Trong lúc căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh đang ngày một leo thang, thái độ hoài nghi về Trung Quốc và những lo ngại về tình trạng hạn hán, khan hiếm nước đã làm dấy lên những lời đồn đoán, cho rằng Trung Quốc đang mua hết nguồn nước của Úc với "mưu đồ xấu".

Dân Úc lo ngại Trung Quốc kiểm soát nguồn nước với ‘mưu đồ xấu’

13/07/2020, 14:16

Trong lúc căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh đang ngày một leo thang, thái độ hoài nghi về Trung Quốc và những lo ngại về tình trạng hạn hán, khan hiếm nước đã làm dấy lên những lời đồn đoán, cho rằng Trung Quốc đang mua hết nguồn nước của Úc với "mưu đồ xấu".

Có đến 10,5% số nước của Úc thuộc quyền sở hữu nước ngoài - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết nước lần đầu tiên trở thành hàng hóa giao dịch tại một số khu vực của Úc là vào thập niên 1980. Đến nay, thị trường nước tại quốc gia này đã đạt 3 tỉ AUD/năm (tương đương 2 tỉ USD), lớn nhất trên toàn thế giới.

Tại lục địa khô cằn nhất trái đất, các nông dân sở hữu đất đai cũng được cấp quyền sở hữu nước để giao dịch trên thị trường, và bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, kể cả những thực thể nước ngoài, đều có thể đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, các khoản đầu này thường không được công khai, và các báo cáo cho thấy hồ sơ của các nhà đầu tư này có thể không thường xuyên được xem xét kỹ lưỡng.

Vào tháng trước, báo cáo cập nhật đăng ký quyền sở hữu nước ngoài về nguồn nước cho thấy Trung Quốc hiện là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất tại thị trường nước ở Úc, theo sau là Mỹ.

Báo cáo chỉ ra rằng, tính đến tháng 6 năm ngoái, các nhà đầu tư Úc sở hữu 765 gigalit (1 gigalit là 1 tỉ lít nước), chiếm 1,9% số lượng nước được kinh doanh trên thị trường. Trong năm 2019, có đến 10,5% thị phần nước của Úc do nước ngoài sở hữu, tăng 0,1% so với năm 2018.

Năm 2019 là năm nóng nhất và khô hạn nhất tại Úc kể từ khi được ghi nhận. Giá nước có thể dao động từ 1.000 AUD (hơn 695 USD)/triệu lít vào mùa khô hạn và chỉ 20 AUD/triệu lít vào thời điểm sau những cơn mưa lớn. Giá nước cũng thay đổi theo từng bang của Úc, ví dụ, trong tháng 5, hóa đơn tiền nước ở khu vực miền Tây Úc thấp nhất, trong khi Tasmania có hóa đơn cao nhất.

Báo cáo cập nhật về quyền sở hữu nước của nước ngoài đã thổi bùng làn sóng chỉ trích Trung Quốc trên báo Úc và các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội. Một trong những tờ báo lớn nhất của Úc đã đăng tải bài viết có tít Đòn tra tấn bằng nước của Trung Quốc (Chinese Water Torture). Hàng loạt các báo lớn nhỏ khác trên khắp xứ sở chuột túi cũng đưa tin dồn dập khiến bùng một "thuyết âm mưu" về Trung Quốc và an ninh nguồn nước của Úc.

Thậm chí, một người dẫn chương trình phát thanh buổi sáng nổi tiếng của Úc còn nói với các thính giả của mình rằng Trung Quốc đã “thò cả hai tay vào nguồn nước của chúng ta” và rằng “nông dân của chúng ta đang bị cướp đi” thứ cốt yếu nhất.

Theo Giáo sư Quentin Grafton - Giám đốc Trung tâm Chính sách, môi trường và kinh tế nước tại Đại học Quốc gia Úc, việc kinh doanh nguồn nước đem lại những lợi ích đáng kể, và việc nước ngoài nắm quyền sở hữu thị phần nước tại Úc đặc biệt là Trung Quốc, không hẳn là vấn đề đáng lo ngại.

"Chúng ta không thể di chuyển mùa màng, nhưng có thể di chuyển nguồn nước, vì vậy khi gặp hạn hán, điều này sẽ giúp ngành nông nghiệp tiếp tục vận hành tốt hơn. Một số người đã liên tưởng đến những điều không hề tồn tại. Người sở hữu nguồn nước là ai không thành vấn đề, cho dù người đó đến từ Trung Quốc, Mỹ hay Úc, nguồn nước vẫn sẽ ở đó. Nước là loại mặt hàng không thể xuất khẩu", ông Gradton giải thích.

Grafton cho biết những tin đồn liên quan tới Trung Quốc là một cách đánh lạc hướng dư luận khỏi những một loạt các vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như việc khai thác quá mức nước và thiếu minh bạch về quyền sở hữu.

“Điều quan trọng hơn việc truy ra người sở hữu nguồn nước là, chúng ta cần biết chính xác lượng nước đó là bao nhiêu và ở đâu và nó đang được sử dụng cho mục đích gì. Về quy mô của thị trường nước, tính chất cạnh tranh của thị trường và số lượng giao dịch, Úc đang là nước dẫn đầu, vì vậy điều chúng ta thực sự cần là thông tin minh bạch trong thời gian lưu trữ của nước. Điều này sẽ cho phép chúng ta quản lý nước một cách hiệu quả. Đây là vấn đề của Úc, không liên quan tới Trung Quốc”, Giáo sư Grafton nói.

Những lo ngại về tình trạng hạn hán và khan hiếm nước càng gia tăng trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại Úc. Bà Natasha Kassam, một thành viên của Viện Lowy và từng là nhà ngoại giao tại Trung Quốc, nhận định rằng những thông tin tiêu cực về Trung Quốc cho thấy "mối quan hệ với Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn hơn tới kinh tế và an ninh của Úc hơn bao giờ hết".

Những lo ngại về tình trạng hạn hán và khan hiếm nước càng gia tăng trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại Úc. Bà Natasha Kassam, một thành viên của Viện Lowy (viện nghiên cứu chính sách về các vấn đề chính trị, chiến lược và kinh tế quốc tế) và từng là nhà ngoại giao tại Trung Quốc, nhận định rằng những thông tin tiêu cực về Trung Quốc cho thấy "mối quan hệ với Bắc Kinh đang có ảnh hưởng lớn hơn tới kinh tế và an ninh của Canberra hơn bao giờ hết".

Về vấn đề đầu tư nước ngoài tại úc, dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc trong năm ngoái cho thấy Trung Quốc xếp thứ 9 về lĩnh vực này (2%), đứng đầu danh sách này là Mỹ (25,6%), Anh (17,8%), và thậm chí quốc gia châu Âu nhỏ bé Luxembourg còn xếp ở vị trí trên Trung Quốc với 2,2%. Xu hướng tăng trưởng trong vòng 5 năm cho thấy khoản đầu tư vào Úc của Trung Quốc tăng chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong danh sách này.

Lo ngại rằng các công ty nước ngoài sẽ tận dụng tình hình bất ổn về kinh tế do đại dịch COVID-19 để kiểm soát hoặc thâu tóm các doanh nghiệp Úc, Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg hồi tháng trước đã yêu cầu Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài (FIRB) của nước này kiểm tra tất cả các giao dịch mua ở nước ngoài, nhưng một cuộc điều tra gần đây của đài truyền hình quốc gia ABC đã kết luận rằng một số nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường nước vẫn phải đối mặt với một số sự giám sát hạn chế.

Cuộc điều tra cũng cho thấy ít nhất hai doanh nghiệp thộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đang có thị phần nước tại Úc. Một công ty có tên là Chinatex Australia vào năm 2018 từng bị chỉ trích tại Quốc hội Úc về việc không trả số tiền 31,35 triệu AUD theo lệnh của tòa án để bồi thường cho nhà cung cấp thịt bò địa phương khi giao dịch xuất khẩu thất bại.

Theo thống kê, lượng nước có sẵn trong các hệ thống sông chính tại Úc đã giảm dần và chi phí nước tăng đều đặn kể từ khi nước trở thành hàng hóa có giá trị thương mại, nhưng vào tháng 7 năm ngoái, chi phí nước ở lưu vực sông Murray-Darling đã đạt mức cao kỷ lục 550 đô la Úc/megalit, tăng gần 140% so với 230 đô la Úc một năm trước.

Đang có những khiếu nại rằng các công ty, cả trong và ngoài nước, đang tăng chi phí nước và thao túng thị trường. Do đó, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) đã vào cuộc điều tra.

Giáo sư Grafton từ Đại học Quốc gia Úc cho biết việc công bố báo cáo điều tra của ACCC vào cuối năm nay sẽ mang lại sự rõ ràng về những lo ngại về thao túng thị trường và hy vọng sẽ phơi bày âm mưu của Trung Quốc ra ánh sáng.

“Nếu nhìn vào thị trường tổng thể, họ sẽ tăng và giảm giá dựa trên lượng nước có sẵn, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể đầu cơ hoặc thao túng thị trường ở những địa điểm cụ thể vào những thời điểm cụ thể của từng cá nhân cụ thể. Nếu có sự minh bạch đầy đủ trên mọi công ty và cá nhân, chúng ta sẽ biết Trung Quốc đang trích xuất bao nhiêu, họ đang lưu trữ bao nhiêu và họ đang sử dụng nó để làm gì”, ông nói thêm.

Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các cuộc tấn công mạng và cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra. Cảnh căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh leo thang trong thời gian gần đây kể từ khi Thủ tưởng Scott Morrison cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.

Bắc Kinh sau đó cũng đã hạn chế thương mại với Canberra khi áp mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc và đình chỉ nhập khẩu từ 4 nhà sản xuất nông nghiệp Úc, đồng thời khuyến cáo người dân Trung Quốc không đến Úc, cũng như cảnh báo du học sinh nước này cân nhắc rủi ro khi học tập tại Úc.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Phó tổng thống Mỹ đắc cử gặp Phó chủ tịch Trung Quốc
Hãng Reuters đưa tin Phó tổng thống Mỹ đắc cử JD Vance vừa gặp gỡ Phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính vào ngày 19.1, chỉ một ngày trước lúc lễ nhậm chức diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân Úc lo ngại Trung Quốc kiểm soát nguồn nước với ‘mưu đồ xấu’