Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Dương Minh Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã có công văn chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về một số vấn đề liên quan đến vấn đề tàu thuyền vật liệu PPC và đang chờ câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Xem xét thay đổi quy chuẩn quốc gia cho tàu thuyền PPC
Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT có văn bản số 5623/BGTVT- KHCN ký ngày 26.5.2017 gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam (Vr). Theo đó, Bộ GTVT nhận được văn bản số 06/VB-JBT ngày 5.5.2017 của Công ty cổ phần công nghệ James Boat về việc thiết kế và chế tạo thử nghiệm hai tàu khách F55 (Favourite 55) và F65 (Favourite 65) bằng vật liệu PPC.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Cục Đăng kiểm tại văn bản số 2689/ĐKVN-TS ngày 24.5.2017, Bộ GTVT chấp thuận cho phép thiết kế, chế tạo, sử dụng thử nghiệm 2 mẫu phương tiện này để làm cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng vật liệu PPC trong đóng phương tiên thủy tại Việt Nam.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam và Tổ công tác về tàu PPC do Bộ GTVT thành lập có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát kỹ thuật cho 2 phương tiện tàu thủy F55 – F65 trên cơ sở phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và theo quy định hiện hành.
Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, tập hợp các số liệu thu thập được về an toàn kỹ thuật để làm căn cứ nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi bổ sung Tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho loại tàu đóng bằng vật liệu PPC.
Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động tổ chức triển khai việc chế tạo, thử nghiệm 2 tàu khách trên theo như đề xuất tại văn bản 2689 ngày 24.5.2017 về việc chế tạo thử nghiệm hai tàu F55 – F65 bằng vật liệu PPC, báo cáo Bộ nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện.
ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Dương Minh Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã có công văn chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về hai nội dung.
Thứ nhất là cơ sở để ban hành Thông tư 43 quy định Quy chuẩn Kỹ thuật QG về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC?
Thứ hai là tại sao Công ty Việt – Séc (KCN Đông Xuyên, Tp.Vũng Tàu) gửi hồ sơ đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đến nay vẫn chưa giải quyết? Đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương giải quyết để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
“Chúng tôi mới chỉ nhận được trả lời của Cục Đăng kiểm mà chưa nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT. Chúng tôi đang chờ câu trả lời của Bộ trưởng”, ông Tuấn nói.
Tại văn bản trả lời đoàn ĐBQH do Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình ký đã thừa nhận kết quả thử nghiệm trong thời gian qua với các tàu đóng bằng vật liệu PPC cho thấy: 11 phương tiện có sức chở từ 12 người trở xuống đến nay đều rất an toàn, các đơn vị sử dụng đều không có phản hồi hoặc thông báo về việc các phương tiện này không đảm bảo an toàn hoặc có khiếm khuyết.
Cục này cũng thừa nhận 2 phương tiện lớn hơn là tàu khách Ferry 42 (sức chở 32 người không kể thuyền viên) và Ferry 56 (sức chở 56 người không kể thuyền viên) là những tàu chở khách bằng PPC lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của đơn vị sử dụng và đơn vị đăng kiểm địa bàn thì cả hai phương tiện đều bị sự cố, đã khắc phục và được cấp hồ sơ đăng kiểm để hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Cục không đưa ra được bằng chứng sự cố này liên quan đến chất lượng vật liệu PPC,đồng thời Cục này cũng “lờ” đi việc nhiều đơn vị lực lượng vũ trang vẫn đang sử dụng tàu thuyền vật liệu PPC do các doanh nghiệp này cung cấp, Đăng kiểm Hải quân cũng đã đăng kiểm cho sản phẩm này.
Theo đơn vị này, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, Cục đã có hướng dẫn cụ thể cho Công ty Việt Séc về việc thực hiện các công việc cần thiết nhằm đảm bảo công tác đăng kiểm cho phương tiện được thực hiện theo đúng quy định. Hiện nay, Cục đã hoàn thành việc xem xét hồ sơ thiết kế kỹ thuật và gửi nhận xét thiết kế cho công ty Việt Séc để hoàn thiện hồ sơ.
Trước đó, Cục Đăng kiểm cũng đã nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc chuẩn bị các nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo Công văn số 5178 ngày 19.5.2017 của Văn phòng Chính phủ liên quan tới đơn thư kêu cứu lên Thủ tướng của đơn vị đóng tàu PPC về việc Thông tư 43 cản trở sự phát triển của họ.
Chuyên gia Cộng hòa Séc lên tiếng
“Việt Nam là nước duy nhất được chúng tôi chuyển giao công nghệ này. Đáng tiếc là trong suốt 5 năm kể từ khi được thành lập, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc thường gặp khó khi làm việc với Đăng kiểm Việt Nam, khiến chúng tôi phải ngừng kinh doanh trong một thời gian dài”, chuyên gia này nêu.
Trong bức thư gửi đi, ông Jindrich Metal nêu rõ, ngày 25.9.2012, Đăng kiểm Việt Nam đã ký kết tại Hà Nội với tổ chức Czech Lloyd một thỏa thuận nhằm giúp cho việc đăng kiểm tàu thuyền PPC. Dù vậy, tàu thuyền đóng tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc đã không được đăng kiểm.
“Là một người nước ngoài đến Việt Nam với lòng nhiệt tình hợp tác đóng tàu thuyền với ông Vũ Văn Đảo, tôi rất buồn khi luôn gặp trở ngại trong công tác đăng kiểm phương tiện của chúng tôi. Ông Vũ Văn Đảo còn bị buộc tội đem công nghệ mới PPC vào Việt Nam. Tôi thực sự không hiểu tại sao họ lại nghĩ như vậy”, chuyên gia này cho biết.
Vị này cũng chia sẻ thêm, tại Cộng hòa Séc, bất cứ khi nào, bất cứ ai muốn đưa ra một sản phẩm mới về tàu thuyền và công trình nổi, người đó bao giờ cũng được các giới chức và các tổ chức phân cấp tàu thuyền trong nước hỗ trợ.
“Tôi đã đến nhiều vùng của Việt Nam và thấy tàu thuyền của Việt Nam có chất lượng kém. Tôi thực sự muốn đóng góp cho ngành đóng tàu của VNvì đó là đam mê của tôi, cũng còn vì tôi có những người bạn quý tại đây”, chuyên gia này chia sẻ.
Ông cũng thắc mắc là không hiểu tại sao những sản phẩm được đóng bởi một công ty tại Việt Nam, có chất lượng tương đương với những sản phẩm được đóng tại Châu Âu và được một tổ chức phân cấp tàu thuyền của châu Âu công nhận là an toàn mà lại bị Đăng kiểm Việt Nam từ chối?
Theo vị này, nếu Việt Nam muốn phát triển ngành đóng tàu trong nước thì khâu đăng kiểm cần có sự thay đổi để tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân được tự do đưa ra những ý tưởng sáng tạo và phát triển những sản phẩm mới.
Hoài Phong