“Đất ở và đất khác thì đất ở là bao nhiêu? Người có 1m2 đất ở, trong khi phần không phải đất ở lên nhiều ha vẫn được làm dự án trong khi các trường hợp khác lại không được hay sao?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Hạ tầng và bất động sản

ĐBQH băn khoăn quy định có 1m2 đất ở mới được làm dự án nhà ở thương mại

Lam Thanh 15/01/2024 14:10

“Đất ở và đất khác thì đất ở là bao nhiêu? Người có 1m2 đất ở, trong khi phần không phải đất ở lên nhiều ha vẫn được làm dự án trong khi các trường hợp khác lại không được hay sao?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Phải có đất ở mới được làm dự án nhà ở thương mại

Sáng 15.1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên quan thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu: Điều kiện trên chỉ để thu hồi đất, trong đó có đất nông nghiệp phục vụ cho dự án xây dựng khu đô thị mà thôi, còn các dự án khác thì không được.

anh-man-hinh-2024-01-15-luc-13.48.29.png
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, trên cơ sở ý kiến các cơ quan và chính sách đã được thống nhất khi thông qua Luật Nhà ở năm 2023, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉnh sửa theo hướng giữ như quy định của Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung theo Luật số 03/2022/QH15.

Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như trên là bất cập. “Đất ở và đất khác thì đất ở là bao nhiêu? Người có 1m2 đất ở, trong khi phần không phải đất ở lên nhiều ha vẫn được làm dự án trong khi các trường hợp khác lại không được hay sao?”, ông đặt vấn đề.

Ông Hòa đề nghị trường hợp đang có quyền sử dụng đất thì nên cho chuyển đổi mục đích sử dụng để làm nhà ở thương mại kết hợp sản xuất kinh doanh, Nhà nước thu thuế.

anh-man-hinh-2024-01-15-luc-13.51.11.png
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng quy định muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác đặt ra một hạn chế rất khó hiểu là phải có một mét vuông đất ở trong diện tích dự án thì mới được làm, còn nếu không có mét vuông nào thì không được.

“Việc phân biệt giữa hai trường hợp này là không cần thiết, không mang lại lợi ích công cộng nào. Vì thế cần bỏ quy định này để mở đường cho nguồn cung nhà ở, kéo giảm giá nhà giúp người dân có cơ hội tốt hơn để có được nhà ở”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Làm rõ hơn yếu tố “thật cần thiết” khi thu hồi đất

Về thu hồi đất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhất trí với việc liệt kê cụ thể các trường hợp quy định tại Điều 79 của dự thảo luật, cũng như các căn cứ, điều kiện thu hồi đất tại Điều 80 dự thảo.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: thứ nhất, phải là trường hợp thật cần thiết; thứ hai, phải do luật định và thứ ba phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo ông Nghĩa, đối chiếu với các yêu cầu này, quy định tại Điều 79 và Điều 80 chưa thể hiện rõ tính chất “thật cần thiết”.

Ông Nghĩa cho rằng trên thực tế, có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80, nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

anh-man-hinh-2024-01-15-luc-13.47.23.png
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)

Trong báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa, lãng phí. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “thật cần thiết” vào phần mở đầu của Điều 79 dự thảo luật.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề xuất: trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, thì thông báo trên một số báo hàng ngày của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 số liên tiếp, hoặc phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 ngày liên tiếp.

Theo đại biểu Gia, nếu chỉ quy định thông báo trên báo trung ương sẽ rất khó khăn và vướng mắc trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 5, về nội dung UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày, do không có tính khả thi, vì giao thời điều chỉnh đơn giá bồi thường tài sản do UBND tỉnh quy định thay đổi đơn giá bồi thường giữa đơn giá sau so với đơn giá trước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH băn khoăn quy định có 1m2 đất ở mới được làm dự án nhà ở thương mại