“Nếu công nghệ không theo kịp con người thì công việc không hiệu quả, còn con người không theo kịp công nghệ thì chi phí rất cao”, TS Đỗ Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click nói.

Để chuyển đổi số thành công, công nghệ phải tương thích với nhân sự

Hoài Lam | 11/05/2023, 17:40

“Nếu công nghệ không theo kịp con người thì công việc không hiệu quả, còn con người không theo kịp công nghệ thì chi phí rất cao”, TS Đỗ Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click nói.

Ngày 11.5, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công ty cổ phần MISA phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội… tổ chức Tọa đàm “Công nghệ tiên phong - vận hành tối ưu”.

Tại tọa đàm, ông An Ngọc Thao, Phó tổng thư ký VINASA chia sẻ, cụm từ “chuyển đổi số” đã được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Từ năm 2022, VINASA cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

mi-sa-2.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

“Thống kê cho thấy, có tới hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn sử dụng ngay nền tảng công nghệ vận hành doanh nghiệp cụ thể”, ông Thao nói và cho rằng khi có nhiều điển hình doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ hình thành mô hình chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, đó là động lực mới để phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thì cần có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trong chuyển đổi số, và con số mong muốn sử dụng nền tảng công nghệ trong vận hành doanh nghiệp không phải là 40% mà là gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Có chung nhận định, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng hiện cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do lợi nhuận suy giảm, các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và lạm phát.

Trong khi đó, nội tại doanh nghiệp Việt Nam khâu quản trị doanh nghiệp còn rất yếu, các phương án kinh doanh thiếu khả thi, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn còn “tư duy một chiều” và chưa đặt khách hàng làm trung tâm, chưa tận dụng tối đa sự sáng tạo và sự cống hiến của nhân sự trong doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các công nghệ chuyển đổi số giúp thay đổi hoạt động. Tuy nhiên, nếu sử dụng một sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó thành công, bởi khi áp dụng vào doanh nghiệp trong nước sẽ có sự khác biệt về văn hóa, dẫn đến khó thực thi. Do đó, doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ nền tảng của những doanh nghiệp trong nước với mức chi phí phù hợp, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả”, ông Quốc Anh nêu.

Cho rằng việc chuyển đổi số của doanh nghiệp là quan trọng, nhưng TS Đỗ Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click cũng khẳng định quá trình này không hề dễ dàng.

mi-sa-5.jpg
TS Đỗ Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click

Theo ông Long, kết quả nghiên cứu của Ban Chuyển đổi số Quốc gia cho thấy có tới 48% doanh nghiệp Việt Nam mua phần mềm xong 2 năm sau thì… vứt đi, lý do liên quan vận hành hệ thống. Nếu công nghệ không tương thích với vận hành hệ thống thì chi phí tăng cao, dẫn đến việc chuyển đổi số không hiệu quả.

“Tôi từng đến một doanh nghiệp ngành than. Các doanh nghiệp cho biết họ được trang bị những công nghệ hiện đại nhất thế giới nhưng họ đắp chiếu, không dùng được. Bởi vì mỗi lần vận hành thì sau vài tháng lại phát sinh lỗi, mà mỗi lần mắc lỗi thì doanh nghiệp phải mời chuyên gia từ Tây Ban Nha, Ý sang để khắc phục, mất rất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi những công nghệ cũ hơn thì lại sử dụng hiệu quả”, ông Long chia sẻ.

Theo đó, ông Long tái khẳng định giữa công nghệ và sự vận hành có mối liên hệ với nhau. “Nếu công nghệ không theo kịp con người thì công việc không hiệu quả, còn con người không theo kịp công nghệ thì chi phí rất cao. Do vậy, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp nên lựa chọn những công nghệ tương thích với trình độ nhân sự. Bởi bản chất của chuyển đổi số thực ra sự chuyển đổi về văn hóa doanh nghiệp, tái cơ cấu từ nhân viên đến hệ thống doanh nghiệp để thích ứng về công nghệ”.

Chuyên gia Đỗ Tiến Long cũng cho hay, chúng ta bàn luận rất nhiều về công nghệ nhưng sự “trưởng thành số” của Việt Nam khá thấp, tức là sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong sử dụng công nghệ thì không cao. Một số nghiên cứu cho thấy kỹ năng số của lao động Việt Nam đứng thứ 97/100 quốc gia, rất thấp.

Do đó, theo ông Long, muốn chuyển đổi số hiệu quả thì toàn bộ con người trong tổ chức phải thích ứng được với công nghệ.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA cho hay, trong giai đoạn nền kinh tế ngày càng khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải thắt chặt chi tiêu, tối ưu chi phí và gia tăng năng suất đội ngũ.

mi-sa-6.jpg
Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty MISA

“Làm sao để với đội ngũ nhân sự hiện có nhưng có thể làm được nhiều việc hơn, tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, tăng năng suất lao động đang là bài toán mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trăn trở. Đây cũng chính là lý do chúng tôi luôn có những hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp”, bà Thúy nhấn mạnh và cho hay, kết quả triển khai bộ giải pháp MISA AMIS Văn phòng số cho các doanh nghiệp cho thấy, bộ giải pháp này đã giúp công tác vận hành của doanh nghiệp tiết kiệm 25% chi phí, tăng 47% hiệu suất và 32% lợi nhuận.

Bài liên quan
Vai trò của công nghệ trong phòng chống cháy rừng tại Los Angeles
Nhờ một loạt công nghệ, cháy rừng được dự báo và phát hiện kịp thời, qua đó giảm thiểu thiệt hại mà thảm họa này gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để chuyển đổi số thành công, công nghệ phải tương thích với nhân sự