Đăk Nông thật sự vẫn là một tỉnh có nền kinh tế yếu kém của Việt Nam và đã tới hạn phát triển. Dư địa phát triển còn lớn nhưng chưa có đột phá.

Đăk Nông: Tiềm năng, thách thức và đột phá

nguyen van lang | 21/12/2019, 11:40

Đăk Nông thật sự vẫn là một tỉnh có nền kinh tế yếu kém của Việt Nam và đã tới hạn phát triển. Dư địa phát triển còn lớn nhưng chưa có đột phá.

TIỀM NĂNG

Đăk Nông có lịch sử xây dựng phát triển từ năm 1959 do chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập với tên là Quảng Đức. Cách Sài Gòn 230 km, Đăk Nông được kết nối với bên ngoài bằng Quốc lộ 14, không có hệ thống đường sắt và sân bay. Trước năm 1975, Đắk Nông có sân bay Nhân Cơ, máy bay L19 có thể cất hạ cánh 2 đến 4 chuyến/tuần.

Thổ nhưỡng Đăk Nông tương đối đặc biệt, nơi đây có hệ thống cao nguyên bazan cổ (đá bazan ở dạng khối, hang động, thác nước), có miệng núi lửa, Hồ Ea R Bin và nhiều tài nguyên khoáng sản như bô-xít, alumin, sắt, saphia…

Địa hình Đăk Nông có nhiều điều kiện tốt để phát triển thủy điện, đặc biệt là hệ thống các bậc thang trên sông Đồng Nai. Các điều kiện về khí hậu, thời tiết rất thuận lợi. Khí hậu có thể coi là một nguồn tài nguyên lớn cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp. Đăk Nông là nơi giao hòa giữa hai loại mùa, tạo ra hệ thống thảm thực vật nhiệt đới đa dạng sinh học và xuất hiện rừng lá kim. Địa phương này còncó hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Nam Nung, Tà Đùng và vùng đệm vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Dải đất rộng lớn có thể tạo vùng trồng cây công nghiệp tập trung cà phê, hồ tiêu, cao su và phát triển mác-ca cũng như trồng rừng nguyên liệu, gỗ ván nhân tạo.

Tổng diện tích cà phê của tỉnh đạt 118.000 ha – 150.000 ha, đứng thứ 3 trên cả nước, sau tỉnh Đăk Lắk và tỉnh Lâm Đồng. Diện tích trồng tiêu đạt 13.900 ha đến 30.000 ha và diện tích mác-ca từ 600 ha đến 10000 ha, là một trong những tỉnh hiện tại đứng đầu Việt Nam. Diện tích cây cao su là 32.000 ha, có thể trong danh sách 10 tỉnh có diện tích trồng lớn nhất đất nước (đứng thứ 6 sau Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai, Đăk Lăk). Nếu không kể lúa nước, lúa cạn thì diện tích trồng ngô tại Đăk Nông có thể đạt 52.000 ha (đứng thứ 5 trong số các tỉnh của Việt Nam). Đắk Nông còn là tỉnh có thế mạnh về diện tích, năng suất và sản lượng đỗ của Việt Nam. Diện tích trồng đậu đỗ là 55.000 ha.

Không những thế, Đăk Nông có thế mạnh về chế biến nông lâm sản và đã bước đầu xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Ngành công nghiệp khai thác bô-xít, luyện Alumin đãđi vào sản xuất với công suất trên 650.000 tấn/năm, khu điện phân nhôm của công ty Hồng Quân đã hoàn thành.Sản lượng điện năng bằng thủy điện là rất lớn và tỉnh cũng sở hữu tài nguyên Nắng cho điện mặt trời.

Đắk Nông có cao nguyên Mơ Nông với văn hóa sử thi Ot N’rông, cồng chiêng và người anh hùng AMA N'Trang Lơng huyền thoại, cùng với danh lam thắng cảnh (rừng Nam Nung, Tà Đùng, hang động Bazan núi lửa) sẽ là nguồn tài nguyên độc đáo và khổng lồ cho phát triển ngành công nghiệp không khói - công nghiệp du lịch.

Nhìn chung, Đăk Nông có tiềm năng rất lớn về đất đai, khoáng sản, thủy năng, sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp và du lịch, dịch vụ.

THÁCH THỨC

Tuy nhiên, Đăk Nông thật sự vẫn là một tỉnh có nền kinh tế yếu kém của Việt Nam và đã tới hạn phát triển. Dư địa phát triển còn lớn nhưng chưa có đột phá.

Nền kinh tế với cơ cấu nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ, du lịch

Về Nông nghiệp: Nền nông nghiệp của Đăk Nông đã đi tới giới hạn (Kinh tế tới hạn). Công nghiệp chế biến nông lâm sản bế tắc. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mở ra không có sức hút, gần như nằm im hoặc phát triển rất yếu ớt. Giá trị gia tăng và sản phẩm công nghiệp quá nhỏ, không có thương hiệu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ yếu là nguyên liệu thô nên mang lại giá trị gia tăng thấp. Rừng bị mất gần hết độ che phủ (đến 40%, nhỏ hơn mức bình quân của cả nước là 41%). Nông nghiệp không tạo ra giá trị gia tăng cao và thiếu bền vững, quảng canh, năng suất chất lượng thấp, sản phẩm nông nghiệp không có thương hiệu trên thị trường. Nông nghiệp có khả năng sẽ đi xuống trong ít năm tới do cà phê, tiêu,… giảm năng suất; biện pháp canh tác lạc hậu; độ phì nhiêu của đất giảm; ô nhiễm đất, nước, không khí ở mức độ lớn, mất cân bằng nước… Cây trồng nông nghiệp không được đầu tư công nghệ cao, công nghệ mới trong cả chuỗi giá trị: giống, biện pháp canh tác, thu hoạch, chế biến, thương hiệu và thương mại.

Về công nghiệp: Nền công nghiệp nhôm mới bắt đầu. Công suất nhà máy Alumin quá nhỏ (hơn 1 triệu tấn/năm), công nghệ chưa cao, xử lý 1 triệu tấn bùn/năm đã có vấn đề. Tài nguyên thủy điện đã khai thác hết, gần như không có giá trị gia tăng (trừ thuế tài nguyên nước), không có công nghiệp chế biến nông, lâm sản…

Công nghiệp chỉ khai thác bô-xít là chủ lực lại với quy mô nhỏ, chế biến Alumin (bán thành phẩm, nguyên liệu, quy mô nhỏ). Phải tới sau năm 2020 mới hoàn thiện Khu liên hợp bô-xit, nhôm, thép, bùn đỏ chưa có lời giải khả quan cả về kinh tế, xã hội, môi trường.

Về cơ sở hạ tầng: Hạ tầng giao thông, điện, nước quá kém. Quốc lộ 14, 28, các tỉnh lộ chất lượng kém không đạt tiêu chuẩn, không có sân bay, không có giao thông thủy,…Điện chưa đảm bảo chất lượng và khối lượng cho phát triển.

Về hàng hóa: 100% hàng công nghiệp dùng trên địa bàn được chuyên chở từ TP.HCM, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt tới. Hàng hóa của Đăk Nông rất đắt đỏ. Khách sạn xây dựng ra không có khách ở. Các dịch vụ hầu như không phát triển (có thể xếp thứ 5 ở Tây Nguyên).

Về bộ máy cán bộ, lao động: Tại các sở ngành có vấn đề là “Du canh du cư” và “Định canh du cư”, “Không an tâm, Không tâm huyết” cho Đăk Nông với tư tưởng: “Mắt thứ 2, tai thứ 6”, làm ở Đăk Nông nhưng lại mang tiền về đầu tư ở Buôn Ma Thuột và TP.HCM. Nguồn lao động không đáp ứng cả về số lượng và chất lượng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quản lý, quản trị.

Về quy hoạch: Tất cả các mặt đều chưa ổn định, không có tính khả thi, quản lý quy hoạch kém. Quy hoạch về rừng và đất cây công nghiệp ngày càng thu hẹp. Quy hoạch về cây trồng, vật nuôi bị phá vỡ. Quy hoạch Đô thị Gia Nghĩa cũng bị phá vỡ, có nhiều bất cập và hiệu quả không cao. Quy hoạch thành phố triển khai không tốt làm mất lòng dân, tốn tiền mà không đạt mục tiêu xây dựng thành Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Khu Sùng Đức không được quan tâm thành một Khu Gia Nghĩa mới, tạo ra như một ốc đảo, một khu “phố chết”, “phố ma”. Cầu ở Đăk Nông không ổn vì thiếu kiến trúc, cảnh quan, mỹ thuật… Hồ Nghĩa Đức đắp không chuẩn, hơi thấp, không tạo điểm nhấn. Kiến trúc đô thị không có tầm, không ấn tượng, không tạo thác nước hùng vĩ. Quy hoạch cây xanh đô thị không tạo điểm nhấn, không gây ấn tượng và không đúng với mục tiêu, lẽ ra chỉ trồng thông, muồng hoa vàng, muồng anh đào và cúc quỳ mà lại trồng cây giống các thành phố khác của cả nước.

Đắk Nông sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, nên thơ, kỳ bí của riêng mình - Ảnh: Internet

Về du lịch: Không phát triển mặc dù có thế mạnh của văn hóa “M’Nông – với sử thi Ot N’rông, cồng chiêng, rượu cần, lễ hội,…” với thác nước, núi lửa, hồ tự nhiên, hang động bazan. Hạn chế này rất dễ nhận biết.

Tóm lại: Thách thức là vô cùng lớn và rất khó vượt qua với Đăk Nông. Đăk Nông có thể bị tụt hậu và càng ngày càng tụt hậu xa nếu kinh tế không có bước đột phá, công tác tổ chức và tầm nhìn chiến lược không có bước ngoặt, hạ tầng giao thông vẫn yếu kém và không đưa khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của sự phát triển Đăk Nông.

Tiềm năng và thách thức sẽ không tạo ra cho Đăk Nông thế mới và lực mới và sẽ dễ bị lãng quên.

GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Đề xuất với Chính phủ và Trung ương hỗ trợ Đăk Nông phát triển giao thông

Thứ nhất, xây dựng hệ thống đường quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) thành cao tốc như cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Thứ hai, xây dựng hệ thống Đường sắt Sài Gòn (Thị Vải) – Gia Nghĩa – Q.Sơn với tốc độ 130 đến 150 km/h để chở quặng, sản phẩm nhôm, hàng hóa và chở khách.

Thứ ba, khôi phục lại sân bay Nhân Cơ với các tuyến bay Nhân Cơ – Hà Nội, Nhân Cơ – Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác.

Thứ tư, nâng cấp quốc lộ 28đi Di Linh, Phan Thiết; nâng cấp các tỉnh lộ có đường cấp 3, mặt bê tông nhựa tối thiểu đạt 6 m.

Hệ thống giao thông này phát triển sẽ tạo ra điều kiện đầu tiên cho sự phát triển nền kinh tế, xã hội đối với vùng đất cao nguyên đặc biệt này

Tập trung xây dựng cơ cấu kinh tế qua hai thời kỳ:

Giai đoạn 2015-2025: Nông nghiệp – Công nghiệp – Dịch vụ

- Giai đoạn từ 2025 trở đi: Công nghiệp – Nông nghiệp – Dịch vụ

Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân lực

Đăk Nông phải có một chiến lược, một nghị quyết quan trọng nhất trong thời gian tới về nguồn lực con người. Với tư cách những chủ thể sáng tạo, là trên 50% cán bộ lãnh đạo Tỉnh, Sở, ban, ngành ổn định định cư ở Thị xã Gia Nghĩa để họ tâm huyết với sự phát triển của kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Đăk Nông. Đề xuất Trung ương các chính sách để tạo điều kiện tinh thần vật chất cho cán bộ chủ chốt và con em họ an tâm ở lại thị xã Gia Nghĩa, các huyện của tỉnh để chung sức xây dựng tỉnh Đăk Nông phát triển. Song song với chính sách chiến lược đó, cần kêu gọi trí thức cán bộ trẻ về Đăk Nông công tác. Ưu tiên mọi chế độ cho con em Đăk Nông ở ngoài tỉnh, ở nước ngoài về Đăk Nông công tác. Cần xin Chính phủ cho phép triển khai toàn tỉnh Đề án 500, đưa trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã, trên địa bàn các huyện và toàn tỉnh.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất:

Đăk Nông cần mạnh dạn đưa công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tài chính, quản trị mới vào các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh càng nhanh càng tốt. Mạnh dạn đột phá vào phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ cho phát triển như áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cho sản xuất giống, biện pháp canh tác (tưới tiêu, bón phân, xử lý sâu bệnh bằng công nghệ hữu cơ), đưa các tiến bộ khoa học vào thu hoạch, chế biến nông sản (như chế biến cà phê ướt không sử dụng nước, dùng Enzim biotech vào cho cà phê, hồ tiêu,…), các công nghệ mới cho chăn nuôi và xử lý môi trường. Kêu gọi tập trung các nhà đầu tư chương trình Green Way hình thành khu công nghiệp chế biến nông sản với công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc tạo ra các sản phẩm cà phê, chanh dây, bơ, sầu riêng, mác-ca, xoài... tạo ra khu chợ lớn cho nông sản.

Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê bột, cà phê hòa tan, hồ tiêu sọ, mủ cao su ra sản phẩm cuối cùng (lốp xe chẳng hạn) và các sản phẩm nông nghiệp khác. Mạnh dạn đưa mác-ca vào trồng tập trung, hoặc trồng xen với cà phê lên quy mô trên 20.000 ha.

Phát triển tổ hợp Công nghiệp nhôm:

Với sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, Đăk Nông cần phát triển đưa khu vực công nghiệp Alumin Nhân Cơ phát triển thành tổ hợp công nghiệp Nhôm – Thép lớn nhất đất nước (với diện tích trên 1000 ha) với hàng triệu tấn Alumin, hàng triệu tấn nhôm và các sản phẩm sau nhôm cùng hàng triệu tấn gang, thép, tạo kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 đến 2 tỷ đô la/năm.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi:

Mở cửa cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế vào Đăk Nông ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp như nhôm, đường sắt, bò sữa, mắc ca, cà phê… là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài để tỉnh có những đầu tầu kiểu đại gia mang tên Đăk Nông.

Quy hoạch tốt thị xã Gia Nghĩa

Cần xây dựng, nâng cấp Thị xã Gia Nghĩa thành đô thị loại 3, tiến tới loại 2, loại 1 vào 10 năm tới với phong cách kiến trúc, quy hoạch đô thị (đường xá, cầu, hồ, cây xanh, chiếu sáng) đặc trưng, phải quyết tâm xây dựng thị xã nên thơ và giàu tiềm năng này thành “Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam. Theo tôi, chỉ nên trồng các loại cây lớn là Thông, Muồng hoa vàng, Cúc Quỳ và Muồng Anh đào. Tại các cửa ô vào Trung tâm Gia Nghĩa, nên trồng hoa Cúc Quỳ và Muồng Anh Đào hai bên đường tạo nên cảnh quan rực rỡ đón khách.

Cần tổ chức một khu vực khoảng 50 – 100ha để trồng rừng bách thảo hoặc thiên thảo với phương châm xã hội hóa. Tất cả mọi người đều có quyền trồng ít nhất một cây và ghi danh mình vào đó như một kiểu Sổ vàng. Xem xét gắn rừng bách thảo với du lịch mang phong cách văn hóa M’Nông.

Gia Nghĩatrong sự hội nhập, phát triển và đi lên - Ảnh: SGGP

Nên xem lại Khu Sùng Đức và Khu Trung tâm, có thể tổ chức xây dựng một khu liên cơ tại Khu Sùng Đức, tiến tới đấu giá các khu cở sở cũ của các ngành ở Gia Nghĩa, tạo ra một khu đô thị mới với các sở ban ngành tập trung từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan quân sự, biên phòng, công an.

Nên có hướng dẫn xây dựng để người dân tôn trọng địa hình tự nhiên, nghiêm cấm đào bới, hạ mốc xây dựng tạo các vách đất, toa ly cao… làm xáo trộn, động long mạch, mất lòng dân.

Chuyển xây dựng chợ Gia Nghĩa về vị trí tòa nhà hai tầng của trường PTCS Võ Thị Sáu; sử dụng khu chợ cũ thành một khu dùng vào việc khác đẹp hơn, thông thoáng hơn, ấn tượng hơn, là một điểm nhấn kiến trúc (có thể đặt cột đồng hồ hoặc tượng AMA N'Trang Lơng)

Nên xem lại đập nước hồ trung tâm để có thể nâng lên ít nhất 1 m độ cao mặt nước tạo mặt thoáng hơn, tạo đập dâng làm thác nước nhân tạo từ 3 đến 5 tầng (cũng là điểm nhấn kiến trúc cùng với hồ trung tâm Nghĩa Đức).

Đặt mục tiêu phát triển một số mặt hàng nông nghiệp

Đăk Nông cần xác lập mục tiêu các mặt hàng vào top 10 hoặc top 5 của quốc gia, để phấn đấu đạt được hồ tiêu ở vị trí thứ nhất, mác-ca ở vị trí thứ hai (sau Lâm Đồng), cà phê ở vị trí thứ ba, cao su, đậu đỗ, hồ tiêu, mác-ca, cà phê đều có thương hiệu mạnh.

Phát triển Du lịch – Dịch vụ

Cần khai thác phát triển các lợi thế sẵn có như cụm thác Gia Long Đray-sáp đã được Bộ trưởng bộ Văn hóa - Du lịch - Thể thao cấp chứng nhận danh thắng quốc gia, hang động bazan núi lửa (hang động dạng ống dài nhất Đông Nam Á tại núi Cư Bluk xã Buôn Choáh, huyện Krông-nô đang trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới), văn hóa M’Nông: sử thi, lễ hội, cồng chiêng... Đăk Nông nên ưu tiên cho tư nhân đầu tư các dự án lớn hàng trăm hay hàng nghìn tỷ đồng vào dự án thác Đray-sáp, hang động bazan – núi lửa (Krông-nô) tạo ra những cảnh quan du lịch có một không hai của Việt Nam.

Đánh giá đúng tiềm năng, nói rõ và nói thẳng các thách thức, có giải pháp đồng bộ và sáng tạo, động viên được mọi nguồn lực con người, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật thời đại 4.0 để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế xã hội, Đăk Nông sẽ nhanh chóng biến thành Rồng.

TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đăk Nông: Tiềm năng, thách thức và đột phá