Khoản vay hợp vốn với giá trị kỷ lục 1 tỉ USD vừa được Techcombank, một trong những ngân hàng nổi bật nhất tại Việt Nam, huy động thành công, đã hé lộ nhiều điều về kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với nhà băng này cũng như đối với thị trường Việt Nam.

Dấu ấn Techcombank trên hành trình phát triển kinh tế Việt Nam

H.V | 13/07/2022, 15:55

Khoản vay hợp vốn với giá trị kỷ lục 1 tỉ USD vừa được Techcombank, một trong những ngân hàng nổi bật nhất tại Việt Nam, huy động thành công, đã hé lộ nhiều điều về kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với nhà băng này cũng như đối với thị trường Việt Nam.

Việt Nam đang “làm tốt một cách đáng kinh ngạc”

Techcombank đã tạo dựng được những dấu ấn đáng chú ý trong thời gian gần đây. Vào tháng 4 vừa qua, Techcombank đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên để thông báo về tình hình kinh doanh năm 2021. Theo đó, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 23,2 nghìn tỉ đồng và trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam vượt mốc lợi nhuận 1 tỉ USD.

Sau đó, vào tháng 6, nhà băng này thiết lập một cột mốc mới về huy động vốn với khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỉ USD có thời hạn 3 - 5 năm. Đây cũng là khoản vay hợp vốn trung/dài hạn có giá trị lớn nhất từng được một định chế tài chính Việt Nam huy động thành công.

Euromoney đã có buổi phỏng vấn nhanh với CEO Jens Lottner vào thời điểm Techcombank chốt khoản vay nói trên. Ban đầu, khoản huy động này được bảo lãnh bởi Standard Chartered và UOB, sau đó có sự tham gia của ANZ, HSBC và SMBC với vai trò là các ngân hàng được chỉ định thu xếp vốn chính, ngân hàng bảo lãnh và ngân hàng dựng sổ. Thương vụ này được xem như một tuyên bố về thành công của Việt Nam cũng như Techcombank, và thể hiện cảm nhận về khẩu vị nhà đầu tư trong giai đoạn triển vọng kinh tế toàn cầu đầy biến động.

jens1.jpg

Các ngân hàng “cơ bản đều nhận định rằng vay hợp vốn là một thị trường tương đối nhiều thách thức”, ông Lottner chia sẻ, dù Techcombank đã có kinh nghiệm từ hai lần huy động vốn từ thị trường quốc tế trước đó với giá trị các khoản vay lần lượt là 500 triệu USD năm 2020 và 800 triệu USD năm ngoái. “Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam. Ngay cả khi Việt Nam chưa phải là thị trường đầu tư có thứ hạng cao, nhưng nếu chúng tôi là một tổ chức đi vay uy tín, thì các nhà đầu tư vẫn sẽ quan tâm và tin tưởng”.

Có hai chủ đề cần xét tới ở đây: câu chuyện Việt Nam và câu chuyện Techcombank. Theo lời ông Lottner, Việt Nam đang “làm tốt một cách đáng kinh ngạc”. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm của Việt Nam đạt 6,4% trong khi lạm phát duy trì ở mức 8 - 9%, chủ yếu là “lạm phát do các yếu tố bên ngoài gây nên”, do giá dầu và một số mặt hàng khác tăng lên. “Đây không phải là lạm phát đến từ bên trong thị trường Việt Nam”, ông Lottner bổ sung. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Thách thức đặt ra ở đây không phải là nhu cầu mà là khả năng đáp ứng các nhu cầu đó, một phần do nguồn cung lao động và một phần do quỹ đất.

“Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn và có rất nhiều kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp mới”, ông Lottner nhận định. Tình hình phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc, thêm vào đó là căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung đã khiến nhiều doanh nghiệp mong muốn phát triển dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. “Tuy nhiên, quỹ đất ở thời điểm hiện tại thực sự rất khan hiếm”, ông Lottner chia sẻ, “nhu cầu lớn nhưng nguồn cung đang bị hạn chế”.  

Các ngân hàng Việt Nam, cũng như hầu hết các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á, đều duy trì kết quả kinh doanh khả quan qua đại dịch nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và cơ quan hoạch định chính sách, dù các hỗ trợ này đang giảm dần.

“Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức ổn định dù có thể tăng nhẹ ở nhóm tái cơ cấu do dịch COVID-19”, ông Lottner cho biết. Việt Nam áp dụng các phương pháp tính nợ xấu rất chặt chẽ - nếu khách hàng không có khả năng trả nợ cho một bên thì các bên cho vay khác phải ghi nhận khoản vay của khách hàng đó thành nợ xấu, và một khách hàng sẽ bị coi là có nợ xấu nếu trả chậm dù chỉ một ngày, tuy nhiên về mặt cấu trúc thì không đáng lo. “Nợ xấu sẽ tăng, nhưng không thể so sánh với giai đoạn 2012-2013”, ông nói thêm.

Techcombank xác lập tiêu chuẩn mới

Giờ tới câu chuyện Techcombank. Cả hai ngân hàng bảo lãnh cho khoản vay hợp vốn mới đây đều dành nhiều lời khen ngợi cho nhà băng này.

“Techcombank đã một lần nữa đặt ra tiêu chuẩn cho thị trường cho vay Việt Nam”, trích lời ông Bryan Liew, Giám đốc Điều hành phụ trách thu xếp hợp vốn của Ngân hàng Standard Chartered. “Việc nhiều ngân hàng tham gia thu xếp các khoản vay với nhiều kỳ hạn khác nhau đã khẳng định niềm tin của thị trường vào loại hình cấp tín dụng này trong triển vọng trung - dài hạn”.

Bà Lim Lay Wah, Giám đốc toàn cầu mảng định chế tài chính của UOB cho rằng Techcombank đang “tiên phong trong mảng vay bằng USD với lãi suất qua đêm có đảm bảo”.

Techcombank đạt được những thành tích này một phần nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng được minh chứng bằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép từ 2016 đến 2021 ở mức 50%, và một phần nhờ vị thế tốt trong việc tận dụng các xu hướng số theo cách làm của các ngân hàng hàng đầu khu vực như DBS của Singapore hay Bank Central Asia của Indonesia.

jens2.jpg

Ông Lottner cũng chia sẻ về khát vọng chuyển đổi của Techcombank qua việc đầu tư vào 3 trụ cột – dữ liệu, số hóa, nhân tài, và thành lập một bộ phận chuyên về dữ liệu, phân tích vào tháng 10.2020. Chúng tôi có dịp gặp gỡ vị CEO này tại Overseas Talent Roadshow (nằm trong chuỗi sự kiện thu hút nhân tài quốc tế của Techcombank) được tổ chức tại Singapore và London, nơi ông tìm kiếm các nhân tài phù hợp cho tổ chức.  

Cũng giống như nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về năng lực và chất lượng nguồn lao động, Techcombank cũng gặp nhiều khó khăn trong việc “tìm đúng người”. Vào thời điểm ông Lottner gia nhập, nhà băng này có khoảng 400 - 500 nhân sự trong mảng công nghệ, và ông kỳ vọng đến cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên 1.400 người. Techcombank từng không có nhân sự nào chuyên về dữ liệu, và đặt mục tiêu thu hút từ 150 đến 200 nhân sự cho mảng này. “Ở thời điểm hiện tại, 15% nguồn nhân lực của chúng tôi đang phụ trách các công việc liên quan đến công nghệ và dữ liệu”, ông Lottner cho biết. “Tôi nghĩ chúng tôi cần tăng tỷ lệ này lên 20 đến 25% để hiện thực hóa các mục tiêu trong tương lai”.

“Nhiều nhà đầu tư đang cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam. Ngay cả khi Việt Nam chưa phải là thị trường đầu tư có thứ hạng cao, nhưng nếu chúng tôi là một tổ chức đi vay uy tín, thì các nhà đầu tư vẫn sẽ quan tâm và tin tưởng”, ông Jens Lottner, Techcombank nói.

Trên thực tế, Techcombank đã triển khai ứng dụng mới, đã dịch chuyển hầu hết dữ liệu lên đám mây (cloud) cũng như đảm bảo các công cụ/thiết bị đầu cuối (front-end) đã sẵn sàng. Hiện tại, ngân hàng đang tập trung vào “phần mềm trung gian, các điểm chạm kết nối, phương thức chuyển đổi dữ liệu thành am hiểu và tương tác hiệu quả với khách hàng”. Một điểm khá ngạc nhiên là Việt Nam không có các quy định quá ngặt nghèo về công nghệ, đặc biệt là việc sử dụng điện toán đám mây.

Bên cạnh đó, Techcombank cũng đạt được những bước tiến lớn trong các lĩnh vực thường thấy khác của ngành ngân hàng: biên lợi nhuận thuần ở mức tốt nhờ nỗ lực phối hợp nhằm giảm chi phí huy động vốn; tỷ lệ CASA vượt mốc 50% trong quý 4/2021 và được duy trì trong quý 1/2022 ở mức 50,4% bất chấp áp lực cạnh tranh ngày một lớn; thu nhập từ phí, đặc biệt từ hoạt động bán bảo hiểm tăng mạnh. Tình hình kinh doanh vốn vay cũng rất khả quan cho tới khi thị trường trái phiếu đình trệ vào tháng 4 khi một vụ bê bối toàn ngành khiến 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ do công bố thông tin sai sự thật.  

Trong bối cảnh rộng hơn, SME là phân khúc có khá nhiều triển vọng. Phân khúc này gồm nhiều khách hàng tiềm năng, song cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực để khai thác. “Nếu không có mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng quy mô, thì khó có thể thành công ở phân khúc SME và khách hàng thu nhập khá”, ông Lottner nhận định. “Tuy nhiên, tôi tin rằng cuối năm nay, chúng tôi sẽ sẵn sàng tấn công các phân khúc tín dụng mới để tăng tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh”, ông cho biết. Như vậy, các sáng kiến đổi mới về số hóa, cụ thể hơn là khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu đáng tin cậy và ứng dụng các mô hình máy học, sẽ đóng vai trò quyết định trong hành trình chinh phục phân khúc khách hàng này.  

Tài giỏi hay may mắn?

Hành trình đến với Techcombank của ông Lottner khá thú vị. Từng làm việc cho McKinsey, ông Lottner luôn ghi nhớ câu hỏi kinh điển trong bài kiểm tra về cách tiếp cận chiến lược cho các nhà tư vấn quản trị (câu hỏi số 1: Bạn tài giỏi hay may mắn?). Sau đó, ông nắm giữ nhiều chức vụ tại Siam Commercial Bank Thái Lan - một tổ chức tài chính có thế mạnh về cải tiến công nghệ trong khu vực.

Khi được hỏi ông học được gì trong thời gian làm việc tại Thái Lan và mang tới Việt Nam, ông Lottner đưa ra một vài ví dụ. “Hãy tính toán thật kỹ ngay từ đầu vì ta không có nhiều tiền để lãng phí vào các sai lầm”, ông nói. Một câu hỏi tranh luận thường thấy là liệu ngân hàng có thể chuyển đổi từ bên trong hay cần tới các start-up từ bên ngoài. Câu trả lời cho từng thị trường sẽ khác nhau, “nhưng điều quan trọng là phải đặt ra mục tiêu và kiên trì với mục tiêu đó”.

Bài học số 3: “Từ góc nhìn của nhà đầu tư, mục tiêu đặt ra là vừa chuyển đổi, vừa tạo ra lợi nhuận”.

Techcombank đang đứng trước nhiều thời cơ, nhưng ông Lottner dự đoán áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn. Ông cho rằng khá khó hiểu khi các ngân hàng hàng đầu khu vực chưa có nhiều động thái đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Việt Nam rõ ràng là một trong những thị trường ưu tiên của UOB khi ngân hàng này đã mua lại mảng kinh doanh tiêu dùng của Citi tại đây. DBS cũng đã đề cập tới việc gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa có các động thái tích cực như tại thị trường Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc hay Đài Loan. Một số ngân hàng Malaysia cũng đã mở chi nhánh tại đây, bên cạnh sự hiện diện của các ngân hàng từ khu vực Đông Bắc Á theo một số hành lang thương mại, trong đó đáng chú ý là Shinhan của Hàn Quốc và SMBC của Nhật Bản, dù mối quan hệ hợp tác chiến lược kéo dài 14 năm giữa ngân hàng này và Eximbank đã chấm dứt vào tháng 3.

Một số ngân hàng còn e ngại tiến vào thị trường Việt Nam có lẽ do họ chưa nhìn thấy một hướng đi thật rõ ràng cho việc giành được quyền kiểm soát tại thị trường này. Đó cũng có thể là lý do tại sao các quỹ đầu tư như Warburg Pincus và GIC - vốn được biết đến là hai bên rót vốn lớn của Techcombank - chọn cách tiếp cận thị trường này qua các ngân hàng trong nước.

“Tôi dự đoán áp lực cạnh tranh sẽ lớn dần trong tương lai”, ông Lottner chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn Techcombank trên hành trình phát triển kinh tế Việt Nam