“Nếu tỉnh chấp thuận cho nhà máy giấy Đại Dương hoạt động mà không kiểm soát được vấn đề môi trường thì dân chúng trong vùng chỉ còn nước… bán đất mà đi nơi khác sinh sống”, anh Nguyễn Văn Minh, cư dân ấp 4, xã Tân Lập 1, lo âu.

Dân lo lắng với 'siêu nhà máy giấy' trị giá hơn 200 triệu USD

Hùng Anh | 06/12/2016, 10:59

“Nếu tỉnh chấp thuận cho nhà máy giấy Đại Dương hoạt động mà không kiểm soát được vấn đề môi trường thì dân chúng trong vùng chỉ còn nước… bán đất mà đi nơi khác sinh sống”, anh Nguyễn Văn Minh, cư dân ấp 4, xã Tân Lập 1, lo âu.

Mới sáng sớm, ông Đặng Văn Đích (Bảy Đích, 74 tuổi, ngụ tổ 3, ấp 4, xã Tân Lập 1, H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã buông chiếc vó xuống dòng kênh Năng. Nhưng suốt mấy tiếng đồng hồ còng lưng kéo vó, ông Bảy chỉ bắt được vài con cá rô phi bé xíu.

Gác chiếc vó, vô nhà ngồi uống trà, ông Bảy ngậm ngùi than: “Đang mùa nước nổi đổ về mà dòng kênh vắng bóng cá tôm. Có khi cả ngày kéo vó kiếm không được ký lô cá để ăn”.

Ông Bảy Đích cất nhà sống bên dòng kênh Năng từ năm 1992 đến nay. Ông nói, kênh Năng là tuyến thủy đạo huyết mạch đi vào vùng Đồng Tháp Mười, một phía thông ra sông Bảo Định.

“Tui sống bằng nghề kéo vó trên kênh Năng đã nhiều năm. Trước đây kênh Năng tôm cá nhiều vô kể, nhất là những tháng mùa nước nổi từ trong Đồng Tháp Mười đổ về, 1 ngày kéo vó kiếm 15- 20kg cá các loại, nhiều nhất là cá mè, cá rô, cá linh, cá lăng… Nhưng 2 năm rồi nghề vó lụn bại vì con kênh hết cá”, ông Bảy kể.

Hỏi ông Bảy vì sao kênh Năng hết cá, ông đi dọc theo bờ kênh, chỉ từng họng xả nước thải từ khu Công nghiệp (KCN) Long Giang đổ ra, nói: “Nước thải từ KCN Long Giang hàng ngày xả ra kênh suốt 3 năm nay thì tôm cá nào sống được? Bây giờ họa hoằn lắm mới bắt được vài con cá rô phi”.

Nhắc chuyện nguồn nước kênh Năng ô nhiễm, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ ấp 4, cho biết ngoài việc nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt thì từ khi KCN Long Giang xả nước thải xuống dòng kênh, cư dân trong vùng không ai dám sử dụng nguồn nước mặt.

Một họng xả nước thải từ KCN Long Giang ra kênh Năng

“3 năm rồi dân trong ấp sử dụng nguồn nước sinh hoạt nông thôn, bởi nguồn nước kênh ô nhiễm quá, ai cũng sợ. Mấy hôm trước thằng cháu tui đi làm về thì nhà bị cúp nước nên nó đánh liều nhảy ùm xuống kênh tắm. Lên bờ nó bị ngứa ngáy khắp toàn thân, nổi mẩn đỏ au, phải lấy nước mưa dự trữ tắm xả ngay lập tức, vẫn tốn thêm mấy chục ngàn tiền thuốc”, ông Sơn kể.

Theo ông Sơn, mới đây ông và người dân trong vùng có nghe tin dự án “siêu nhà máy giấy” Đại Dương sắp xây dựng trong KCN Long Giang và sẽ xả nước thải ra kênh Năng. Ai cũng lo lắng bất an bởi lâu nay nghe nói nước thải của nhà máy giấy rất độc hại.

“Kênh Năng là tuyến đường thủy chảy vào Đồng Tháp Mười, ra sông Bảo Định, kênh xáng Nguyễn Tấn Thành. Theo tui, nếu dự án “siêu nhà máy giấy” Đại Dương hoạt động mà không được kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải thì chắc chắn kênh Năng sẽ bị ô nhiễm trầm trọng hơn, cuộc sống người dân trong vùng sẽ khổ hơn.

Đó là chưa nói khu vực TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), TP.Tân An (Long An) chịu ảnh hưởng của dòng Bảo Định, chắc gì thoát khỏi ô nhiễm?”, ông Sơn nhận định.

Trong khi đó anh Nguyễn Văn Minh, cư dân ấp 1, xã Tân Lập 1, lo âu: “Nếu nhà máy giấy Đại Dương hoạt động mà tỉnh không kiểm soát được vấn đề môi trường thì dân chúng trong vùng chỉ còn nước… bán đất đi nơi khác sinh sống”.

Như Một Thế Giới đã thông tin, dự án nhà máy giấy Đại Dương (NMG Đại Dương) được nhà đầu tư là Công ty Chang Yang Holding Limited Đài Loan (Trung Quốc) đề nghị đầu tư vào KCN Long Giang từ đầu năm 2016. UBND tỉnh Tiền Giang đã giao cho các cơ quan hữu trách tiếp xúc làm việc với nhà đầu tư và đề xuất UBND tỉnh thẩm định dự án.

Nhà máy có công suất tối đa hơn 400.000 tấn/năm, được đầu tư thành 3 giai đoạn, trong giai đoạn đầu công suất 175.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của nhà máy lên đến 220 triệu USD (khoảng hơn 4.900 tỷ đồng), là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Tiền Giang, thời hạn hoạt động của dự án là 41 năm.

Dự án NMG Đại Dương đã được Ban Quản lý các KCN Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 15.3.2016. Ngay sau đó Công ty TNHH NMG Đại Dương đã ký hợp đồng thuê 8 lô đất với diện tích 227.530m2 tại KCN Long Giang và xây dựng văn phòng tạm.

Kỳ lạ hơn, Công ty TNHH NMG Đại Dương còn được UBND tỉnh “ưu ái” cho hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp hằng năm 10% trong 15 năm kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ dự án (thuế suất năm 2016 là 20%), được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.

Anh Phạm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân lo lắng với 'siêu nhà máy giấy' trị giá hơn 200 triệu USD