Sáng 19.5, tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã diễn ra lễ công bố Bảo vật quốc gia và khai mạc triển lãm về “Di chỉ khảo cổ học Bình Đa”. Đây là bộ sưu tập có niên đại 3.500 - 4.000 năm, là sản phẩm văn hóa tiêu biểu, độc bản đặc biệt, được sản xuất trên vùng đất Đồng Nai cổ xưa.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết trong số những hiện vật đặt biệt về vùng đất này thì bộ sưu tập đàn đá Bình Đa với 51 thanh và đoạn đàn đá vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Đó là sản phẩm văn hóa tiêu biểu, độc bản đặc biệt, được sản xuất tại chỗ trên vùng đất Đồng Nai cổ xưa, là nhạc cụ cổ xưa đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá điêu luyện của cư dân thời tiền sử ở vùng Đông Nam Bộ. Đó cũng là sản phẩm tinh hoa minh chứng cho tài năng, trí tuệ và phẩm chất của người Việt cổ. Phát hiện sưu tập đàn đá trong tầng văn hóa tại di tích khảo cổ Bình Đa đã đem lại đầy đủ cứ liệu để xác nhận truyền thống chế tác đàn đá ở Việt Nam xuất hiện cách ngày nay từ 3.000 đến 3.500 năm.
Đàn đá Bình Đa là tài sản vô giá có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học... của đất nước, là một trong số những hiện vật hội tụ tinh hoa văn hóa của của vùng đất và con người Đồng Nai.
“Nhờ vào những phát hiện khảo cổ học từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung được biết đến với tư cách là một vùng đất từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của những cộng đồng người cổ, quần tụ và liên tục sáng tạo văn minh. Một nền văn hóa cổ Đồng Nai với sự phát triển rực rỡ, lan tỏa và giao thoa. Hàng ngàn hiện vật với đầy đủ các loại hình được tìm thấy, đã cung cấp một khối lượng tư liệu lớn về lịch sử cư dân cổ xuất hiện trên vùng đất Đồng Nai. Đây là những hiện vật hội tụ những tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, là kết tinh của quá trình lao động, khai phá và không ngừng sáng tạo của người xưa, khẳng định truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời của vùng đất Đồng Nai, độc đáo và đa dạng trong thống nhất”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, bộ sưu tập đàn đá Bình Đa gồm 51 mảnh nằm rải rác thành các cụm ở độ sâu cách mặt đồi 55 - 90cm, lẫn với gốm vỡ và công cụ lao động bằng đá. Các hiện vật được phát hiện trong cuộc khai quật di chỉ khảo cổ Bình Đa (phường An Bình, thành phố Biên Hòa) trên diện tích khoảng 7ha vào năm 1979 và năm 1983. Hiện vật là những thanh đá dài, dẹt, thẳng, có thiết diện hình thoi hoặc tam giác. Hai rìa cạnh song song, cong lõm, bề mặt thân phẳng thẳng hoặc cong lõm thắt eo ở giữa. Các vết chế tác có hướng đục theo chiều thống nhất từ rìa cạnh vào giữa thân, độ sâu khoảng 0,02 - 0,05cm.
Sự khảo cứu cho thấy sưu tập đàn đá Bình Đa là sản phẩm văn hóa bản địa, nhạc cụ cổ xưa nhất của cư dân thời tiền sử trên vùng đất Đồng Nai. Việc phát hiện bộ đàn đá trong tầng văn hóa khu di tích Bình Đa đã đem lại đầy đủ cứ liệu để xác nhận truyền thống chế tác đàn đá ở Việt Nam đã xuất hiện cách ngày nay từ 3.500 đến 4.000 năm.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 3 bảo vật quốc gia gồm: Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa; Tượng thần Vishnu Bình Hòa; bộ sưu tập qua đồng Long Giao.