Chiều 21.4, Bộ GD-ĐT thông báo sẽ vẫn tổ chức kỳ thi THPT năm 2020 nhưng chỉ để xét tốt nghiệp, còn xét tuyển vào đại học thì để cho các trường đại học tự chủ. Quyết định này ngay lập tức tạo nên dư luận bức xúc, nhất là trong giáo viên và học sinh.

Để các trường đại học tự chủ xét tuyển có quá gấp không?

23/04/2020, 13:18

Chiều 21.4, Bộ GD-ĐT thông báo sẽ vẫn tổ chức kỳ thi THPT năm 2020 nhưng chỉ để xét tốt nghiệp, còn xét tuyển vào đại học thì để cho các trường đại học tự chủ. Quyết định này ngay lập tức tạo nên dư luận bức xúc, nhất là trong giáo viên và học sinh.

Coi kết quả thi - Ảnh: Internet

Sự bức xúc xuất phát từ nhiều lẽ. Thứ nhất, sự thay đổi quá đột ngột, cả giáo viên, học sinh và các trường đại học không thể nào trở tay kịp trước quyết định bất thường này. Sự thay đổi nếu có – đặc biệt là với một kỳ thi mang tầm quốc gia – thì nên thông báo trước từ đầu năm học. Giai đoạn nhạy cảm vì dịch bệnh này càng phải giữ ổn định, không nên thay đổi. Nếu thay đổi cũng cần tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh và giáo viên trước khi đưa ra quyết định. Thứ hai, sự thay đổi chẳng những không khiến việc thi cử trở nên nhẹ nhàng, tránh áp lực mà càng làm nặng thêm gánh lo, tạo không ít hoang mang cho phụ huynh và học sinh.

Từ chỗ học sinh chỉ phải thi một kỳ thi tại địa phương, nay đa số các em sẽ phải tham gia 2 kỳ thi: một kỳ thi ở tỉnh để xét tốt nghiệp, một kỳ thi nữa do các trường đại học tổ chức để vào đại học. Ai cũng biết, với một đề thi mà mục đích của nó được nói rõ là để xét tốt nghiệp thì các trường đại học khó có thể sử dụng để xét mà bắt buộc phải tổ chức thi riêng. Từ chỗ giảm căng thẳng, tránh tụ tập trong những ngày dịch bệnh, các thành phố lớn sẽ phải đón một lượng lớn thi sinh cả nước về dự thi.

Từ quan điểm cá nhân một nhà giáo trực tiếp giảng dạy ở cấp trung học phổ thông, tôi cho rằng việc giữ kỳ thi tốt nghiệp, bỏ mục đích xét vào đại học là không hợp lý với tình hình thực tế. Cái nên bỏ và nên giữ phải ngược lại so với quyết định của Bộ.

Cụ thể cái nên bỏ là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi lẽ với một kỳ thi vừa tốn kém tiền của, vừa mất thời gian, vừa nặng nề mà kết quả năm nào hầu như cũng đỗ trên 90% thì cần phải xem lại tính hiệu quả của nó. Việc học sinh đã hoàn thành xong chương trình THPT, kết quả học tập thể hiện trong học bạ đảm bảo thì hoàn toàn có thể xét tốt nghiệp được. Bộ GD-ĐT nên trình Quốc hội xem xét quyết định việc này là hợp lý.

Cái nên giữ là một kỳ thi chung với mục đích xét tuyển vào đại học. Bộ GD-ĐT chủ trì việc ra đề, đảm bảo tính phân hóa tốt để chọn được học sinh vào đại học. Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu không có một kỳ thi chung làm cơ sở thì việc xét tuyển vào đại học sẽ trở nên hỗn loạn. Nếu các trường đại học xét bằng học bạ thì với tình trạng nâng điểm vô tội vạ ở phổ thông như hiện nay sẽ không đảm bảo sự công bằng. Nếu các trường đại học tự ra đề, tự tổ chức thi, tự tuyển sẽ khó tránh tình trạng trường nào cũng tổ chức luyện thi theo đề trường đó như trước đây. Hơn nữa, trường đại học hiện nay mọc lên nhiều như nấm sau mưa, lại đang khao khát có sinh viên để dạy, nếu không có mức điểm sàn chung, các trường sẽ thi nhau vét cho bằng hết. Chất lượng giáo dục đại học liệu có đảm bảo?

Cho nên, cái nào cần giữ, cái nào cần bỏ trong hoàn cảnh phức tạp do dịch bệnh này đòi hỏi phải có sự tỉnh táo, sáng suốt, cân nhắc kỹ càng chứ không thể hấp tấp như vậy được.

Hồ Tấn Nguyên Minh

(Giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
31 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để các trường đại học tự chủ xét tuyển có quá gấp không?