Chiều 21.6, PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ cho biết sẽ xem xét rút đơn khởi kiện đòi một tiến sĩ bồi thường tiền đào tạo. Phải chăng trường đuối lý?

Đại học Cần Thơ rút đơn kiện đòi bồi thường tiền đào tạo vì đuối lý?

23/06/2016, 04:59

Chiều 21.6, PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ cho biết sẽ xem xét rút đơn khởi kiện đòi một tiến sĩ bồi thường tiền đào tạo. Phải chăng trường đuối lý?

Hiệu trưởng đại học Cần Thơ cho biết sẽ rút đơn kiện

Trước đó, ngày 20.6.2016, TAND quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) đã hoãn phiên tòa xét xử vụ trường đại học Cần Thơ kiện tiến sĩ Vũ Thị Nhuận (SN 1975). Đây là lần thứ 2 phiên tòa phải tạm hoãn vì đại diện trường này vắng mặt.

“Tôi xin nghỉ vì cảm thấy mình bị trù dập, chứ không có ý định rời trường sau khi có học hàm tiến sĩ! Và khi bị trường kiện, tôi vì khó khăn nên không thuê luật sư. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nếu không có luật sư bào chữa, thì tòa sẽ ‘xử’ tôi ra sao?Bởi 3 năm học tiến sĩ, tôi chỉ nhận từ trường 30% lương, tương đương 16 triệu đồng. Trong khi trường đòi bồi thường trên 3 triệu yên Nhật (gần 600 triệu đồng)”, bà Nhuận nói…

Bà Nhuận được tuyển dụng công chức vào đại học Cần Thơ hồi tháng 3.2000. Sau đó, bà tự ‘săn’ học bổng và từ tháng 10.2005 đến tháng 9.2008, bà Nhuận được nhà trường chấp thuận đi học tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học tại đại học Kyushu (Nhật Bản) 3 năm.

Đại học Cần Thơ không hề bỏ tiền ra cho bà Nhuận học, bởi kinh phí do học bổng chính phủ Nhật Bản (Monbukagakusho) cấp. Sau khi tốt nghiệp và về trường công tác, đến ngày 10.3.2011, bà xin nghỉ!

Nguyên do là trước đó, tháng 2.2011, bà Nhuận gửi đơn xin tham gia khóa đào tạo nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản 11 tháng, nhưng nhà trường không đồng ý.

Lý giải việc kiện bà Nhuận ra tòa, phía trường cho biết, số cán bộ được cử đào tạo ở nước ngoài, nhưng về nước không chịu phục vụ cho nhà trường ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo, khoảng trên 30 người. Đến nay, nhà trường còn nợ ngân sách trên 10 tỷ đồng chưa thu hồi được.

Do đó, đây là trường hợp đầu tiên trường kiện ra tòa, vì "ấm ức"! Bởi theo quy định, cán bộ đi học về nếu vi phạm sẽ phải bồi thường với chi phí gấp 3 lần chi phí học bổng mà người đó nhận được.

Và hiện nay, ông Toàn xác nhận trường sẽ không đeo đuổi vụ kiện. Lý do, căn cứ Nghị định 54/2005/NĐ-CP ngày 19.4.2005 về chế độ thôi việc, bồi thường chi phí đào tạo đối với CBCC thì công chức, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo nếu sau khi được cử đi đào tạo mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ, đã tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc…

Tuy nhiên nghị định không nói rõ trong trường hợp kinh phí đào tạo do bên nào cấp sẽ phải bồi thường hoặc không bồi thường. Trong trường hợp tiến sĩ Nhuận, do học bổng phía Nhật cấp, nên theo PGS.TS Hà Thanh Toàn: “Chưa có sự minh bạch trong việc kinh phí học bổng đó phải bồi thường hay không!”.

Nội dung đơn khởi kiện của trường đại học Cần Thơ khẳng định chồng bà Nhuận cam kết bồi thường nếu bà Nhuận vi phạm về các quy định đào tạo.

Giả như trường này quyết kiện, thì có thắng không? Bởi khi đi học, bà Nhuận khẳng định: “Tôi không hề ký cam kết gì với trường, mà chỉ có chồng tôi ký bảo lãnh”. Theo đó, ông này cam kết: sẽ đứng ra bồi thường toàn bộ chi phí liên quan đến việc đào tạo của bà Nhuận nếu vợ ông “vi phạm các quy định hiện hành liên quan đến các bộ cử đi học ở nước ngoài”…

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP.Cần Thơ), phân tích: “Trường hợp bảo lãnh của chồng bà Như chỉ có hiệu lực khi xác định được trách nhiệm bồi thường của bà Như. Nếu tòa xử bà Như không có trách nhiệm bồi thường cho trường, đồng nghĩa với việc bảo lãnh này không có giá trị pháp lý. Và ngược lại, nếu như bà Như có trách nhiệm bồi thường mà không bồi thường, hoặc không có khả năng bồi thường thì người bảo lãnh mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thay”.

Trong khi với trường hợp của bà Như, theo luật sư Thành, khó áp dụng Nghị định 54/2005/NĐ-CP nêu trên vì kinh phí đi học không phải nguồn ngân sách hoặc trường đài thọ mà từ nguồn tài trợ học bổng của nước ngoài.

“Nếu giữa trường và bà Như có thoả thuận với nhau trước khi đi học phải về phục vụ cho trường thì bà Như phải bồi thường. Còn nếu không thoả thuận thì không phải bồi thường”, luật sư Thành khẳng định.

Như vậy, có lẽ cảm thấy khó thắng trong vụ kiện, nên trường đại học Cần Thơ đã quyết định rút đơn? Nhưng nếu vậy, vì sao từ đầu trường không nghiên cứu kỹ hồ sơ trước khi nộp cho tòa án. Bởi trường này cũng có khoa Luật và hàng năm đào tạo ra rất nhiều luật sư!

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học Cần Thơ rút đơn kiện đòi bồi thường tiền đào tạo vì đuối lý?