Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, quy hoạch hiện nay vẫn còn nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng. Đô thị hoá là quá trình tất yếu nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.

Đang thiếu ‘nhạc trưởng’, ‘đốc công’ trong quản lý đô thị

Trí Lâm | 07/01/2017, 08:07

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, quy hoạch hiện nay vẫn còn nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng. Đô thị hoá là quá trình tất yếu nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.

Không cẩn thận sẽ trả giá đắt vì quy hoạch

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Bộ Xây dựng ngày 6.1,Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, tỷ lệ đô thị hóa cả nước năm 2016 đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015, đạt 99,5% kế hoạch năm; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 mét vuông sàn/người, tăng 0,8 mét vuông sàn/người so với 2015, đạt 101% kế hoạch năm.

Tuy vậy, ông Duy cũng nhìn nhận, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.

Nói tại hội nghị, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Trần Ngọc Chính cho rằng, tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, bệnh viện, trường học không những không được di dời ra khỏi trung tâm mà còn tiến hành xây dựng nhiều thêm, rồi tăng khối, tăng tầng, tăng giường bệnh... cho nhu cầu trước mắt. Còn những cơ sở được di dời thì nhà đầu tư đã nhanh tay xây dựng ngay lập tức với mức độ cao hơn, dày hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng nhận định, quy hoạch hiện nay vẫn còn nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng. Đô thị hoá là quá trình tất yếu nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam chưa có công cụ tốt trong kiểm soát quy hoạch từ việc xây dựng ban đầu tới tuân thủ quy hoạch. Quy hoạch ban đầu được xây dựng từ sự góp ý của cả xã hội sẽ có một sản phẩm rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chỉ có một nhóm người nhỏ tham gia và chất lượng quy hoạch sau điều chỉnh không đảm bảo, không được như ban đầu quy hoạch đặt ra.

“Như chuyện về bán đảo Linh Đàm, đúng là 10 năm trước đây là một khu đô thị kiểu mẫu mà nếu giữ gìn tốt, khu này không thua kém gì ở những nước phát triển nhất nhưng vấn đề là những năm sau này, Nhà nước có sự điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến hệ quả như vậy”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Hà cũng dẫn ví dụ từ dự án Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) chỉ một khu đất nhưng xây dựng khối nhà 50 tầng cho thấy sức nén của dân số sẽ rất lớn. "Thực tế là đô thị nào cũng phải có những khu vực có sức nén rất cao nhưng vấn đề là phải giải quyết bài toán nén dân số đồng thời với nén hạ tầng thế nào. Mà việc này, về lý luận, ta cũng còn chưa giải quyết được thấu đáo", ông Hà nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng hiện nay vẫn còn tình trạng lúng túng trong quản lý đô thị cũng như trong bộ máy quản lý đô thị. Do đó, hiện rất thiếu vai trò như một nhạc trưởng, một đốc công trong lĩnh vực này.

Phó thủ tướng yêu cầu rà soát, bổ sung, cập nhật, lập mới các quy hoạch, cụ thể hóa các quy hoạch trên cơ sở tình hình thực tiễn, dự báo tương lai, cầu của thị trường; gắn với kế hoạch phát triển. Theo Phó thủ tướng, hiện nayđang có tình trạng đầu tư lớn vào phát triển nhà ở tại các đô thị lớn, nhưng nếu không kiểm soát chặt thì rất dễ dẫn đến tình trạng đầu tư phong trào, "bong bóng" bất động sản.

Giải pháp nào cho tình trạng ùn tắc?

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũngyêu cầu Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các đô thị lớn để có giải pháp đồng bộ khắc phục ùn tắc giao thông.

“Giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ cứ đầu tư hạ tầng mạnh, kiểm soát giao thông tốt là xong. Chúng ta càng đầu tư mạnh mẽ vào Hà Nội, TP.HCM thì những đô thị này sẽ ngày càng hấp dẫn, do đó càng tập trung dân số do dịch chuyển từ các địa phương lân cận”, Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng, cần tính toán một cách tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, làm sao phối hợp các địa phương có sự phát triển tốt trong vùng, tạo ra những đô thị hấp dẫn hơn, tạo ra nhiều việc làm tại các đô thị đó, từ đó hạn chế dòng người di chuyển đến các đô thị trung tâm. Đối với Hà Nội, TP.HCM, ngoài việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, phải phát triển các khu đô thị vệ tinh, kết nối giao thông tốt, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về việc xây dựng đô thị vệ tinh, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đô thị vệ tinh cần có cơ sở pháp lý đồng bộ nhưng hiện nay quy hoạch 4 đô thị vệ tinh đã xong, còn Hòa Lạc chưa xong. Bên cạnh đó, cần có nguồn lực với cơ chế, chính sách thích hợp. Nguồn lực và cơ chế này phải được xác lập căn cứ vào chức năng của từng đô thị, căn cứ vào điều kiện xã hội của nó. Như vậy hiện nay đang thiếu một cơ chế hấp dẫn cho khu đô thị vệ tinh.

“Thách thức lớn nhất hiện nay là trong kế hoạch phát triển của Hà Nội cũng như các đô thị khác, muốn có đô thị vệ tinh thì phải xác định được nét đăc trưng của đô thị vệ tinh. Trong định hướng phát triển của Hà Nội đã xác định được, ví dụ như Hòa Lạc là đô thị khoa học, đô thị giáo dục;Phú Xuyên, Xuân Mai… mỗi đô thị có một đặc thù riêng, nhưng chúng ta chưa có chính sách để khuyến khích sự đặc thù đó. Chúng ta cũng chưa xây dựng được mạng lưới hạ tầng kỹthuật để kết nối đô thị vệ tình với đô thị trung tâm, đặc biệt là hạ tầng giao thông”, KTSNghiêm nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Nghiêm kết luận đây là mô hình hợp lýnhưng có nhiều thách thức. Do đó cần sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền để tạo cơ chế thuận lợi, huy động xã hội vào công việc này. Đô thị vệ tinh của Hà Nội mang đặc tính riêng như là một phần của đô thị đặc biệt chứ không phải là đô thị thuộc tỉnh thông thường và phải góp phần giảm áp lực cho nội đô.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đang thiếu ‘nhạc trưởng’, ‘đốc công’ trong quản lý đô thị