Đài Loan thề sẽ 'tự lực cánh sinh' trong bối cảnh Mỹ diễn giải lại lời cam kết bảo vệ đồng minh theo hướng xoa dịu Trung Quốc.

Đài Loan thề tự lực cánh sinh sau khi Mỹ đính chính lại cam kết bảo vệ

Anh Tú (theo Newsweek) | 24/10/2021, 11:27

Đài Loan thề sẽ 'tự lực cánh sinh' trong bối cảnh Mỹ diễn giải lại lời cam kết bảo vệ đồng minh theo hướng xoa dịu Trung Quốc.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có phát biểu gây tranh cãi hôm 21.5 sau khi ông không dưới 1 lần đề cập cam kết bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Khi phóng viên Anderson Cooper của CNN hỏi: "Ngài đang nói về Mỹ sẽ đến bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công?", thì Tổng thống Biden đã trả lời: "Vâng, chúng ta có cam kết thực hiện điều đó".

Một cam kết như vậy sẽ chấm dứt hàng thập kỷ duy trì “sự mơ hồ chiến lược”, một cách tiếp cận mà qua đó Washington không xác nhận cũng không phủ nhận sự sẵn sàng đứng về Đài Bắc chống lại Bắc Kinh.

Ngay sau đó, người phát ngôn của Nhà Trắng đã phải “đính chính” phát ngôn của Tổng thống Biden. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rõ rằng lập trường của chính quyền Mỹ vẫn không thay đổi so với chính sách được thông qua vào năm 1979 khi Mỹ thiết lập quan hệ với Trung Quốc và hạ cấp quan hệ với Đài Loan xuống quan hệ đối tác không chính thức.

Bà Psaki cho biết: “Mối quan hệ quốc phòng của Mỹ với Đài Loan được dẫn dắt bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Chúng tôi sẽ duy trì cam kết của mình theo đạo luật, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Loan và chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng".

Thà Mỹ không nói chứ việc Mỹ nói rồi đính chính sẽ khiến người Đài Loan có lẽ thất vọng hơn. Văn phòng người đứng đầu Đài Loan sau đó đã đưa ra phản hồi.

thai-anh-van.jpg
Bà Thái Anh Văn trong một lần úy lạo binh sĩ Đài Loan

Người phát ngôn Xavier Chang cho biết: “Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, chính phủ Mỹ đã liên tục thể hiện sự ủng hộ vững chắc đối với Đài Loan thông qua các hành động cụ thể”. Đồng thời, ông Chang cho biết: "Quan điểm nhất quán của Đài Loan là chúng tôi không cúi đầu trước áp lực cũng như không hành động hấp tấp khi có sự hỗ trợ".

Ông Chang nói thêm: "Đài Loan sẽ thể hiện quyết tâm tự vệ vững chắc và tiếp tục hợp tác với các nước có cùng chí hướng để trở thành một lực lượng vì lợi ích và đóng góp cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương."

Và trong lúc cả Đài Bắc và Washington duy trì chính sách thúc đẩy khả năng tự vệ của Đài Loan một cách công khai, thế thượng phong của Bắc Kinh đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua.

Tranh chấp giữa hai bên đã có từ cuộc nội chiến Quốc – Cộng, sau đó lực lượng của Mao Trạch Đông giành thắng lợi trên đại lục, buộc chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Giới Thạch phải chạy sang Đài Loan. Ban đầu, Washington công nhận chính quyền Đài Bắc, nhưng ba thập kỷ sau lại chuyển sang công nhận Bắc Kinh.

Dù vậy, Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí tiên tiến cho Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, còn Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu chưa từng có là mở rộng và hiện đại hóa lực lượng của mình.

Ông Tập đã tuyên bố ý định thành lập một "quân đội đẳng cấp thế giới" trước giữa thế kỷ này, và Lầu Năm Góc giải thích điều này có nghĩa là "Bắc Kinh sẽ tìm cách phát triển một quân đội vào giữa thế kỷ này ngang bằng - hoặc trong một số các trường hợp vượt trội hơn so với quân đội Mỹ hoặc của bất kỳ cường quốc nào khác mà CHND Trung Hoa coi là mối đe dọa".

Lầu Năm Góc nhận định: "Trung Quốc đã đi trước Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như đóng tàu, tên lửa hành trình và đạn đạo thông thường trên đất liền, cũng như các hệ thống phòng không tích hợp.

Và vào thời điểm quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi nghiêm trọng, báo cáo lưu ý rằng "Trung Quốc tiếp tục coi vấn đề Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất giữa Mỹ và Trung Quốc."

Điểm đó đã được minh họa bằng phản ứng quyết liệt của Bắc Kinh ngay sau những bình luận của Biden hôm 21.10.

Trong cuộc họp báo ngày 22.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc" rồi "Vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp. Đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc, không ai có thể mong đợi Trung Quốc thực hiện bất kỳ thỏa hiệp hoặc đánh đổi nào. Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và khả năng của nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".

Ông Uông còn cảnh báo: "Đừng đứng về phía đối diện của 1,4 tỉ người. Chúng tôi kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong ba thông cáo chung Trung - Mỹ, thận trọng với lời nói và hành động của mình đối với vấn đề Đài Loan, và tránh gửi tín hiệu sai cho lực lượng ly khai đòi "Đài Loan độc lập", e rằng nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Thông điệp của ông Vương đã được người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc là Mã Hiểu Quang lặp lại. Ông Mã cũng "chỉ ra rằng nhiệm vụ lịch sử của sự thống nhất hoàn toàn của đất mẹ phải được hoàn thành, và nó chắc chắn sẽ được hoàn thành".

Ông Mã cũng đả kích Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền của Đài Loan vì tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài. Ông Mã nói: “Nỗ lực của chính quyền DPP nhằm phản bội lợi ích của đất nước Trung Quốc và hạnh phúc của người dân trên đảo và cấu kết với các thế lực bên ngoài để tìm kiếm 'độc lập' sẽ không thành công.

Các nhà lập pháp DPP gần đây đã đưa ra 6 đề xuất để sửa đổi hiến pháp của Đài Loan, gồm các cải cách sẽ loại bỏ các tham chiếu đến hòn đảo này như một "tỉnh" và loại bỏ khái niệm "thống nhất quốc gia”. Những động thái như vậy đã khiến ông Mã phản ứng mạnh mẽ khi ông coi đó là một "âm mưu" mở đường cho độc lập.

Ông Mã nói: “Những kẻ khiêu khích sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, đồng thời khẳng định rằng: “Đồng bào Đài Loan cũng nên phản đối và chống lại mọi nỗ lực tìm kiếm 'nền độc lập của Đài Loan' thông qua cái gọi là sửa đổi hiến pháp".

Chính quyền Biden đã tiếp bước cựu Tổng thống Donald Trump bằng cách mở rộng quan hệ của Mỹ với Đài Loan và cũng đã điều tàu chiến đến các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc phô diễn sức mạnh thông qua các cuộc tập trận quân sự trong khu vực và điều máy bay xâm nhập vùng Nhận dạng Phòng không mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Trước những bình luận hôm 21.10 của Tổng thống Biden, người phát ngôn của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (có chức năng giống đại sứ quán) cho biết không thể suy luận về ý định của tổng thống nhưng bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách của Mỹ.

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi không thực sự ở vị trí để làm rõ những gì Tổng thống Mỹ nói hoặc liệu có bất kỳ thay đổi nào đối với các chính sách đối ngoại của Mỹ hay không”. "Tuy nhiên, chúng tôi đã nhiều lần được các quan chức Mỹ đảm bảo rằng quan hệ của Mỹ với Đài Loan đã rất vững chắc. Chúng tôi tin rằng Mỹ sẽ tôn trọng các cam kết của mình với Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan".

Phát biểu hôm 22.10 tại Brussels sau hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết chính quyền Biden đang tìm cách tránh xung đột với Trung Quốc về Đài Loan.

Ông Austin nói: “Không ai muốn thấy các vấn đề xuyên eo biển trở nên gay gắt, chắc chắn không phải là Tổng thống Biden, và không có lý do gì phải như vậy”.

Và ông nhắc lại các cam kết hiện có của Mỹ, trong đó có Đạo luật Quan hệ Đài Loan và các cam kết nêu chi tiết về bản chất lâu dài cho mối quan hệ của Washington với Đài Bắc, cũng như các thông cáo tạo tiền đề cho mối quan hệ đang diễn ra với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông dường như đã nhầm lẫn giữa số lượng cam kết và thông cbáo, nói sai rằng có "ba cam kết" và "sáu thông cáo", trong khi các con số thì ngược lại.

Austin nói: “Như chúng tôi đã thực hiện nhiều lần, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp Đài Loan với những khả năng cần thiết để tự bảo vệ mình”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan thề tự lực cánh sinh sau khi Mỹ đính chính lại cam kết bảo vệ