Trong Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ TT-TT tổ chức sáng 29.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin một số vấn đề nổi bật của ngành và các điều kiện cho năm học 2023 - 2024.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết năm học 2023 cả nước có hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH chỉ chiếm 65,9% - thấp hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, đây chính là con số thể hiện thực chất thực lực, năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Nói về vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm nhất chính là sách giáo khoa (SGK) cho đầu năm học mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết các nhà xuất bản đã cam kết cung ứng đủ SGK cho các học sinh bắt đầu bước vào năm học mới và không để nơi nào thiếu SGK.
Hiện nay, Đoàn giám sát chuyên đề của Chính phủ đang dự thảo kết luận theo hướng: “Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu trình Quốc hội việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng yêu cầu; nghiên cứu đề xuất chủ trương, cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.
Riêng về tình trạng thiếu giáo viên một cách cục bộ trên cả nước, Thứ trưởng cho rằng hiện tại, ngành giáo dục đang có những đổi mới cũng như liên tục cho các địa phương tuyển giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành Giáo dục; hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông như Thông tư quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; công văn hướng dẫn, chỉ đạo địa phương về việc dồn dịch điểm trường, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đồng thời, bộ chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo môn học mới và ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn. Bên cạnh đó, tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.