Để thực hiện cuộc đột phá có tính chất quyết định cho sự phát triển, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, nhất thiết phải tiến hành chuyển đổi phong cách lãnh đạo, tư duy, lối sống và nghề nghiệp của tất cả mọi người, từ nhà lãnh đạo tới người lao động bình thường.
Khi gia nhập WTO, Việt Nam có một lợi thế, khó nước nào sánh được. Đó là đất nước trên 90 triệu dân với 63% thuộc độ tuổi 30-40; cho dù với xuất phát điểm thấp, trong đó hơn 70% dân số thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thay vào đó, người Việt lại rất cần cù, thông minh, chịu khó và luôn sáng tạo. Nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là giá nhân công rẻ. Ngoài 3 nội dung phát triển kinh tế lớn mà chúng tôi đã nêu trong phần bài trước, nếu có một chính sách kỹ thuật và công nghiệp song hành đúng đắn và hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, biến những khả năng tiềm tàng thành hiện thực để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết một cách hiệu quả chính sách "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Trước mắt, để giải quyết vấn đề công ăn việc làm và giảm sức ép xã hội ở khu vực nông thôn, cần tập trung phát triển mạnh mẽ các công nghệ thâm dụng lao động, nhất là trong những ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp làng nghề truyền thống. Mục đích là để sản xuất các loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu nhằm mục đích thu hồi được vốn nhanh và tạo ra sự phong phú cho thị trường hàng hóa trong nước, đồng thời tìm kiếm và tiến tới ổn định thị trường ngoài nước với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh mạnh. Hướng đầu tư này đã được hình thành trong những năm gần đây ở các ngành sản xuất như điện tử, cơ khí, lắp ráp, dệt may, gốm sứ, nhựa, diêm, bia, thuốc lá, thủ công mỹ nghệ…và các dự án đầu tư cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu (đặc biệt là đầu tư cho các loại cây công nghiệp xuất khẩu và chế biến hàng xuất khẩu).
Đồng thời, cần ưu tiên phát triển các loại công nghệ thâm dụng tài nguyên trong một số ngành công nghiệp then chốt, như luyện thép, cơ khí chính xác, vật liệu mới… để tới đây chuẩn bị bước vào sản xuất các hàng tiêu dùng cao cấp: tủ lạnh, xe máy, ô tô, các loại máy động lực… chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu về chất lượng của thế giới.
Mặt khác, cần phát triển các ngành dịch vụ du lịch sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp và những địa phương có khu vui chơi, giải trí, an dưỡng, nghỉ mát, resort, bãi biển, khu du lịch, danh thắng của đất nước, v.v..
Nền công nghiệp Việt Nam trong tương lai phải ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp lắp ráp. Với một đất nước nông nghiệp, thì việc xây dựng một chiến lược công nghiệp có tính nhị nguyên một cách hợp lý (phát triển theo các giai đoạn cụ thể, loại công nghệ thích hợp, bậc thấp và trung bình để giải quyết công ăn việc làm cho hơn 70% lao động nông nghiệp và nhàn rỗi, giảm thiểu các áp lực xã hội và loại công nghệ cao để tái trang bị kỹ thuật và làm hồi sinh các ngành công nghiệp xế chiều, như khai khoáng, mỏ, hóa chất, luyện kim, v.v..) có một ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước tới năm 2020.
Trong đó, nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu về hàng hóa, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh các công trình đầu tư cho kết cấu hạ tầng như: các phương tiện giao thông, điện, nước và đặc biệt là thông tin liên lạc. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển đã cho thấy, việc đi trước một bước trong lĩnh vực thông tin liên lạc, như điện thoại, cáp quang, internet... sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhịp độ tăng trưởng của nền công nghiệp, giúp cho những nước chậm phát triển giảm bớt khoảng cách tụt hậu so với các quốc gia đi trước. Chính cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin làm thay đổi phong cách làm việc chậm chạp kém hiệu quả của các doanh nghiệp để thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới không chỉ các thiết bị, máy móc, mà còn đổi mới một yếu tố quan trọng - đó là hệ thống quản lý, quản trị.
Tổng quát lại, một số nội dung và giải pháp xây dựng đất nước theo hướng “Dân giàu nước mạnh” được nêu ra trên đây là những vấn đề mang tính chiến lược đối với sự phát triển Việt Nam hiện tại và tương lai. Thiết nghĩ, điều quan trọng khi thực hiện hướng đi này là phải nhận rõ lợi thế so sánh giữa nước ta với các nước khu vực và trên thế giới trong tầm nhìn dài hạn, không chỉ 5 - 10 năm, mà 50 năm, thậm chí hàng thế kỷ. Hiện nay, chúng ta tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nuớc cùng với việc triển khai trên quy mô quốc gia hàng loạt khu công nghiệp tập trung, khu đô thị, khu chế xuất... Thực hiện công cuộc này, nhất thiết phải tiến hành chuyển đổi cả về phong cách lãnh đạo, tư duy, lối sống và nghề nghiệp cho bộ phận lớn dân cư và hàng chục triệu người đang sinh sống ở các vùng nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù nhiều khó khăn trước mắt, nhưng thuận lợi và cơ hội khai thác có nhiều triển vọng. Đó là: Môi trường chính trị - xã hội ổn định; tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao; thị trường nội địa có nhu cầu đa dạng về hàng hóa và dịch vụ; nguồn vốn trong dân cho đầu tư còn nhiều, chưa huy động hết; trong tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, giá vật tư nguyên liệu, máy móc, thiết bị đang xuống thấp trong khi nhu cầu phát triển nước ta cần nhiều. Mặt khác, các nhà đầu tư và tài trợ nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam, vẫn coi Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Nhìn giai đoạn cách mạng vừa qua, suy ngẫm lại những gì mà thế hệ trước đã làm, thế hệ ngày nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Trong kháng chiến chống Mỹ, người Việt Nam đã thể hiện 3 đức tính ưu việt: Nhân, Trí, Dũng. "Trí" hiện nay được phát huy mạnh mẽ nhất trong sự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thế hệ trẻ. Giai đoạn ngày nay đang đòi hỏi "dũng" lớn. Dũng bây giờ là dám lao vào những địa hạt khó khăn, không chùn bước; nếu không sẽ không thể vươn lên được. Chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học, sản xuất, kinh doanh đòi hỏi dũng khí rất lớn. Và bao trùm, có tính chất quyết định là "nhân", mỗi cá nhân, từ nhà lãnh đạo cao nhất tới người lao động bình thường, phải toàn tâm toàn ý vì đất nước, dân tộc, nhân dân, cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước, cho cuộc sống hạnh phúc của con người Việt Nam.
Bởi vậy, thế hệ ngày nay phải cùng nhau xây dựng và thực hiện một "tầm nhìn mới" thông qua chương trình hành động khai thác những lợi thế so sánh của nước nhà vừa mang tính lâu dài vừa có tính khả thi để thực hiện những mục tiêu chiến lược đặt ra. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới đủ năng lực hòa nhập và bắt kịp nhịp độ phát triển của nền kinh tế thế giới và khu vực. Chính điều này sẽ góp phần làm cho Việt Nam có thêm nhiều chiến thắng to lớn hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, nông nghiệp… trong thiên niên kỷ mới.
TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin KH-CN Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ