Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về vấn đề tự chủ giáo dục đại học trong phiên góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, với mong muốn cần đảm bảo tính minh bạch trong tự chủ kinh tế - tài chính của các cơ sở giáo dục đại học.

ĐBQH: Tự chủ tài chính đại học phải kèm với trách nhiệm giải trình

nguyentuyet | 06/11/2018, 16:25

Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về vấn đề tự chủ giáo dục đại học trong phiên góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, với mong muốn cần đảm bảo tính minh bạch trong tự chủ kinh tế - tài chính của các cơ sở giáo dục đại học.

Sáng 6.11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc mở rộng phạm vi nâng cao hiệu quả tự chủ đại học. Đây là chính sách lớn nhất thể hiện trong dự thảo luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo và đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để quá trình tự chủ trong các trường đại học được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Phó ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có những trao đổi với báo giới về vấn đề này.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, muốn tự chủ đại học thì vấn đề không chỉ là quyền tự chủ tài chính hay tự chủ về nhân lực, mà tự chủ đi kèm trách nhiệm giải trình, đó là điều quan trọng. Ông đánh giá cao về các chính sách, như quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm định của Nhà nước.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phân biệt rõ, Nhà nước cần chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với cơ sở giáo dục đào tạo. Nhà nước chịu trách nhiệm về tổ chức, hệ thống máy móc, sản phẩm, con người.

Ông Nhưỡng băn khoăn về việc liên kết của các cơ sở giáo dục đại học. "Ví dụ, một trường có thể liên kết với một trường khác bằng nhiều hình thức để tạo ra cơ sở giáo dục đại học mạnh hơn, có thể thành lập một đại học ở quy mô lớn hơn. Sự liên kết này có thể là liên kết cứng hoặc liên kết mềm. Liên kết cứng bằng nhiều hình thức. Thứ nhất là hợp nhất, thứ hai là sáp nhập".

Đồng quan điểm với ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhận định rằng, vấn đề quan trọng nhất là vấn đề tự chủ. Việc muốn được tự chủ phải liên quan tới hội đồng nhà trường, liên quan tới tính tự chủ của mỗi nhà trường để phát triển trong giai đoạn hiện nay. Hiện tại, không thể trông chờ hết vào nguồn nhân sách nhà nước, và khi các trường đại học tự chủ thì họ sẽ tự chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của mình. Tất cả những vấn đề liên quan tới nguồn thu của các trường đại học cũng phải được các trường tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông cho rằng đây là điều bứt phá của dự án luật, tránh sự lệ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Nếu thông qua Luật Giáo dục Đại học sẽ tạo được bước tiến phát triển rất tốt cho các trường hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, (Lâm Đồng) góp ý: Trong dự thảo luật tại Điều 16quy định về quyền hạn của nhà đầu tư cũng như cách thức thiết kế.Theo đó, chúng ta chấp nhận 2 phương án thiết kế. Thứ nhất, đối với nhà đầu tư, họ có quyền thành lập tổ chức kinh tế sau đó thành lập cơ sở giáo dục đại học. Thứ hai, nhà đầu tư cũng có thể trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục đại học mà không cần thành lập tổ chức kinh tế. Tôi thấy điểm này chưa thực sự bảo đảm tính minh bạch. Nếu nhà đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục đại học mà không thành lập tổ chức kinh tế sẽ dẫn đến việc luật sẽ không minh bạch, có sự lẫn lộn giữa các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục với các quy định của luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Chúng ta phải mở ra thể chế về quản lý hành chính, quản lý kinh tế - tài chính để mỗi trường tự quyết định hướng nghiên cứu, hướng tổ chức giảng dạy sao cho chủ động và lấy sinh viên làm trung tâm trong quá trình phát triển tư duy tự chủ của mình. Vì vậy, vấn đề này bộ máy nhà trường, ban lãnh đạo nhà trường phải đi sâu vào chức năng của mình. Không nên sa vào những quy định được định hướng của ngành giáo dục. Cho nên cơ chế tự chủ tài chính là chuyện bắt buộc phải được thực hiện từ cơ sở.

Tú Viên (tổng hợp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH: Tự chủ tài chính đại học phải kèm với trách nhiệm giải trình