Các chuyên gia y tế đã chỉ ra những thói quen ăn uống đơn giản nhưng lại có công dụng bảo vệ dạ dày một cách hoàn hảo.
Ăn chậm, nhai kỹ
Việc ăn chậm, nhai kỹ không chỉ hình thành cho chúng ta thói quen ăn uống lịch sự, mà còn giúp thức ăn được nhào trộn nhiều và thấm enzyme. Thao tác này có tác dụng làm giảm bớt gánh nặng cho dạ dày.
Không chỉ vậy, việc nhai kỹ sẽ làm tăng hàm lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng, giúp bảo vệ hiệu quả niêm mạc dạ dày.
Ăn đúng giờ, đủ lượng
Ăn đủ 3 bữa chính trong ngày, đồng thời duy trì thói quen ăn đúng giờ là thao tác cơ bản nhất trong việc bảo vệ dạ dày.
Tuyệt đối không nên để dạ dày quá đói hoặc quá no, bởi khi đó cơ quan này sẽ tiết ra nhiều acid, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động tiêu hóa.
Ăn ở nhiệt độ vừa phải
Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh đều có hại cho dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung.
Nguyên nhân là do nếu thức ăn sở hữu nhiệt độ bất thường (quá nóng hoặc quá lạnh), những thực phẩm này sẽ gây kích thích mạnh lên niêm mạc dạ dày.
Thường xuyên ăn những đồ ăn như vậy đồng nghĩa với việc niêm mạc phải chịu kích thích liên tục trong một thời gian dài, kéo theo đó là hàng loạt các hệ lụy về những căn bệnh nguy hiểm liên quan tới dạ dày.
Uống nước đúng lúc
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm uống nước tốt nhất là sau khi ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn.
Việc uống nước ngay sau bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, càng dễ gây ra chứng đau bao tử. Tương tự như vậy, uống quá nhiều nước canh trong khi ăn cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tiêu hóa, hấp thu của cơ thể.
Bổ sung vitamin C
Ở một mức độ nhất định, vitamin C có tác dụng bảo vệ dạ dày. Theo đó, việc duy trì hàm lượng vitamin này ở mức bình thường sẽ giúp tăng cường công năng và tăng sức đề kháng của bao tử.
Bởi vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị mọi người nên tăng cường bổ sung rau quả để bảo vệ dạ dày nói riêng và cơ thể nói chung.
Ăn nhiều đồ có vị ngọt nhẹ, tính ôn
Những thực phẩm nổi bật sở hữu tính chất này có thể kể tới khoai từ, gạo, kê, bí ngô… Theo Trung y, những loại thức ăn vị ngọt nhẹ, tính ấm đều có công dụng bổ tỳ, dưỡng vị.
Không chỉ vậy, thưởng thức các loại thực phẩm có vị ngọt, tính ôn còn giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chúng ta phòng tránh được nhiều loại bệnh, trong số đó có những căn bệnh về đường tiêu hóa.
Những thói quen ăn uống không tốt cho dạ dày, cần bỏ ngay
Vừa ăn vừa uống nước: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc vừa ăn vừa uống có ảnh hưởng không tốt tới quá trình tiêu hóa. Uống nước trong khi ăn làm loãng axit clohydric trong dạ dày, làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn trở nên trì trệ và có khả năng dẫn đến chứng khó tiêu.
Ăn tối quá nhiều: Ăn thật nhiều vào bữa tối và ăn đêm sẽ khiến hệ tiêu hóa vốn rất khỏe mạnh của bạn dễ dàng bị suy yếu. Bởi việc ăn tối quá no hoặc ăn đêm trước khi đi ngủ không chỉ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây béo phì mà còn ép đường ruột của bạn làm việc quá tải, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây ăn mòn niêm mạc dạ dày.
Uống nhiều chất kích thích: Nếu uống nhiều rượu không chỉ làm hại gan, khiến da bị mất nước, giết chết tế bào não mà còn gây hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày bị viêm, rữa, loét hoặc xuất huyết. Ngoài ra, uống rượu còn làm chậm quá trình khỏi của bệnh loét dạ dày.
Bỏ bữa: Theo các chuyên gia, bỏ bữa và giấc ngủ bị gián đoạn có thể góp phần làm tăng axit dạ dày, dẫn đến việc làm trầm trọng thêm các triệu trứng của loét dạ dày. Bên cạnh đó, sau khi bỏ bữa, dạ dày của bạn trống rỗng khiến bạn cảm thấy đói cồn cào. Để giải quyết cơn đói, bạn thường ăn nhanh và nhiều dẫn đến tình trạng đầy bụng, ợ hơi.
H. Anh (t/h)