Dự án Charm City hiện chỉ đang là bãi đất trống với đầy cỏ tươi, nhưng đã được chủ đầu tư rao bán rầm rộ và dự án được huy động vốn trái phép bằng hình thức “đặt cọc giữ chỗ”.
Huy động vốn trên bãi đất trống
Theo tìm hiểu, dự án căn hộ cao cấp Charm City nằm trong khuôn viên của dự án Charm Plaza với quy mô 5ha, gồm 3 tòa nhà: Charm Sapphire, Charm Ruby, Charm Diamond, toạ lạc tại khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án này do Charm Sapphire, Charm Ruby, Charm Diamond (DCT Group) làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài.
Vừa qua, ngày 21.7 DCT Group đã tổ chức lễ mở bán dự án Charm City. Đồng thời, DCT Group đã bắt tay với các sàn phân phối như Công ty Cổ phần bất động sản Unihomes (Unihomes); THT Land; LEO Land; Nam Hưng Land,... để phân phối ra thị trường hơn 500 căn hộ.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại dự án Charm City vẫn đang là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Tuy nhiên, các sàn giao dịch trên đã tiến hành quảng cáo, rao bán rầm rộ về dự án này. Khi tìm kiếm trên Google cụm từ “Charm City” sẽ thấy hàng loạt thông tin rao bán dự án này.
Không những thế, dự án Charm City còn đang được huy động vốn trái phép bằng hình thức “đặt cọc giữ chỗ” với số tiền 50 triệu đồng/căn.
Cẩn trọng với hình thức “đặt cọc giữ chỗ”
Trao đổi về trường hợp trên, LS.Nguyễn Trung Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua như giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư cần có Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Trong quá trình thực hiện dự án nhà ở chung cư, chủ đầu tư có quyền huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở, thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy định tại điểm đ khoản 1 điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
Để được huy động vốn theo phương thức này, LS. Hiếu cho biết chủ đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 2 điều 9 như sau: “Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại điểm e khoản này”.
Hiện cũng có nhiều dự án dù chưa được khởi công xây dựng nhưng đã mở bán căn hộ dưới hình thức “đặt cọc giữ chỗ....”, đây là một cách dùng từ để lách luật. Bản chất hành động này vẫn là một hình thức huy động vốn, LS. Hiếu khẳng định.
Bởi theo điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Như vậy, một dự án chưa khởi công hay khởi công nhưng chưa hoàn thành và được nghiệm thu phần móng mà mở bán bằng hình thức "nhận cọc giữ chỗ, đăng ký mua bất động sản, biên bản nhận cọc” là một hình thức không đúng với các quy định của pháp luật, LS. Hiếu thông tin thêm.
Trên thực tế đã có khá nhiều dự án "mời" được khách hàng bỏ tiền ra lấy “phiếu ưu tiên giữ chỗ”, “đặt cọc giữ chỗ”... và mấy năm sau đó dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Tất nhiên, các chủ đầu tư đều thừa biết một dự án như thế nào mới được phát sinh giao dịch. Nhưng tại sao họ vẫn tiến hành huy động vốn khi chưa được phép, có lẽ điều này không khó để hiểu ra và trả lời, LS. Hiếu nhận định.
DCT Group mập mờ với địa chỉ ma ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, DCT Group là công ty con của Tập đoàn Charm Engineering Hàn Quốc tại Việt Nam. DCT Group do ông Nguyễn Hữu Nghĩa là người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, căn hộ bán và cho thuê. Đây là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc.
Theo thông tin đăng ký trên website Cục Thuế tỉnh Bình Dương, DCT Group đăng ký tại địa chỉ khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, TX Dĩ An, Bình Dương là một… ngã ba đường. Vào wesite của DCT Group cũng ghi địa chỉ theo kiểu đánh đố và không có số điện thoại để liên lạc (ảnh dưới).
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm tới trụ sở của Tập đoàn Charm Engineering Hàn Quốc tại Việt Nam tại đường D2 (nay được đổi tên là đường Nguyễn Gia Trí), phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM nhưng tại đây cũng chỉ là một tòa nhà văn phòng cho thuê. Bảo vệ tòa nhà cũng không biết công ty Charm Engineering Hàn Quốc có thuê văn phòng ở đây hay không.
Nhiều khách hàng thắc mắc DCT Group và Tập đoàn Charm Engineering Hàn Quốc tại Việt Nam có trụ sở văn phòng ở đâu khi tiến hành giao dịch với khách hàng tại dự án căn hộ cao cấp Charm City?
Linh Hoàng