Tính đến ngày 20.2, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tài chính và đầu tư

Đầu năm, vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng gần 40% so với cùng kỳ

Lam Thanh 17:16 27/02/2024

Tính đến ngày 20.2, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), năm nay tính đến 20.2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính lũy kế đến ngày 20.2, cả nước có 39.553 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 473,1 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 300 tỉ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong tháng 2 tháng đầu năm 2024. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt hơn 48,87 tỉ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ, chiếm 72,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 48,57 tỉ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ, chiếm 72,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 39,51 tỉ USD, tăng 29,5% so cùng kỳ và chiếm 64% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 8,9 tỉ USD kể cả dầu thô, hơn 8,6 tỉ USD nếu không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 4,29 tỉ USD.

3810546-1148603254.jpg
Vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng gần 40% so với cùng kỳ

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỉ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỉ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 39,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 62,3%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch GVMCP cao nhất (43,9%).

Đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỉ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023; Hồng Kông đứng thứ 2 với gần 525,7 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp gần 5,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…

Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Quảng Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 471,1 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư cả nước.

Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 35,6%), điều chỉnh vốn (chiếm 18,9%) và GVMCP (chiếm 71,1%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP.HCM, Hải Phòng, Hưng Yên. 10 địa phương này đã chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo, đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm được cải thiện so với tháng 1.2024. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 19,5% so với cùng kỳ, thay vì giảm 15,7% so cùng kỳ trong tháng 1.2024 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án đầu tư mới và không thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư đối với các dự án hiện hữu. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 25 triệu USD (bằng 21,7% so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 39,4% vốn); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 21,5% vốn); xây dựng (chiếm 20% vốn). Còn lại là các ngành khác.

Có 11 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024. Những nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Mỹ (26,6%), New Zealand (23,5%), Đức (21,5%), Lào, Trung Quốc…

Bài liên quan
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu năm, vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng gần 40% so với cùng kỳ