"Nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nếu can thiệp quá nhiều thì không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới, nếu can thiệp thì chỉ can thiệp phần nào", ĐBQH Nguyễn Văn Thân nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Hãy để giá xăng tăng giảm theo thế giới, không nên can thiệp nhiều

Lam Thanh | 08/06/2022, 11:13

"Nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nếu can thiệp quá nhiều thì không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới, nếu can thiệp thì chỉ can thiệp phần nào", ĐBQH Nguyễn Văn Thân nói.

Hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán

Trả lời câu hỏi về chứng khoán tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thị trường chứng khoán tăng trưởng thời gian qua rất tốt. Tuy nhiên, cũng xảy ra một số hiện tượng về thao túng cổ phiếu, thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng… Tuy nhiên đây là hành vi của cá nhân.

Theo đó, Bộ Tài chính đã cảnh báo người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và trình Chính phủ sửa Nghị định 153, tăng cường các giải pháp thực hiện minh bạch cho thị trường, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; áp dụng trí tuệ nhân tạo vào thị trường, nắm bắt việc lên xuống đột ngột; đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán quy định rõ điều kiện phát hành, mục đích phát hành…

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra…

ck.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trả lời về hệ thống công nghệ thông tin trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính cho biết dự án hệ thống công nghệ thông tin HoSE ký với KRX đã kéo dài 22 năm. Đây là dự án do Hàn Quốc tài trợ, hiện vẫn chưa xong và Bộ Tài chính đang tích cực thúc đẩy triển khai với các biện pháp mạnh, yêu cầu nhà thầu phải sang thực hiện hoàn thiện gói thầu với thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, khi gói thầu này chưa hoàn thành, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án dùng công nghệ của sàn HNX đưa vào HoSE, qua đó tăng được room xử lý từ 1 triệu lệnh/ngày lên 3 triệu lệnh. Hiện nay, hệ thống cần xử lý khoảng 2,5 triệu lệnh/ngày và Bộ đã có kế hoạch nâng room xử lý lên 5 triệu lệnh/ngày, để đảm bảo cho hệ thống công nghệ thông tin của sàn HoSE không bị nghẽn mạch như thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Phớc cũng nhắc lại sự kiện hệ thống giao dịch chứng khoán của sàn HoSE bị nghẽn liên tục trong giai đoạn tháng 4-5.2021 và phải mất 100 ngày để “giải cứu” với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong nước và các chuyên gia giỏi.

Về hệ thống giao dịch KRX dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính cho biết đây sẽ chỉ là hệ thống công nghệ thông tin dự phòng, để khi hệ thống hiện tại bị nghẽn mạch hoặc có sự cố thì hệ thống KRX sẽ lập tức được thay thế.

“Hệ thống hiện nay cũng đã có một hệ thống dự phòng, vừa rồi khi bị ngắt mạch thì đưa hệ thống dự phòng được đưa vào hoạt động ngay. Với việc hệ thống KRX hoàn thành nữa thì có thể đảm bảo hoạt động giao dịch của nhà đầu tư diễn ra thông suốt”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Làm sao hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nhà trường, phụ huynh trong sách giáo khoa?

Về câu hỏi giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây không phải mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.

Đối với ý kiến đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết thẩm quyền quyết định của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình. Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới nhưng thẩm quyền quyết định vẫn là của Quốc hội.

Tranh luận lại, Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ nguyên nhân của những khó khăn trong việc tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng mà Bộ chưa hoàn thành.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao yêu cầu Bộ trưởng cho biết: đến khi nào giá sách giáo khoa mới đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ trưởng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến vấn đề này. Bộ trưởng cho biết, khi sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục trong Luật giá thì chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Hiện tại, Bộ trưởng cho rằng chỉ có thể vận động các cơ quan chủ quản tiết giảm chi phí để giá sách giáo khoa hạ xuống và các em học sinh được thụ hưởng.

ck2.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) 

Khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt.

Sẽ tiếp tục giảm thuế xăng dầu

Về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn.

“Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế”, ông Phớc nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh giảm thuế nhưng cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách bởi nếu giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả, dòng tiền lại chảy sang nước ngoài.

Mặt khác giá không chỉ phụ thuộc thuế mà còn quan hệ cung cầu như mua ở đâu thì rẻ? Lâu nay vẫn mua của Singapore nhưng cần phải xem xét thêm các thị trường khác như Hàn Quốc…; đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất trong nước lên vì có nhà máy Nghi Sơn hiện sản lượng rất thấp, có những giai đoạn còn dừng lại. “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ đánh giá tác động, tham mưu cho Chính phủ”, Bộ trưởng nói.

ck3.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Thân chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu

Đại biểu Nguyễn Văn Thân chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu.

“Nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nên nếu can thiệp quá nhiều thì nó không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới. Còn nếu chúng ta can thiệp thì chỉ can thiệp phần nào. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu giá như thế này thì sẽ ảnh hưởng xuất khẩu”, đại biểu Nguyễn Văn Thân giải thích.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ vấn đề đại biểu nêu, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong việc tính giá cơ sở là trách nhiệm của ai, có phải của Chính phủ không? Thuế nhập khẩu trong tính giá cơ sở không phải khi nào cũng là trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài các công cụ về thuế, vấn đề trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng chịu tác động nặng như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu như hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, lĩnh vực giao thông vận tải, cho người nghèo, người thu nhập thấp…; phải nghiên cứu toàn diện các công cụ, giải pháp quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Hãy để giá xăng tăng giảm theo thế giới, không nên can thiệp nhiều