Đài Loan thể hiện sự thất vọng khi đầu tháng này Facebook đã chọn Singapore chứ không phải Đài Loan để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên ở châu Á với mức đầu tư hơn 1 tỷ đôla.
Một quan chức kinh tế nói với tạp chíNikkei Asian Reviewrằng chính phủ Đài Loan rất muốn thuyết phục Facebook xây dựng trung tâm dữ liệu khổng lồ thứ hai của châu Á trên hòn đảo này như một phần của chiến lược chống lại sự gây hấn của Trung Quốc và nỗ lực thu hút đầu tư của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang ngày càng trở nên căng thẳng.
Đài Loan thể hiện sự thất vọng khi đầu tháng này Facebook đã chọn Singapore chứ không phải Đài Loan để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên ở châu Á với mức đầu tư hơn 1 tỷ đôla. Facebook đã nghiên cứu tính khả thi của việc thiết lập trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên tại Đài Loan vào năm 2015.
“Chính phủ vẫn chưa bỏ cuộc. Chúng tôi vẫn đang cố gắng đàm phán với Facebook để xây dựng trung tâm dữ liệu châu Á thứ hai của họ tại Đài Loan”, một quan chức cấp cao của chính phủ nói vớiNikkei.
Phó chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương Dan Neary đang ở Đài Loan để tiếp tục bàn về sáng kiến ”Made By Taiwan” của Facebook vào thứ năm vừa qua. Đây là một sự hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương để tối ưu hóa các công cụ quảng cáo của công ty. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cam kết cụ thể nào về các trung tâm dữ liệu.
Cũng theo một nguồn tin chính thức, Bộ trưởng Kinh tế Shen Jong-chin đã có cuộc gặp một tiếng với ông Neary vào hôm thứ Tư và Nhà Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng đã lên kế hoạch gặp gỡ ông Neary vào thứ Năm sau sự kiện báo chí của Facebook.
Các quan chức cho biết chính phủ Đài Loan muốn thuyết phục Facebook cam kết xây dựng một trung tâm dữ liệu tại địa phương do cũng có liên quan đến an ninh quốc gia. “Giống như tất cả các dữ liệu quan trọng được lưu trữ trong các cơ sở, các trung tâm dữ liệu của các công ty công nghệ lớn giống như kho đạn dược. Bạn sẽ không để bất cứ ai bắn vào những kho đạn này”, người này nói.
Quan chức này nói thêm nếu Đài Loan có thể thu hút nhiều công ty lớn của Mỹ thành lập trung tâm dữ liệu tại đây, hòn đảo này sẽ có lợi thế trong việc được Mỹ bảo vệ chống lại các mối đe dọa của Bắc Kinh.
Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã trở nên xấu đi kể từ khi bà Thái và Đảng Dân chủ tiến bộ của bà dành thắng lợi vào tháng 5 năm 2016. Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ việc lấy lại Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ông Shen đã xác nhận kế hoạch của chính phủ. Ông Shen nói với các phóng viên sau cuộc họp báo của Facebook hôm thứ Năm rằng: “Đến giờ Facebook vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc xây dựng trung tâm dữ liệu châu Á thứ hai. Những gì Đài Loan có thể làm bây giờ là sẵn sàng cho môi trường [xây dựng trung tâm dữ liệu] và tôn trọng quyết định của khách hàng”.
“Địa điểm đặt trung tâm dữ liệu của Facebook là một quyết định rất phức tạp “, người đứng đầu Facebook Hong Kong và Đài Loan Fei Yu nói. “Châu Á Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất của công ty và chúng tôi đang làm việc với nhiều quốc gia để xác định được môi trường tốt nhất cho [trung tâm dữ liệu]”, bà Fei Yu trả lời câu hỏi củaNikkeivề xây dựng trung tâm dữ liệu châu Á thứ hai tại Đài Loan.
Facebook chỉ là một trong những công ty mục tiêu của chính phủ. Các quan chức từ Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan và các giám đốc của ba khu khoa học lớn của hòn đảo vừa kết thúc chuyến công tác ở Mỹ lần đầu tiên. Nhóm này hy vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp và đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, từ chất bán dẫn, công nghệ sinh học, kỹ thuật y tế, sản xuất thông minh đến trí tuệ nhân tạo. Họ cũng lên kế hoạch cho chuyến đi tương tự đến Nhật Bản vào tháng Giêng.
Trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên của Google tại Changhua County ở miền trung Đài Loan bắt đầu hoạt động vào năm 2013. Quy mô của địa điểm này đang được mở rộng, ban đầu là 15 ha, với cam kết đầu tư 600 triệu đô la trong nhiều năm.
Là một hòn đảo tương đối nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và thiếu điện trong dài hạn, Đài Loan không phải là lựa chọn lý tưởng cho nhiều trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, Đài Loan có thể hấp dẫn đối với các công ty Internet Mỹ do vị trí chiến lược, quy định kinh doanh hợp lý và quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ. Về mặt địa lý, Đài Loan gần Trung Quốc, nơi Google và Facebook bị cấm. Việc thiết lập các trung tâm dữ liệu và các cơ sở nghiên cứu và phát triển khác ở Đài Loan có thể giúp các doanh nghiệp Mỹ tránh sự giám sát từ Bắc Kinh.
Ngân Giang (theo Nikkei)