Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 29.3, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn trong xã hội. Người trong sạch thì không ai chơi, mà lại còn bị coi là quan hệ kém.
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 29.3, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn trong xã hội. Người trong sạch thì không ai chơi, mà lại còn bị coi là quan hệ kém.
Người trong sạch bị coi là quan hệ kém
Trong phiên Quốc hội thảo luận hội trường sáng ngày 29.3 về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vấn đề tham nhũng, chạy chức chạy quyền thu hút nhiều sự chú ý của các đại biểu.
Theo ông Đỗ Văn Đương, dư luận lâu nay vẫn “râm ran" là có tình trạng chạy chức chạy quyền. Hay đó là sự thật? Và vì sao người ta thích chạy? Vì sao người ta chạy được? Nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn. Trong khi đó, cuộc đời này còn nhiều "cô Tấm" trong sáng, nhưng người trong sạch giống như nước, mà nước trong thì không có cá, người trong sạch bị coi là quan hệ kém.
Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Đương, không chỉ tạo ra bất công lớn mà tình trạng chạy chức chạy quyền còn “đẻ” ra tham nhũng. “Bởi vì chính họ, mua bán xong rồi, họ phải đi vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật, đấy là thị trường. Đây cứ nói nhạy cảm phức tạp, nhưng cũng phải làm vì nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ.
“Cơ thể bị nhiều vi rút thì phải có thuốc chữa, không uống bắt phải uống vì họ không tự uống, nếu cứ nhiều mà không làm có khi lại kích thích vi rút tham nhũng phát triển.... Do đó, phải tấn công tham nhũng như tấn công tội phạm, mà rõ ràng là tội phạm rồi” – ông Đương nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, chỉ có Bộ Chính trị mới đưa ra được quyết sách tấn công tình trạng chạy chức chạy quyền như tấn công tội phạm.
“Tôi chỉ tiếc trong Bộ luật Hình sự vừa rồi không đưa vào tội mua bán chức quyền. Mấy lần tôi đề nghị rồi, vẫn chưa được, vì đấy là hành vi tội phạm. Bây giờ chỉ trông chờ Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của Đảng, mà Đảng ta lãnh đạo toàn diện. Có lẽ trước hết tập trung vào chỗ này thì mới hiệu quả” – ông Đương nói.
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng nêu rằng, cử tri và nhân dân rất bức xúc, thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp.
Theo ông Phương, gần đây, Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là chạy luân chuyển. Có nghĩa là có chính sách gì mới là chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý và chính vì thế câu hỏi ‘Chạy ai?’, ‘Ai chạy?’, chúng ta chưa trả lời được.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Bộ trưởng, các Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chứ không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm ngơ trong hành pháp.
Ăn hết rồi lấy tiền đâu phát triển?
Nói về vấn đề biên chế hoạt động của bộ máy Nhà nước, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, thể chế và cơ chế hiện nay chằng chịt, chồng lấn nhiều vấn đề. Hiện tượng “phình” ra về bộ máy Nhà nước khiến ngân sách riêng cho việc chi lương đã khoảng 400.000 tỉ đồng/năm, tính chung cả khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỉ đồng/năm.
“Như vậy là ăn hết rồi còn đâu chi đầu tư phát triển?” – ông Đỗ Văn Đương nhận định.
Ông Đương đề nghị tiếp tục sửa quy định, đánh giá để cắt giảm bộ máy nhà nước một cách quyết liệt. Thực hiện nhất thể hoá các chức danh trong Đảng và chính quyền, sáp nhập, liên kết các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách để hạn chế những thành phần chỉ sống dựa vào Nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), một điểm hạn chế của Chính phủ là bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều trùng lắp, chồng chéo trong lĩnh vực quản lý giữa các Bộ. Ví dụ như chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Thông tin - Truyền thông với Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch; Bộ Giáo dục - Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội…
Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc, đối với Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Bộ, ngành có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quan điểm. Xây dựng Chính phủ kiến tạo, xây dựng và hoàn thiệnthể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, xây dựng một Chính phủ vì nhân dân là chính.
“Lần này là cơ hội để Chính phủ cần bàn làcơ cấu của Chính phủ bởi lâu lắm rồi chúng ta chưa bàn xem cơ cấu của Chính phủ như thế nào thì hợp lý. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ hiện nay trùng lặp thế thì chuyển giao như thế nào?” – ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, nhiệm kỳ tới cần tinh giản bộ máy Nhà nước, không thể cứ đẻ ra bộ máy rồi Quốc hội lại chạy theo để nuôi bộ máy ấy. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm. Nghiêm như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói, “cột ở lại thì người phải đi” hoặc “nhà dân sập thì nhà cán bộ cũng sập”.
Trí Lâm