Ca sĩ Thanh Thúy chính là nàng thơ đầu tiên đã đánh thức những rung cảm đầu đời trong tâm hồn của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.
Ngoài hiên mưa rơi rơi
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi…
Sài Gòn năm 1958, trong một góc khuất của phòng trà nhộn nhịp thời bấy giờ, có cậu học trò Huế lần đầu vào Sài Gòn học tập đắm chìm vào tiếng hát u buồn của nữ ca sĩ trên sân khấu. Thật lạ, cậu còn trẻ, nàng còn trẻ, phòng trà giữa chốn đô thành sầm uất cũng chưa bao giờ vắng tiếng nói cười, ấy vậy mà khi nàng cất tiếng hát, tất cả như cùng nàng ngược thời gian về một miền dĩ vãng xa vắng. Trịnh Công Sơn đã có những rung động đầu đời như thế trước Thanh Thúy.
Một đêm... rồi nhiều đêm sau đó, chàng thanh niên lãng tử họ Trịnh đã quay trở lại nơi ấy, chàng trở thành một người hâm mộ trung thành của nàng ca sĩ có giọng hát liêu trai như rót vào lòng người từng giọt buồn khơi gợi biết bao hoài niệm.
Những ngày tháng tuổi trẻ ấy ở Sài Gòn đối với Trịnh Công Sơn là “đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng”.
Thanh Thúy - nàng thơ đầu tiên đã đánh thức những rung cảm đầu đời của chàng nghệ sĩ tài hoa
Bước lên sân khấu ở tuổi 15, có lẽ chính Thanh Thúy cũng không ngờ rằng mình sẽ trở thành “nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn trong thơ” như nhà thơ Nguyên Sa đã từng viết. Khán giả yêu mến cô, giới văn nghệ sĩ lại càng yêu mến cô như hàng loạt những ví von đầy ngợi ca. Và dĩ nhiên người nhạc sĩ luôn mang trong mình một tâm hồn thuần khiết như Trịnh Công Sơn càng không ngoại lệ.
Dẫu vậy, mang trong mình sự tự ti của cậu học trò nghèo đứng trước nữ ca sĩ nổi tiếng được nhiều người đón đưa, Trịnh Công Sơn đã giữ lại tất cả những rung động thầm lặng, kín đáo. Chỉ đến một hôm, ông đánh liều viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và nàng đã nhận lời. Lúc này, theo lời Thanh Thúy kể lại, bệnh tình của mẹ cô trở nặng, hình ảnh con chim non trong bài hát làm cô nhớ đến mẹ nên trong giây phút xúc động, Thanh Thúy đã hát bằng tất cả cảm xúc với giọt nước mắt đọng trên bờ mi.
Đêm đó, Trịnh Công Sơn thức trắng đêm viết ca khúc Ướt mi với tiếng hát thấm đẫm giọt buồn của Thanh Thúy trong tim.
Khát khao, mơ ước “phải làm một cái gì đó” để tỏ lòng ngưỡng mộ đã chuyển hóa thành một bài hát, từng nốt nhạc như những giọt nước mắt vương trên mi người ca sĩ đêm ấy. “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ… Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được...”. Thanh Thúy đã trở thành nàng thơ đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa như thế.
Phải ba tuần sau khi Trịnh Công Sơn lấy hết can đảm gửi tặng trang giấy được chép nắn nót đến tay Thanh Thúy, bài hát mới được vang lên trên sân khấu. Khoảnh khắc Thanh Thúy cất tiếng hát Ướt mi là giây phút lịch sử, đưa nhạc Trịnh lần đầu ra với công chúng. Cô ca sĩ Huế 16 tuổi, mảnh mai ấy chính là nàng thơ, người hát ca khúc đầu tiên, khơi nguồn cảm hứng dạt dào nhiều tác phẩm về sau của nhạc sĩ tài hoa.
Cũng từ đó, mối giao tình của Trịnh Công Sơn và Thanh Thúy dần thành hình. Trong một lần đưa nàng về sau đêm diễn, nhìn bóng nàng liêu xiêu khuất dần vào ngõ tối, ông tiếp tục viết nên ca khúc Thương một người. Thanh Thúy là người góp phần phổ biến nhạc Trịnh đến đông đảo khán giả, ca khúc Ướt mi cũng được trả tiền tác quyền 5.000 đồng, một khoản tiền khá lớn vào thời điểm đó.
Nhưng trên cả những lợi ích hữu hình, sự rung cảm giữa người viết tình ca và người hát tình ca có lẽ mới là điều quan trọng nhất đối với Trịnh Công Sơn, mới đúng là thứ có thể dùng để hình dung mối tình đơn phương đã dừng lại như một dấu chấm phẩy lặng lẽ nơi cõi tạm, khi những nuối tiếc đã trở thành một nỗi buồn thật đẹp.
Mới đây, trong đêm nhạc tưởng niệm 21 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đoàn phim Em và Trịnh đã giới thiệu đến khán giả nàng thơ đầu tiên của Trịnh Công Sơn: Thanh Thúy - do diễn viên Phạm Nhật Linh thủ vai. Ngay khi cô gái trẻ cất giọng chào khán giả bằng giọng Huế ngọt ngào, khán giả đêm nhạc đã ồ lên ngạc nhiên vì khí chất quá giống với nữ danh ca Thanh Thúy một thời.
Vượt qua hàng ngàn thí sinh ở Huế, Nhật Linh đã khiến đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng ê kíp sững sờ vì không chỉ có ngoại hình trùng khớp mà giọng hát cũng mang dáng dấp của nữ danh ca. Cô gái nhỏ nhắn vừa bước qua tuổi 18 quyết định tham gia tuyển chọn trong một tâm thế nhẹ nhàng cùng chút tò mò về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đứng sau những ca khúc mà cha cô vẫn thường mở cho cô nghe từ những ngày còn bé.
Khi hình ảnh Nhật Linh trong tạo hình thập niên 60 của Thanh Thúy được tung ra, sự lựa chọn của ê kíp làm phim đã nhận được sự ủng hộ cực lớn và nhiều khán giả không thể tin được đây là một cô bé 10X chỉ đang ở ngưỡng tuổi đôi mươi.
Dẫu có ngoại hình khá giống, nhưng giọng hát của danh ca Thanh Thúy chắc chắn là thử thách lớn nhất đối với Nhật Linh. Trong đêm nhạc tưởng niệm, Nhật Linh bẽn lẽn chia sẻ mình đã lo lắng “bủn rủn tay chân” khi tập hát cùng nhạc sĩ Đức Trí để tái hiện hình ảnh lẫn giọng hát của Thanh Thúy.
Nhưng nhạc sĩ đã trấn an và huấn luyện Nhật Linh để cô dần trở nên tự tin hơn. Được biết ban đầu nhạc sĩ Đức Trí cũng đã chuẩn bị một phương án khác cho giọng hát của Thanh Thúy, nhưng Nhật Linh đã từng học thanh nhạc và cũng dần tự tin sử dụng giọng hát thật của mình nhiều hơn. Trong đêm nhạc tưởng niệm, cô thể hiện ca khúc Thương một người, và cô gái xứ Huế đã nhận về sự ủng hộ của đông đảo khán giả yêu nhạc Trịnh có mặt tại đó, hứa hẹn sẽ tái hiện được một danh ca Thanh Thúy từng gieo thương nhớ vào lòng người hâm mộ.