quyền Anh, vì ông tin nó có ý nghĩa với cuộc điều tra nghi án cựu đại tá Skripal và con gái bị đầu độc.

Reuters không thể tiếp cận Rink, cho biết chương trình vũ khí hóa học của Liên Xô được tổ chức ở nhiều tỉnh thành vùng xa, để tạo nên kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, với 40.000 tấn là số liệu được công bố chính thức.

Hai chuyên gia vũ khí hóa học nói với Reuters: dù chất độc thần kinh bị giảm độc tố theo thời gian, nhưng nếu các yếu tố tiền thân cho chất độc này được tuồn ra ngoài, trữ đông thích đáng và gần đây được pha trộn, thì chúng vẫn có thể gây tử vong trong một cuộc tấn công cấp độ nhỏ.

Nhà nghiên cứu vũ khí hóa học Liên Xô Vil Mirzayanov (sau này trở thành một người tố cáo), nói với Reuters rằng ông tin Điện Kremlin đứng sau vụ đầu độc cha con Skripal. Ông Mirzayanov hiện sống ở vùng Princeton (bang New Jersey, Mỹ) cũng nói rằng Viện GosNIIOKhT tham gia một chương trình vũ khí hóa học, và giúp phát triển dòng chất độc thần kinh Novichok và thử nghiệm ở vùng Nukus (Uzbekistan).

Thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin (phải) viếng tang ông Kivelidi chết vì bị đầu độc - Ảnh: Reuters

Cảnh báo nguy cơ bọn khủng bố tuyển mộ các nhà khoa học sản xuất vũ khí hóa học

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nguồn kinh phí cạn, các nhà khoa học không được lĩnh lương suốt nhiều tháng, tinh thần nhân viên suy yếu và các cơ sở không được coi sóc, chính phủ hầu như buông việc kiểm tra, giám sát.

Trong một báo cáo năm 1995 do tổ chức nghiên cứu an ninh Stimson Center (Mỹ) công bố và dựa theo lời kể của người trong ngành, tình trạng bảo đảm an ninh các cơ sở phát triển vũ khí hóa học hoàn toàn không có.

Báo cáo viết rằng tại một số cơ sở, vũ khí hóa học được trữ trong những tòa nhà có cửa gỗ, mái lợp ngói nên kẻ trộm rất dễ xâm nhập. Vũ khí hóa học được chứa trong những bình đựng không có tem niêm phong, nên khó phát hiện nếu như một khối lượng nhỏ bị ăn cắp.

Năm 2000, báo cáo thứ hai của Stimson Center nêu bật nguy cơ bọn tội phạm, bọn khủng bố hoặc các thế lực thù địch có thể tuyển dụng các nhà khoa học chuyên về vũ khí hóa học bị mất việc làm, trả lương để họ sản xuất vũ khí hóa học rồi đem bán chợ đen.

Hồi đầu những năm 1990, trong vài trường hợp, các chất độc hóa học có độ độc cao đã được tuồn ra khỏi lãnh thổ Nga, từ các kho trữ thời hậu Liên Xô ở các nước mới độc lập như Ukraine, Kazakhstan và Uzbekistan.

Các cơ sở ở những nước cộng hòa hậu Liên Xô này không được trang bị an ninh cho bằng ở Nga. Người trong ngành vũ khí hóa học, từ sau những năm 1990, điều kiện an ninh được cải thiện đáng kế, và nhờ phương Tây giúp đỡ, đã diễn ra việc vận chuyển kho vũ khí này từ các nước láng giềng về Nga.

Bộ Thương mại-công nghiệp Nga, cơ quan giám sát khâu hủy bỏ kho vũ khí hóa học, vừa gửi một tuyên bố đến Reuters, cho biết Nga nhanh hơn Mỹ vì đã hủy 100% số vũ khí nguy hiểm này, tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Nhưng Bộ không trả lời các câu hỏi về khả năng vũ khí hóa học bị buôn lậu sau khi Liên Xô sụp đổ. Còn cơ quan an ninh Ukraine và Bộ Ngoại giao Uzbekistan không bình luận. Bộ Năng lượng Kazakhstan và công ty hạt nhân nhà nước của Kazakhstan cũng vậy.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại gia ngân hàng Nga bị đầu độc thời Liên Xô hỗn loạn