Chiều 27.2, Trường đại học Luật TP.HCM có thông tin chính thức về việc tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên của trường) bị khởi tố, tạm giam.

Đại học Luật TP.HCM tạm hoãn hợp đồng lao động với tiến sĩ Đặng Anh Quân

P.V | 27/02/2023, 19:45

Chiều 27.2, Trường đại học Luật TP.HCM có thông tin chính thức về việc tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên của trường) bị khởi tố, tạm giam.

Ngày 25.2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ban hành Văn bản số 1081/PC01-Đ3 về việc thông báo áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Đặng Anh Quân để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự.

Ngày 27.2, Đại học Luật TP.HCM đã thông tin về việc xử lý tiến sĩ Đặng Anh Quân, sau khi người này bị khởi tố và bắt tạm giam trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo đại diện Đại học Luật TP.HCM, sáng cùng ngày, lãnh đạo nhà trường đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Sau khi phân tích và đánh giá vụ việc, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, nhà trường đã tạm hoãn hợp đồng làm việc đối với ông Đặng Anh Quân theo khoản 3 Điều 28 Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) và điểm b khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019.

Đồng thời điều chuyển toàn bộ các nhiệm vụ chuyên môn mà ông Đặng Anh Quân đang đảm trách tại Đại học Luật TP.HCM cho các giảng viên khác đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người học và hoạt động bình thường của nhà trường.

Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, trường sẽ xem xét và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Thông cáo báo chí của Đại học Luật TP.HCM nêu: "Trong thời gian ông Đặng Anh Quân bị tạm giam, căn cứ theo Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, nhà trường, với tư cách là cơ quan quản lý viên chức, sẽ cùng với thân nhân của ông Đặng Anh Quân thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật".

dang-anh-quan-17051649.jpeg
Ông Đặng Anh Quân lúc bị khởi tố, bắt tạm giam - Ảnh: CACC

Trước đó, ngày 26.10.2021, lãnh đạo trường đã triệu tập ông Đặng Anh Quân tham dự cuộc họp để trao đổi và nhắc nhở ông Quân về việc cần tuân thủ quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo liên quan việc tham gia vào các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.

Lãnh đạo trường đã cảnh báo những hậu quả pháp lý bất lợi nếu có những hành vi không chuẩn mực trong quá trình tham gia các hoạt động trên mạng xã hội hoặc bên ngoài nhà trường. Đồng thời, lãnh đạo trường đã yêu cầu ông Quân tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của nhà trường.

Ngày 8.2.2023 (trước khi có Văn bản số 1081/PC01-Đ3), quyền Hiệu trưởng nhà trường đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-ĐHL về việc thành lập tổ công tác xem xét, đánh giá hoạt động của giảng viên Đặng Anh Quân liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng.

Sau khi quyết định được ban hành, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM đã yêu cầu tất cả thành viên trong tổ công tác nhanh chóng sưu tầm và nghiên cứu các tài liệu liên quan, các quy định pháp luật có thể áp dụng trong trường hợp này, đảm bảo việc đánh giá cẩn trọng, khách quan và chính xác để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng pháp luật.

Như đã đưa tin, liên quan đến vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Đặng Anh Quân - tiến sĩ luật, giảng viên Đại học Luật TP.HCM.

Cơ quan điều tra xác định với vai trò "cố vấn pháp lý" cho bị can Nguyễn Phương Hằng, Đặng Anh Quân tham gia livestream cùng bà Hằng 11 buổi từ tháng 10.2021 - 3.2022, trong đó có một số nội dung chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, tuy nhiên vẫn có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can, gồm Nguyễn Phương Hằng; Đặng Anh Quân; Nguyễn Thị Mai Nhi (SN 1983, ngụ tại quận 12, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng); Lê Thị Thu Hà (SN 1992, ngụ tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam); Huỳnh Công Tân (SN 1994, ngụ tại TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
14 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học Luật TP.HCM tạm hoãn hợp đồng lao động với tiến sĩ Đặng Anh Quân