Được khởi công xây dựng từ những năm 2010-2011 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong vòng 1 đến 2 năm, thế nhưng, hàng loạt công trình trường học, nhà ở cho học sinh có giá trị tiền tỉ ở huyện nghèo Minh Hóa (Quảng Bình) sau nhiều năm khởi công mà không đưa vào sử dụng.
Thay vào đó các chủ đầu tư đã nhận được những công trình bị bỏ hoang từ nhiều năm qua và ước mơ được học, được ở trong những ngôi trường, ngôi nhà khang trang của các em học sinh vùng cao tan theo nhà hoang.
Khi chủ đầu tư quá ưu ái nhà thầu!
Bước vào năm học mới 2014-2015, dường như không thể chờ đợi thêm được nữa, nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện Minh Hóa đã phản ánh về thực trạng hàng loạt công trình trường học, nhà ở cho học sinh được Nhà nước cấp vốn hàng tỉ đồng nhưng qua nhiều năm xây dựng dở dang và bị bỏ hoang từ nhiều năm. Trong khi đó, con em họ phải học nhờ và ở nhờ tại những phòng học, phòng ở tạm bợ.
Trên địa bàn huyện rẻo cao Minh Hóa có 4 công trình phòng học và nhà ở cho học sinh ở xã Quy Hoá, Minh Hóa, Hóa Sơn và Dân Hóa. Các công trình có tổng mức đầu tư từ 2 đến 3,5 tỉ đồng và đều là các công trình nhà kiên cố 2 tầng, được khởi công xây dựng từ năm 2010- 2011 do các xã làm chủ đầu tư, song bị bỏ hoang từ nhiều năm qua bởi các nhà thầu không tiếp tục thi công hoặc không hoàn thiện công trình để có thể đưa vào sử dụng.
Đáng nói là các chủ đầu tư đều rất ưu ái các nhà thầu khi mà nhà thầu mới chỉ làm được một, đã thanh toán gấp 2,3 và còn cao hơn thế nữa khối lượng thực tế đã thi công được.
Thông tin từ các chủ đầu tư (UBND các xã) và đơn vị hưởng lợi là các trường học cho biết thực trạng trên như sau: Về công trình nhà lớp học 2 tầng, 4 phòng của Trường mầm non Quy Hóa thuộc xã Quy Hóa có tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng được khởi công xây dựng vào tháng 10.2011. Công trình bước vào giai đoạn hoàn thiện thì nhà thầu bỏ không làm nữa cách đây 2 năm.
Theo số liệu báo cáo của UBND xã Quy Hóa thì nhà thầu thi công công trình này là Công ty TNHH Tiến Hoàng (có trụ sở ở T.P Đồng Hới) có giá trị phần xây lắp của công trình là 2,1 tỉ đồng và nhà thầu đã nhận hơn 1,8 tỉ đồng.
Bước đầu UBND xã Quy Hóa thừa nhận đã nghiệm thu khống giá trị thi công là 86,665 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi khối lượng nghiệm thu khống thực tế cao hơn nhiều lần số tiền này.
Đối với công trình lớp học 2 tầng, 4 phòng học tại Trường Tiểu học -THCS Hoá Sơn có tổng mức đầu tư ban đầu gần 2 tỉ đồng, được bắt đầu khởi công vào năm 2010 do Công ty TNHH Tây Sơn (có trụ sở ở huyện Quảng Trạch) thi công.
Ông Đinh Xuân Đại - Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, sau nhiều lần thi công cầm chừng do vướng việc giải phóng mặt bằng, đến năm 2013 đơn vị thi công mới thi công xong phần thô của tầng 1.
Khi được hỏi phía chủ đầu tư đã chuyển bao nhiêu tiền cho nhà thầu, ông Đại cho hay: Tôi không nhớ nữa, kế toán xã đi vắng và hiện Công an tỉnh đang điều tra làm rõ vấn đề này.
Công trình Trường Mầm non Minh Hoá, điểm trường Tân Lý thuộc xã Minh Hóa có tổng mức đầu tư gần 3,4 tỉ đồng được khởi công vào cuối năm 2011 do Công ty TNHH Vĩnh Phú. Mặc dù đã bước vào giai đoạn hoàn thiện công trình, nhưng nhà thầu đã dừng thi công và bỏ hoang công trình 2 năm qua.
Ông Cao Ngọc Uyên - Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết, tổng giá trị xây lắp của công trình là 2,8 tỉ đồng và phía chủ đầu tư đã được thanh toán 2,5 tỉ đồng cho nhà thầu.
Cuối cùng là công trình khu bán trú dân nuôi của Trường Tiểu học - THCS Dân Hoá thuộc xã Dân Hóa được khởi công vào năm 2010, có tổng mức đầu tư 3,5 tyỉ đồng do Công ty TNHH Tây Sơn thi công. Sau khi thi công xong một phần móng nhà và đổ một số trụ bê tông nhà thầu đã dừng thi công và bỏ hoang công trình này hơn 3 năm qua.
Trong khi những công trình tiền tỷ bị bỏ hoang thì nhiều em học sinh mầm non phải học trong những dãy nhà học cấp 4 đang xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo điều kiện. |
Hệ luy từ việc đầu tư, quản lý, thi công các công trình nói trên đó là hàng trăm học sinh mầm non, tiểu học và THCS phải học nhờ và ở nhờ tại những phòng học, phòng ở tạm bợ trong nhiều năm qua.
Trong khi những công trình lớp học, nhà ở cao tầng được đầu tư xây dựng có giá trị hàng tỷ đồng đáng lẽ ra được đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua lại bị bỏ hoang để mặc cho cỏ mọc, chất lượng công trình xuống cấp trở thành nơi nuôi nhốt trâu bò cho nhiều gia đình và rêu phong bám đầy công trình một hình ảnh hết sức phản cảm ở môi trường giáo dục.
Cô Đinh Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Hóa cho biết: Theo kế hoạch công trình điểm trường Tân Lý phải được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2012.
Tuy nhiên, do công trình này không được hoàn thiện và bị bỏ hoang 2 năm qua nên 4 lớp học với 140 em học sinh phải học trong dãy nhà cấp 4 khá chật chội và đã xuống cấp. Hiện 30 đến 40 em học sinh cùng cô giáo phải học, sinh hoạt và ngủ trên diện tích phòng khoảng 30 m2. Từ thực tế đó dẫn đến chất lượng nuôi dạy các cháu bị ảnh nghiêm trọng. Cùng đó việc đăng ký phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 cũng đành phải gác lại.
Vấn đề này nhà trường, cũng như phụ huynh học sinh rất bức xúc phản ánh nhiều lần lên xã, song vẫn không có thay đổi.
Tại Trường Tiểu học - THCS Hóa Sơn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Thầy Nguyễn Văn Bằng-Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện 4 lớp học THCS phải học nhờ phòng học của các em học sinh tiểu học. Do phải san sẻ 4 phòng học cho các học sinh THCS nên các em học sinh tiểu học không thực hiện được việc học bán trú 2 buổi/ngày.
“Do thiếu phòng học nên trường rất khó khăn trong việc thực hiện việc phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Nếu công trình lớp học đang bị bỏ hoang tại trường được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch thì sẽ giúp trường giải quyết được các vấn đề nói trên, song tiếc rằng chờ mãi công trình này vẫn cứ ở trạng thái dở dang và bỏ hoang”, thầy Bằng cho biết thêm.
Khác hẳn với việc phải lâm vào cảnh thiếu phòng học, phải đi học nhờ, các em học sinh ở Trường Tiểu học - THCS Dân Hóa phải ở “ké” và ở nhờ nhà người dân.
Thầy Nguyễn Thanh Sơn Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Dân Hóa cho biết: Do công trình nhà ở bán trú dân nuôi xây dựng dở dang và bị bỏ hoang hơn 3 năm qua, nên những năm qua hàng trăm em học sinh dân tộc thuộc diện theo quy định phải được ở nhà bán trú dân nuôi (các trường hợp học sinh ở các bản có nhà xa trường không thể đi về hàng ngày được) đã phải ở nhờ ngoài nhà dân, số ít còn lại được các thầy cô trong trường nhường lại phòng ở.
Cụ thể, theo quy định có 230 học sinh phải được ở khu bán trú dân nuôi tại trường. Tuy nhiên, hiện tại mặc dù đã cố gắng hết sức nhà trường cũng chỉ bố trí được cho 30/230 em ở tại trường trong các phòng ở dành cho giáo viên, số còn lại 200 em phải tự liên hệ và xin ở nhờ ngoài nhà dân. Việc này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý học sinh của nhà trường và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học…
Thông tin từ UBND huyện Minh Hóa cho biết, trước thực trạng nói trên huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục, Kinh tế - Hạ tầng và Phòng Tài chính…tiến hành về kiểm tra thực tế tại các công trình nói trên để có biện pháp chỉ đạo giải quyết.
Theo phản ánh của dư luận và một số cán bộ có trách nhiệm ở Minh Hóa thì tất cả các công trình nói trên đều có vấn đề sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng; chất lượng thi công công trình và dấu hiệu nghiệm thu, quyết toán khống khối lượng thi công. Dư luận đề nghị Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an kinh tế vào cuộc tiến hành kiểm tra, điều tra để làm rõ các vấn đề này tại các công trình còn lại trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Bài, ảnh: Quốc Nam