Ông Nguyễn Minh Nhị là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang từ năm 2001-2004. Ông từng nhiều lần gặp, trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và có những dấu ấn sâu đậm về thủ tướng. Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tạp chí điện tử Một Thế Giới đăng bài của ông về “Dấu ấn, nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Dấu ấn, nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt

Nguyễn Minh Nhị | 23/11/2022, 08:58

Ông Nguyễn Minh Nhị là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang từ năm 2001-2004. Ông từng nhiều lần gặp, trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và có những dấu ấn sâu đậm về thủ tướng. Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tạp chí điện tử Một Thế Giới đăng bài của ông về “Dấu ấn, nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi có thói quen từ nhỏ hay cảnh giác với con người và hoàn cảnh lạ. Đặc biệt  luôn giữ khoảng cách với người có nhiều quyền, nhiều tiền. Sau này, đối với lãnh đạo, tôi cũng giữ khoảng cách như vậy. Từ đó nảy sinh tính khắt khe với lãnh đạo và dễ dãi với bạn bè, thuộc cấp.

Tôi biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu (năm 1988) tại cuộc hội nghị mà ông là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng chủ trì tại dinh Thống Nhất. Lần ấy tôi mới là giám đốc sở nông nghiệp, nhưng được thay mặt UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi dự hội nghị. Tôi dự hội nghị với tâm trạng suy tư về chính sách đất đai chưa được lòng dân và không nhất quán lúc đó; những chủ trương chính sách cải tạo công-nông-thương nghiệp, cấm chợ ngăn sông... còn rành rành đây. Những việc làm đó gây thiệt hại cho đất nước qua hơn 10 năm.

Khi nghe ông phê phán "cán bộ miền Tây nhậu quá trời, lãng phí vô biên", tôi như bị "chạm nọc". Không phải tôi ở trong phe nhậu, nhưng chữ "lãng phí" nói ra đây là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là sự lãng phí ghê gớm về thời gian, vật chất với những cơ chế chính sách làm nghèo dân chúng. Nó làm đất nước bị tụt hậu xa lắc so các nước trong vùng từng nghèo, lạc hậu hơn nước ta. Mới chỉ trải qua hơn một thập niên thôi, nay ta mơ được cũng không được như họ.

Khi lên phát biểu, tôi nhấn mạnh khuyết điểm này của trung ương, gây lãng phí không thể chỉ tính bằng tiền. Đặc biệt là vấn đề đất đai thì cả nước như "gà mắc tóc". Tuy biết tôi không ám chỉ cá nhân ông, nhưng tôi thấy ông có vẻ bực bội vì phải nghe lời lẽ nặng nề. Thậm chí có ông phó văn phòng trung ương hỏi một anh trong đoàn An Giang "Thằng đó là ai mà ngang tàng vậy?". Tôi biết mình bị mếch lòng cấp trên, nhưng không sao, quen rồi.

Tôi biết nhiều thông tin về ông từ khi ông còn làm Bí thư Khu ủy khu 9 với thành tích oanh liệt chống bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris. Rồi khi ông về làm Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM, với việc làm táo bạo "xé rào" tìm cách cho dân có gạo ăn, khôi phục sản xuất, lưu thông hàng hóa, kể cả xuất nhập khẩu khi cả nước đang tắc tị...

Điển hình là thành phố tự đầu tư làm nhà máy thủy điện Trị An, chiêu an được giới trí thức - văn nghệ sĩ trước 1975 còn ở lại thành phố. Thành phố còn cố giữ được những gì tốt đẹp nó từng có như trật tự, vệ sinh đường phố. Văn hóa ứng xử phóng khoáng, thân thiện, chân thành của "típ" người Nam Bộ. Tôi bắt đầu chú ý ông hơn với sự thiện cảm. Rồi ông về trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thì lúc ấy tôi ít được nghe thêm tin lành về ông.

Thậm chí có thông tin "trái chiều". Tôi như xe bị "trả số" vào thời điểm tôi dự hội nghị như vừa kể và cho rằng người ta chỉ cần lóe sáng một lần thì cũng đã quý lắm rồi.

Rồi ông lại tiếp tục gây sự chú ý cả nước bằng công trình đường dây 500kV Bắc - Nam, bằng thành công bước đầu của Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, chương trình phủ xanh đồi núi trọc, chương trình thoát lũ ra biển Tây, chương trình làm nhà vượt lũ cho dân nghèo, cụm-tuyến dân cư vượt lũ... Đặc biệt là chỉ thị 200 về nước sạch - môi trường: cấp nước sạch cho dân nông thôn, xóa nhà vệ sinh trên ao-hồ-sông-rạch. Rồi chỉ thị cấm tiệt đốt pháo dịp Tết mà ban đầu nhiều người không cho là thành công bởi đó là tập quán ngàn đời trong dân chúng. Con cá tra, basa được "sạch", nông thôn thoát khỏi hình ảnh cây cầu "tõm". Hàng xuất khẩu thu về hàng tỉ đô la/năm... Những thành quả ấy đều có liên quan tới chỉ thị 200 của ông. Tôi lại có điều kiện tiếp tục nắm bắt những chủ trương của ông về vùng sông nước Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, về chủ trương cả nước trồng rừng trên đất trống, đồi trọc. Nhưng mãi đến ngày 2.9.1998 tôi mới bắt đầu vỡ òa niềm tin đối với ông.

vo-van-kiet-1.png
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân xây dựng đường dây 500kV - Ảnh: Tư liệu/Internet

Hôm ấy ông đi thị sát tình hình lũ lụt bằng trực thăng. Khi vào hội trường Ủy ban tỉnh họp với lãnh đạo An Giang, câu đầu tiên ông nói: "Dân mình còn nghèo quá! Từ trên máy bay nhìn xuống tôi thấy còn quá nhiều "chòi mòng". Nhà gì mà trống huơ trống hoác". Câu nói ấy gây cho tôi xúc động kỳ lạ. Tôi bắt đầu nhớ lại những gì ông làm cho An Giang, cho đồng bằng Cửu Long và cho cả nước, mà khi thực hiện tôi chỉ biết lo làm cật lực, không kịp suy nghĩ, không cảm nhận được hết ở giác độ nhân văn và tầm cao trí tuệ của một nhà lãnh đạo.

Có lần tôi nghe kể lại rằng khi được bầu làm thủ tướng, ông nói với các vị lãnh đạo cấp cao, đại ý "Bác Hồ là lãnh tụ, nay không còn. Anh em mình không ai lãnh tụ cả, chỉ có cùng nhau gồng gánh sự nghiệp nầy thôi". Thủ tướng mà tự nhận mình chưa thuộc hàng lãnh tụ. Từ câu đầu tiên sau khi xuống trực thăng, ông như bất chợt cho tôi cái tứ thơ. Về nhà tôi làm ngay bài thơ tặng ông với tên gọi Thủ tướng của nhân dân.  Câu đầu tiên là từ ngữ cảnh ấy: "Trên cao nhìn thấu những lều tranh". Lần gặp ấy là 10 năm sau, kể từ khi tôi gặp ông lần đầu.

Cuối năm 1999, trong lần về lại An Giang chủ trì hội thảo "Kinh Vĩnh Tế-Thoại Ngọc Hầu", lúc này ông là Cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng. Hôm ấy, sau bữa cơm thân tình còn lại chỉ mấy người, tôi đọc bài thơ làm năm trước và hát bài Người lính già vui vẻ tặng ông. Ông thật sự xúc động về bài thơ và có lẽ cả bài hát của nhạc sĩ Thanh Trúc nữa. Ông thân tình nhìn tôi: "Mầy tổng kết cuộc đời tao hả". Khi về thành phố, thư ký của ông điện thoại nhắn tôi xin bài hát ấy. Nghe anh em cận vệ nói lại là thỉnh thoảng ở nhà không ai, ông lấy bài hát ra hát (đọc) khe khẽ một mình. Sau nầy có lần hát lại bài này tự nhiên tôi như thấy ông đang lắng nghe. Và tôi lại thấy mắt mình cay cay, không hát được hết bài - từ đó tôi không hát bài này nữa.

Tôi làm Phó chủ tịch tỉnh An Giang 10 năm, cho đến khi ông không còn làm thủ tướng - tương ứng chặng đường kể trên. Thời gian ấy An Giang trực tiếp nhận chỉ đạo từ ông, bản thân tôi làm đầu tắt mặt tối nhưng cảm thấy hứng khởi lạ thường. Chỉ tiếc rằng không có điều kiện tiếp cận nhiều hơn để học ông nhiều điều mà sau này thấy không còn cơ hội. Khi tôi làm chủ tịch tỉnh (2001-2004) thì cũng vào lúc ông không còn làm cố vấn trung ương nữa.

Những gì học được ở ông trong thời gian 10 năm ấy đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ khá thuận lợi, được nội bộ, nhân dân ghi nhận. Thỉnh thoảng có khó khăn tôi lại đến gặp ông, nhờ ông chỉ bảo. Tuy không là người trực tiếp lãnh đạo, nhưng ông là chỗ dựa tin cậy cho tôi, mà tôi chắc cũng của nhiều người như tôi.

Không tin sao được, chỉ kể về nông nghiệp ĐBSCL, trong thời gian 10 năm ấy phát triển vượt bậc. Riêng chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm cho sản lượng lúa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần ở hai tỉnh Tiền Giang, Long An những năm sau đó tăng thêm khoảng 10 triệu tấn, chiếm 50% sản lượng toàn vùng, bằng toàn bộ lượng gạo xuất khẩu hằng năm của cả nước.

Tôi nghĩ đây là dấu ấn xóa đói nghèo ở Việt Nam, sẽ được ghi vào lịch sử phát triển của đất nước. Đó cũng là bài học xóa đói nghèo mà Liên Hợp Quốc từng hết lời ca ngợi Việt Nam.

Nhắc đến ông, người ta hay nói về "Dấu ấn Võ Văn Kiệt" trong những công trình, những chủ trương, quyết sách ích nước lợi nhà của ông, ở vai trò nhà lãnh đạo hiếm có. Ít người được cả cán bộ lẫn nhân dân tôn vinh như vậy.

Chỉ riêng công trình thoát lũ ra biển Tây với trục là hệ thống kinh Vĩnh Tế - T5 - Tuần Thống, nếu không phải ông thì chưa biết bao giờ mới có, phèn trong cái rốn Tứ giác Long Xuyên biết bao giờ rửa sạch. Vì vậy Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân An Giang đặt tên kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt.

Nhiều nơi ghi dấu ấn của ông trên vùng sông nước một thời cơ cực mà nay thành trù phú. Chỉ riêng ở An Giang, thêm một vạn hecta đất lúa làm 2 -3 vụ/năm. Hai xã mới ra đời với cả vạn dân tứ xứ nghèo khổ về đây lập nên cơ nghiệp... Những dấu son ấy ông để lại tặng đời, tặng đất và người An Giang, tặng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn, nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt