Nhà văn Phan Ý Yên đã có trải nghiệm thú vị khi đến phố cổ Lukang và tự tay pha trà cổ tại xưởng bên hồ Nhật Nguyệt trong hành trình khám phá Đài Loan.
Phố cổ Lukang, nơi lưu giữ văn hóa truyền thống
Phố cổ Lukang, tọa lạc tại thị trấn Lukang của quận Changhua, Đài Loan, đón đoàn tham quan vào một buổi sáng trong trẻo. Nơi đây gồm ba con phố ngắn là Dayou, Yaolin và Putou. Những con phố này nổi tiếng với các di sản lịch sử, văn hóa được bảo tồn lâu đời, cũng như các món ăn hương vị truyền thống thu hút số lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.
Phố cổ Lukang từng là một cảng nhộn nhịp trong triều đại nhà Thanh vào những năm 1600 và tiếp tục phát triển thành trung tâm thương mại thịnh vượng cho đến năm 1895, khi người Nhật tiến vào. Cái tên Lukang có nghĩa là “deer harbor” - bến cảng hươu, vì đây là cảng chính để xuất khẩu da con hươu trong thời kỳ thuộc địa Hà Lan. Nhưng nay, nơi này đã không còn cả hai.
Phố cổ Lukang vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc theo phong cách Đài Loan truyền thống. Những mái vòm được thiết kế phức tạp trên lối vào chính, cùng các bức tường và đường lát dùng gạch đỏ. Tô điểm thêm là hộp thư màu xanh lá cây treo bên ngoài. Nhiều ngôi nhà cũ vẫn được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh của người dân, trong khi một số đã được cải tạo nhưng vẫn được bảo tồn như một phần di sản còn lại.
Một trong những điểm đến nổi tiếng tại Lukang chính là con hẻm hơn 200 tuổi mang tên “ngõ chạm ngực”. Tên gọi bắt nguồn từ không gian nhỏ hẹp, rộng khoảng 40 - 60 cm và vừa đủ cho một người đi qua, chỉ cần hai người đi nhất định sẽ va vào nhau.
Với vị trí đối diện eo biển Đài Loan, ẩm thực phố cổ Lukang nổi tiếng với các món hải sản và hương vị cổ xưa, bao gồm súp dày với thịt viên vịt, tôm chiên, hàu Omelet, chiên chiên, tôm bóng, bánh Yuzhenzhai, phượng hoàng bánh, bánh đậu xanh, bánh quy lưỡi bò và bánh bao hấp. Hay các món ăn đường phố như khoai lang mật ngào đường, trứng trà...
Ngoài ra, các cửa hàng và quầy hàng truyền thống có đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ chơi cổ, lồng đèn giấy và nhiều thứ khác trong môi trường hoài cổ sẽ khiến du lịch Đài Loan trở nên đáng nhớ.
Đã đến khu phố cổ Lukang mà không tham quan các ngôi chùa sẽ là điều thiếu sót. Tất cả các ngôi chùa ở đây đều được xây dựng từ rất lâu nên mang đậm những dấu vết của thời gian và sự cổ kính.
Một trong những ngôi chùa mà bạn chắc chắn không thể bỏ qua khi đến đây là chùa Lukang Longshan. Ngôi chùa rộng khoảng 890m2, là nơi để thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Chùa Lukang Longshan được xây dựng thời kỳ nhà Minh sở hữu nhiều biểu tượng văn hóa. Với kiến trúc thể hiện rõ nét phong cách Á đông như chạm trổ rồng, cá chép, voi và vòng tròn âm dương trên các mái nhà hay các cây cột trụ mang lại cảm giác uy nghiêm và thành kính cho những người đến viếng thăm.
Ghé xưởng trà mang phong vị xưa bên hồ Nhật Nguyệt
Rời khỏi phố cổ Lukang, nhà văn Phan Ý Yên cùng các thành viên trong đoàn của mình tiếp tục khám phá Đài Loan khi đến xưởng trà cổ bên hồ Nhật Nguyệt. Đây là hồ lớn nhất tại Đài Loan, đón khoảng 6 triệu du khách mỗi năm. Ban đầu, ở đây có hai hồ, gồm hồ Mặt trời và hồ Mặt trăng - được đặt tên theo hình dạng của chúng. Hai hồ này có mực nước thấp hơn đáng kể so với ngày nay.
Trong thời kỳ 1895-1945, người Nhật đã chặn lối thoát nước của lưu vực để xây dựng một công trình thủy điện, đồng thời chạy đường ống xuyên qua các ngọn núi để đưa nước sông chuyển hướng vào hồ. Từ đó, hai hồ này nhập làm một, rộng 7,93m2, sâu trung bình 30m và cao hơn 750m so với mực nước biển.
Nói về cảm nghĩ của mình, Phan Ý Yên cho biết địa điểm xưởng trà cổ tại Nhật Nguyệt làm cô rất ấn tượng. Yên lý giải rằng một phần vì cô là người rất thích trà cùng văn hóa trà, mặt khác cô ấn tượng kiến trúc cùng quy trình sản xuất trà được bảo tồn qua năm tháng một cách hoàn hảo. Vừa có truyền thống, vừa có hiện đại. Vừa mang đến sự tiện lợi, vừa gìn giữ được chất lượng hương vị tuyệt hảo.
Nơi đây có một khu phức hợp có nhà máy sản xuất trà và nơi để thử các loại trà cổ Đài Loan. Vào năm 1917, người Nhật đã đem giống trà assamica của Ấn Độ đến hồ Nhật Nguyệt của Đài Loan, để cạnh tranh với người Anh. Sau đó, họ nhận thấy rằng trà phát triển mạnh bởi khí hậu và độ cao rất giống với Ấn Độ. Ngày nay, loại trà này đã được biết đến trên toàn thế giới với tên gọi trà đen thủ công hảo hạng.
Du khách khi đến khu phức sẽ thưởng thức bánh quy địa phương và trà đen Assam. Đặc sản phổ biến nhất là trà Hồng ngọc có mùi thơm nhẹ (Tea #18). Đây là một loại trà đặc chỉ trồng được quanh Hồ Nhật Nguyệt. Xưởng trà cổ bên Nhật Nguyệt là một nơi tuyệt đẹp để tìm hiểu về lịch sử vô số loại trà nổi tiếng của Đài Loan. Du khách sẽ được tìm hiểu về quy trình sản xuất chè, lý do tại sao những người sáng lập tin tưởng vào canh tác chè hữu cơ, dù đã từng suýt phải đóng cửa vào năm 2003.
Bên cạnh đó, du khách có thể thăm các hoạt động vui chơi bên hồ như chèo thuyền, đạp xe quanh hồ. Ngoài ra, các làng văn hóa của người dân tộc Thao, dân tộc bản địa thứ 10 của Đài Loan cũng là nét văn hóa đặc biệt thu hút những du khách khi đến nơi đây.