Liên quan đến việc UBND TP.HCM đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế đối với một số hàng hóa, dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ…, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đề xuất của UBND TP.HCM là khó chấp nhận.
Ông Long lý giải, mỗi loại thuế có mục đích khác nhau, bối cảnh nguồn thu thuế xuất nhập khẩu giảm nên phải tăng thu nội địa, vì các sắc thuế cũ không thể nâng mức lên được phải mở rộng, đề xuất thêm đối tượng đánh thuế.
Tuy nhiên, với điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hơn 2.500 USD/năm, muốn kích thích sản xuất, tiêu dùng phải khoan sức dân, muốn có nguồn thu cần nuôi dưỡng nguồn thu.
“Đề xuất của TP.HCM theo tôi là quá cực đoan. Thuế nợ đọng còn nhiều chưa xử lý mà mở rộng đối tượng đánh thuế là không nên. Ngân sách có thu và chi, cần xem xét cải cách cả khoản chi”, ông Long nói.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM cũng nêu quan điểm, điện thoại di động là sản phẩm hết sức phổ biến, từ nông thôn đến thành thị, mọi người đều sử dụng và đã trở thành loại hàng hóa thiết yếu của đời sống. Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập phần lớn người dân.
Cũng theo ông Nghĩa, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biết đối với điện thoại di động chỉ để điều tiết hành vi tiêu dùng của người thu nhập cao là chưa phù hợp với các chủ trương của nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ, thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thông qua ngân hàng…
Còn trường hợp nhà nước chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại có giá trị hàng chục triệu đồng cũng không làm cho nguồn thu tăng lên đáng kể, vì hiện 70% dân số có thu nhập từ trung bình đến thấp, thường sử dụng điện thoại di động có giá vài triệu đồng.
“Mặt khác, do giá trị của điện thoại di động hiện đại nhất chỉ vài chục triệu đồng và sau đó giảm giá rất nhanh, nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động cao cấp cũng không điều tiết được nhiều thu nhập của người thu nhập cao. Nhà nước cần cân nhắc, chưa nên áp dụng sắc thuế này đối với điện thoại di động vì chưa đủ cơ sở”, ông Nghĩa phân tích.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được xem xét đối với từng mặt hàng và cơ sở nào để đánh thuế. Cơ sở đánh thuế phải thuyết phục để người dân chấp nhận và nhà làm luật cảm thấy hợp lý. Việc đánh thuế nên được thực hiện đối với những sản phẩm không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng; hoặc ảnh hưởng đến nền nếp, phong tục xã hội, sức khỏe người dân…
Đối với mặt hàng điện thoại di động, chuyên gia này cho rằng đây là vật bất ly thân, được sử dụng rộng rãi, là sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần thiết của mọi tầng lớp người dân hiện nay, thậm chí cần khuyến khích dùng. Do đó, việc đánh thuế đại trà lên mặt hàng này là không hợp lý, sẽ không ai chấp nhận.
Tuy nhiên, ông cho rằng đối với những chiếc điện thoại hàng xa xỉ, có giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng mỗi chiếc thì cũng có thể đánh thuế với riêng với những sản phẩm đắt đỏ này, chứ không phải đánh thuế toàn bộ.
Trước đó, UBND TP.HCM cho rằng, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Thừa nhận điện thoại di động không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp nhưng UBND TP.HCM cho rằng, đây cũng không thuộc diện “rất thiết yếu”, bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Thế nên dù điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng vẫn đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Lam Thanh