Đầu năm 2016, trong khi dư âm về những màn trình diễn của Phạm Hương tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Mỹ và màn tự giới thiệu của Lan Khuê với bản đồ nước Việt bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phần thi Hoa hậu Nhân ái tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới ở Trung Quốc vẫn còn nóng trong dư luận trong nước (dù cuối cùng kết quả của cả hai thí sinh không như mong đợi) thì người Việt lại liên tiếp bị sốc và đau buồn về những việc làm đáng xấu hổ của những đồng hương của mình tại Thái Lan và Singapore. 

Đề bài đầu năm: Phẩm giá?

20/01/2016, 16:20

Đầu năm 2016, trong khi dư âm về những màn trình diễn của Phạm Hương tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Mỹ và màn tự giới thiệu của Lan Khuê với bản đồ nước Việt bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phần thi Hoa hậu Nhân ái tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới ở Trung Quốc vẫn còn nóng trong dư luận trong nước (dù cuối cùng kết quả của cả hai thí sinh không như mong đợi) thì người Việt lại liên tiếp bị sốc và đau buồn về những việc làm đáng xấu hổ của những đồng hương của mình tại Thái Lan và Singapore. 

Theo báo Thái Lan The Nation ngày 3.1.2016, 5 nghi phạm người Việt Nam đã bị cảnh sát Chiềng Mai bắt giữ cùng tang vật là tiền mặt, điện thoại di động và túi xách... Băng nhóm này đã trộm khoảng 2.000 baht tiền mặt từ một cửa hàng túi xách tại khu vực quán bar Night Bazaar, Chiềng Mai; 2.000 baht khác từ cửa hàng kinh doanh vỏ chăn gối tại Cổng Tha Phae, Chiềng Mai hôm 31.12.2015.
Nhóm trộm cắp này gồm 4 người đàn ông tuổi từ 18-24 và một phụ nữ 23 tuổi. Trước đó, băng nhóm này từng thực hiện hai vụ phạm tội tương tự cũng tại tỉnh Chiềng Mai. Còn tại Singapore, trang web chính thức của lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) ra thông cáo về một cuộc bắt giữ nhanh chóng hai nghi phạm người Việt tại một khách sạn gần đại lộ Bayfront vào tối ngày 6.1.
Số tiền cảnh sát Singapore thu được khoảng 433.000 đô la Singapore, cùng nhiều đồ xa xỉ, được cho là do nghi phạm mua bằng tiền ăn cắp. Những món hàng này gồm giày, túi xách và thắt lưng, đã được cho báo chí thấy khi công bố vụ án. Hai nghi phạm phải ra tòa ngày 7.1 và bị cáo buộc tội đột nhập và trộm ban đêm.
Trước đó, vào sáng ngày 5.1, chủ cửa hàng ở khu bán sỉ Pasir Panjang trình báo cảnh sát cửa hàng đã bị đột nhập và bị cắt két sắt, lấy đi gần nửa triệu đôla Singapore. Trang Channel News Asia nói hai nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam, đến Singapore vào ngày 1.1. Nếu bị kết án, họ sẽ phải đối mặt với án tù "lên đến 14 năm".
Đây không phải là lần đầu tiên người Việt bị bắt vì tội trộm cắp ở nước ngoài. Trước đó, vào tháng 3.2015, cũng 5 người Việt đã bị bắt vì ăn cắp đồ hiệu ở Chiềng Mai. Năm 2012, 5 người Việt bị bắt vì móc túi tại một show diễn âm nhạc ở Thái Lan. Tại Nhật Bản, tháng 9.2014, 6 người Việt bị bắt vì hơn 100 lần ăn cắp tại cửa hàng quần áo Uniqlo ở Nagoya. Tại Nhật và một số nước khác, tại một số cửa hàng, người ta chụp được những tấm biển cảnh báo người Việt ăn cắp sẽ bị trừng phạt nặng. Thế nhưng, nạn ra nước ngoài trộm cắp của người Việt có vẻ như không giảm mà có chiều hướng tăng. Một thống kê của cơ quan chức năng Nhật Bản cho biết tỉ lệ người Việt trộm cắp ở nước này tăng 40% trong thời gian qua.
Buồn, xấu hổ, nhục nhã vì thói trộm cắp của một số người Việt làm xấu đi hình ảnh quốc gia, làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng hơn là làm gì để chặn đứng chiều hướng gia tăng, đi đến xóa bỏ tệ nạn này. Làm gì để trong mắt người nước khác, người Việt không bị đồng hóa với phường trộm cắp. Làm gì để, trên bình diện quốc gia, nước Việt không mang tiếng là nước xuất khẩu trộm cắp, xuất khẩu tội phạm, sau xuất khẩu cô dâu (dù cô dâu tất nhiên không phải là tội phạm và mỗi cô gái Việt lấy chồng nước ngoài có hoàn cảnh riêng của mình, kể cả kết hôn với người nước ngoài vì tình yêu thực sự).
Liệu có quá sớm để đặt ra câu hỏi này như một đề bài phải giải cho năm 2016 này và những năm tiếp theo? Đó là đề bài mà từ lãnh đạo cho đến người dân Việt bình thường phải góp phần mang lại lời giải. Với lãnh đạo, đó là dẹp bỏ mọi rào cản để làm sao cho kinh tế phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, làm sao để người dân ngày càng có cuộc sống xứng đáng về vật chất và tinh thần. Không chỉ vậy, đó còn là hành động kiên quyết, có hiệu quả nhằm dẹp bỏ nạn tham nhũng trong bộ máy hành chánh, một hình thức trộm cướp của công và là một tấm gương xấu cho mọi loại trộm cắp khác.
Với nền giáo dục, cả trong nhà trường và gia đình, dù muộn cũng đã đến lúc phải nhấn mạnh đến giáo dục phẩm giá cá nhân và phẩm giá dân tộc; đề cao lòng tự trọng cá nhân và lòng tự trọng dân tộc. Phải làm cho mọi người dân Việt biết xấu hổ không chỉ vì nghèo mà còn vì đánh mất phẩm giá và lòng tự trọng cá nhân và dân tộc. Trong cuộc vận động đi tìm lời giải cho đề bài này, không có chỗ cho chủ nghĩa hình thức kiểu như phong trào xây dựng gia đình, khu phố, làng văn hóa, mà quan trọng là hiệu quả. Muốn vậy phải đề cao vai trò và sự tham gia của mọi lực lượng âm thầm nhưng bền bỉ hướng thiện trong xã hội, bao gồm các tôn giáo.
Đoàn Khắc Xuyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề bài đầu năm: Phẩm giá?