Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày 13.3 vừa qua tại Cần Thơ, nhiều ý kiến cho thấy việc phát triển ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức.

ĐBSCL và câu chuyện 'thuận thiên'

Hồ Hùng | 15/03/2021, 09:09

Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày 13.3 vừa qua tại Cần Thơ, nhiều ý kiến cho thấy việc phát triển ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức.

Có nhiều ý kiến cho rằng: Đừng bắt nông dân ĐBSCL cứ ôm cây lúa. Bao nhiêu năm qua trồng lúa, họ có giàu đâu?. Đúng! Nhưng bỏ lúa thì lấy cây gì để thay thế? Rất khó trả lời. Chúng ta đòi cho nông dân bỏ lúa, nhưng không đưa ra thứ thay thế khả thi một cách cụ thể thì đó là điều không thực tiễn. Nông sản rớt giá hàng loạt phải hô hào "giải cứu". Thực tế, lúa tồn tại và đã trở thành một ngành hàng có qui mô lớn.

dbscl.jpg
Biến đổi khí hậu buộc ĐBSCL phải phát triển 'thuận thiên'- Ảnh: CTV

Đất ở ĐBSCL thích hợp trồng lúa và đó là sản phẩm có thị trường, cả trong nội địa và quốc tế. An toàn lương thực Quốc gia và nhu cầu của ngay chính người dân đòi hỏi phải có cây lúa. Thử so sánh: trái cây khó dự trữ lâu, sản xuất lại chưa có đầu ra xuất khẩu ổn định và cứ rơi vào điệp khúc rớt giá. Trong khi, lúa không “thê thảm” vậy. Và nông dân có thể yên tâm sản xuất, tạo được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động.

Nhưng cái chính là nông dân khó làm giàu bằng cây lúa. Nhưng cũng đừng đòi hỏi Nhà nước có chính sách trợ giá riêng. Trong sản xuất hàng hoá, bất cứ mặt hàng nào cũng phải tính đến sự cạnh tranh và tồn tại. Trồng lúa ở ĐBSCL còn nhiều vấn đề khó khăn, nhưng có thể giải quyết được. Như việc cải tiến năng suất, chất lượng, chúng ta đã làm và có thành công bước đầu. Nếu như trong nhiều năm trước, giá gạo xuất khẩu luôn thấp hơn gạo Thái Lan từ 20- 30 USD/tấn, thì nay với việc nâng cao chất lượng, chúng ta đã thu hẹp chênh lệch và có lúc gạo Việt Nam xuất khẩu còn cao hơn gạo Thái Lan.

Tính chi ly, giá thành sản xuất lúa của ĐBSCL không thấp hơn các nước trong khu vực nếu tính giá nhân công tương đương nhau. Có nhiều nguyên nhân. Như việc chúng ta làm đê bao tháng 8 nhằm sản xuất 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, mở rộng mô hình đê bao chống lũ triệt để ở vùng ngập sâu. Nhưng chính chuyện này, sinh ra 3 mặt bất lợi. Đó là: hạn chế tích phù sa cho đất; cản lũ làm cho lũ càng nghiêm trọng hơn và tràn cả vào các đô thị; phát sinh đầu tư chi phí lớn làm tăng giá thành sản xuất lúa. Như vậy, nếu chúng ta tập trung đầu tư đúng, cải tiến kỹ thuật, nâng năng suất thì giá thành sẽ hạ, nông dân có lãi nhiều hơn. Đó là lý lẽ. Còn trong thực tế, không thể - thậm chí rất khó buộc nông dân cứ “ôm” cây lúa mà họ chỉ theo thị trường.

dbscl-4.jpg
Cống ngăn, đê bao khép kín khiến biến đổi sinh thái, tăng chi phí sản xuất và lũ dồn về đô thị - Ảnh: Hồ Hùng

Những năm qua, từ sản xuất lúa trên diện rộng, chạy theo số lượng, nay nhiều địa phương đã tự điều chỉnh diện tích, mùa vụ theo hướng giảm bớt, nhường chỗ cho một số cây trồng vật nuôi khác vốn hợp sinh thái và có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng nếu giá lúa cao, diện tích lúa lại tự điều chỉnh tăng, thậm chí ở những vùng thiếu nước và bị ảnh hưởng gay gắt bởi biến đổi khí hậu.

Lâu nay, không ngẫu nhiên khi cây lúa được cho là phù hợp nhất? Đó là điều, nhiều nhà khoa học dù thừa nhận nhưng cũng băn khoăn, cho rằng phải xem lại. Lâu nay, chưa hề có nghiên cứu khoa học dài hơi để làm rõ, liệu điều kiện tự nhiên lâu nay- thậm chí chính quan điểm, ưu ái cho cây lúa thực ra có bất công đối với những loại cây khác không? Như cây trái chẳng hạn, biết đâu chúng lại phù hợp hơn cả cây lúa? Những năm qua, nhiều nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ được thực hiện ở ĐBSCL, nhưng không ít vấn đề được hành xử trên thực tế khoa học công nghệ lại đứng ngoài.

dbscl-2.jpg
Sạt lở ngày càng dữ dội, và con người cũng là nguyên nhân - Ảnh: Hồ Hùng

Như chuyện ngọt hoá bán đảo Cà Mau; mở rộng 2 vụ lúa đông xuân, hè thu và tiên quyết đê bao tháng 8 rộng khắp trên vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên; đắp đập Ba Lai… Riêng chuyện đắp đập Ba Lai, lãnh đạo địa phương cho rằng thành công, giúp phân chia ngọt mặn rõ ràng: ngọt hoá 100.000 hec-ta dành trồng lúa và phát triển thêm 5.000 hec-ta nuôi tôm công nghiệp ở vùng mặn… Nhưng sao không chấp nhận tự nhiên mà buộc phải tạo môi trường sinh thái mới cho loại cây mới mà chưa xác định rõ tính lâu dài? Sao không tìm ra loại cây thích hợp sinh thái cũ, lại phải bỏ quá nhiều chi phí đầu tư đắp đập để rồi nông dân phải gánh thêm “nợ” thông qua giá thành sản xuất tăng?

Hướng phát triển lâu dài, có lẽ là giữ và tiếp tục nâng “chất” diện tích lúa ở những vùng đất lâu nay vẫn cho năng suất và chất lượng cao. Những diện tích còn lại, nơi nào phù hợp thì phát triển cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản… Tất cả phải dựa trên cơ sở “thuận thiên”, linh động với biến đổi khí hậu đang ngày một gay gắt, hợp sinh thái, công nghệ cao và tương thích thị trường.

Theo đó, phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, thuỷ, hải sản với công nghệ hiện đại. Và với nguồn nguyên liệu phong phú, thị trường tại chỗ, ĐBSCL cũng nên đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên ưu đãi, ĐBSCL có điều kiện phát triển rất mạnh kinh tế biển. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản sẽ tạo thành thế mạnh của vùng, kéo theo sự phát triển của công nghiệp chế biến, dịch vụ tiêu thụ để thích ứng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

dbscl-3.jpg
Vùng nước mặn, người dân vẫn có thể trồng tràm, nuôi ong thu lãi cao, không nhất thiết phải ngọt hóa để trồng lúa - Ảnh: Hồ Hùng

Nếu làm được những điều này, kinh tế ĐBSCL sẽ không quá nặng về nông nghiệp như hiện nay mà sẽ tăng mạnh về công nghiệp và dịch vụ. Và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng "thuận thiên", bền vững. Sinh kế, đời sống của người dân được từng bước cải thiện. Bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.

Nhưng phải có đơn vị đứng ra chủ trì để tránh tình trạng quy hoạch và quản lý tự phát ở mỗi địa phương. Đây là vấn đề liên kết hợp tác đa chủ thể, nên có lẽ không cần 1 cơ quan chính quyền cụ thể mà chỉ cần quy hoạch tổng thể với 1 cơ quan tư vấn. Sắp tới sẽ có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp.

dbscl-5.jpg
Phát triển 'thuận thiên' khi hạn mặn ngày càng gay gắt là điều bắt buộc và là chủ trương đúng đắn của Chính phủ - Ảnh: CTV

Tất nhiên, các chủ thể - lãnh đạo các tỉnh thành phải ký kết thoả hiệp cam kết và tôn trọng quy hoạch tổng thể khi ban hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ và cơ quan tư vấn dựa vào quy hoạch tổng thể được lập để giúp các tỉnh thành trong việc thực hiện. Quy hoạch này phải phù hợp thời điểm, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm khác, kể cả quốc tế. Đề xuất về 1 đơn vị “cầm chịch” đã có từ lâu. Trước đây có Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhưng vai trò quá mờ nhạt và đã giải thể...

Bài liên quan
Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Triển vọng và thách thức
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỉ USD, song ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL và câu chuyện 'thuận thiên'