Hệ thống y tế của TP.HCM đã quá tải, đó là thực tế. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tải cho cấp thành phố trong phòng chống dịch. Ngay trong lúc này, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp thiết.

Để giảm tải cho cấp thành phố trong phòng, chống dịch COVID-19

Vũ Trung Kiên (TP Thủ Đức) | 05/08/2021, 11:22

Hệ thống y tế của TP.HCM đã quá tải, đó là thực tế. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tải cho cấp thành phố trong phòng chống dịch. Ngay trong lúc này, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp thiết.

Đảm bảo chăm lo tối thiểu cho người dân

Cần có sự chỉ đạo thống nhất, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là mọi yêu cầu của người dân về trợ giúp trong dịch bệnh được tiếp nhận, lắng nghe và nhanh chóng giải quyết. Mọi thông tin kêu gọi trợ giúp, cấp cứu của người dân đều nhanh chóng được tiếp nhận và giải quyết. Người dân được tiếp cận và hướng dẫn, tư vấn tấm lý, cách phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà. Hỗ trợ người dân trong việc giao nhận hàng hóa, mua thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm; trợ giúp lương thực, thực phẩm đối với các trường hợp quá khó khăn.

Để làm tốt điều ấy, ở mỗi đơn vị cấp phường phải đảm thành lập được ít nhất các tổ: Tổ tiếp nhận thông tin về dịch bệnh; Tổ phản ứng nhanh cấp cứu; Tổ tư vấn tâm lý, phòng chống dịch COVID-19 tại nhà và Tổ trợ giúp vận chuyển, cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Tổ tiếp nhận thông tin về dịch bệnh

Mỗi phường thiết lập từ 2 đến 3 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và có người trực 24/7 có thể đáp ứng người dân bất kì lúc nào. Tổ tiếp nhận thông tin bao gồm ít nhất 06 người gồm 01 tổ trưởng và 05 tổ viên, tổ làm việc và trực theo ca, mỗi ca 8 tiếng và thay phiên nhau. Các nhân sự trong tổ là những người am hiểu địa bàn. Trước khi đi vào hoạt động, các thành viên của tổ được tham dự tập huấn ngắn gọn. Thành phần của tổ là cán bộ, các đoàn thể phường, quận, đoàn viên, hội viên là những người tình nguyện trên địa bàn (các đoàn thể cấp quận và cấp phường chịu trách nhiệm huy động tình nguyện viên).

Tổ có nhiệm vụ tiếp nhận và cung cấp thông tin về danh sách các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã chuyển sang điều trị bệnh nhân COVID-19. Danh sách bệnh viện trên địa bàn Thành phố nhận cấp cứu các bệnh khác. Hướng dẫn thân nhân người bệnh để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất, thuận tiện nhất. Danh sách các nhà thuốc trên địa bàn để người dân có nhu cầu mua thuốc, các vật dụng y tế cần thiết. Số điện thoại của các bệnh viện nhận cấp cứu, số điện thoại của xe cấp cứu...

Tổ phản ứng nhanh cấp cứu

Mỗi phường thiết lập từ 2 đến 3 đường dây này để tiếp nhận thông tin và có người trực 24/7 có thể đáp ứng người dân bất kì lúc nào. Mỗi trạm y tế phường được trang bị ít nhất 2 xe 7 chỗ (tháo băng ghế sau), hoặc xe bán tải & các trang bị bảo hộ cho tài xế để làm phương tiện chở người đi cấp cứu, trang bị bộ test nhanh. Mỗi xe cấp cứu này đảm bảo có 2 tình nguyện viên để thay phiên nhau và trợ giúp bệnh nhân trong quá trình chuyển cấp cứu.

Trước khi đi vào hoạt động, các thành viên “Tổ phản ứng nhanh cấp cứu” được tập huấn ngắn gọn về sơ cấp cứu, về test nhanh phát hiện COVID-19. Thành phần của tổ, đối với xe và lái xe (nếu cấp phường không thể huy động được thì cấp quận cần điều tiết). Có thể huy động hoặc thuê xe taxi, xe bán tải và tài xế để thực hiện nhiệm vụ này.

Cần kêu gọi các tình nguyện viên là sinh viên, học viên y khoa, bác sĩ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Những người có kinh nghiệm và đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 trước đó ít nhất 2 tuần. Lãnh đạo cấp quận, các đoàn thể cấp quận có thể chịu trách nhiệm về những tình nguyên viên này và phân bổ cho các phường.

Tổ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và thông báo cho “Tổ phản ứng nhanh cấp cứu” để kịp thời ứng cứu. Sau khi thông báo cho “Tổ phản ứng nhanh”, khi “Tổ phản ứng nhanh” lên đường làm nhiệm vụ cấp cứu, tổ tiếp nhận thông tin này kịp thời cung cấp số điện thoại của xe cấp cứu cho người nhà bệnh nhân để thuận tiện trong việc liên lạc và chuyển viện.

Tổ tư vấn tâm lý, phòng chống dịch COVID-19 tại nhà

Trong bối cảnh ngành y tế Thành phố quá tải và cách ly dài ngày để chống dịch như hiện nay, nhất là việc cách ly F0 tại nhà, rất cần có đội ngũ tư vấn kịp thời để ổn định tâm lý cho bệnh nhân và hướng dẫn bệnh nhân cũng như thân nahan người bệnh tự chăm sóc, nâng cao thể trạng, giữ vững tinh thần để vượt qua dịch bệnh.

Mỗi phường thành lập ít nhất 1 “Tổ tư vấn tâm lý, phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà” và phấn đấu có ít nhất 03 thành viên trở lên, số lượng thành viên tham gia tổ càng nhiều càng tốt. Thành phần là các bác sỹ, nhân viên y tế có kinh nghiệm nghỉ hưu trên địa bàn. “Tổ tư vấn tâm lý, phòng chống dịch COVID-19 tại nhà” làm nhiệm vụ thông qua mạng xã hội, điện thoại… Các thành viên tổ làm việc tại nhà.

Nhiệm vụ của tổ sẽ là tư vấn tâm lý về dịch bệnh cho người dân có nhu cầu gọi điện tới. Thông tin, hướng dẫn để người bệnh và thân nhân người bệnh có hiểu biết về phòng, chống dịch để có các hiểu biết chăm sóc bệnh cho bản thân và cho thân nhân. Hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân những lúc bệnh trở nặng hoặc sốt cao (cần làm gì, sử dụng liều lượng thuốc hạ sốt, an thần ra sao?...). Hướng dẫn người dân tự test nhanh để phát hiện người nhiễm COVID-19. Có thể hướng dẫn bằng cách thực hiện các video và gửi cho người cần trợ giúp.

Tổ trợ giúp vận chuyển, cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm

Trong bối cảnh cách ly dài ngày để chống dịch như hiện nay, việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân để an tâm ở nhà chống dịch là rất quan trọng và bức thiết.

Cần thành lập tổ này ở mỗi phường, số lượng thành viên của tổ càng nhiều càng tốt. Thành phần bao gồm lực lượng dân phòng của phường, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, những tình nguyện viên là những người đã nhiễm COVID-19 được chữa khỏi và hết thời gian cách ly sau khỏi bệnh theo quy định của ngành y tế; những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin ít nhất sau 2 tuần, lực lượng shipper trên địa bàn (phường quản lý nhưng lực lượng này vẫn thực hiện nhiệm vụ làm dịch vụ có thu phí).

Tổ có nhiệm vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa vào khu vực cách ly, phong tỏa. Tiếp nhận hàng hóa của thân nhân người dân ở các nơi gửi cho người thân trong khu cách ly, phong tỏa. Mua hộ hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men…cho người dân ở khu cách ly, phong tỏa. Vận chuyển thức ăn tới cửa các khu cách ly, khu phong tỏa, hoặc tới cửa nhà người dân ở khu cách ly, khu phong tỏa. Bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố có trách nhiệm nắm chắc địa bàn, từng người dân hiện đang cư trú trên địa bàn, không phân biệt thường trú, tạm trú hay mắc kẹt do dịch bệnh để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc các nhóm thiện nguyện kịp thời giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho những người không còn khả năng lo liệu.

hcdc.jpg
Nhân viên y tế đang tiêm vắc xin cho người dân thành phố trong đợt 4 - Ảnh: HCDC

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để thực hiện tốt các nội dung này, bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện của Thành phố phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối nhân lực, vật lực của các phường thuộc phạm vi quản lý. Điều tiết nhân sự, nguồn lực giữa các phường; điều tiết để nhân lực, vật lực ở các phường ít người nhiễm, ít bệnh nhân, ít phức tạp sang phục vụ tại phường nhiều người nhiễm, phức tạp về dịch bệnh. Cấp giấy xác nhận cho lực lượng tình nguyện tham gia để lực lượng này đủ điều kiện đi lại các địa điểm trên địa bàn Thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trợ giúp nhanh chóng, hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp quận chịu trách nhiệm huy động các tình nguyện viên, huy động nguồn lực và điều tiết nhân lực, nguồn lực phù hợp đến các phường. Trong khả năng, hỗ trợ kịp thời kinh phí, trang thiết bị để các phường thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bí thư, chủ tịch UBND cấp phường chịu trách nhiệm thực hiện thành lập các tổ nêu trên và lãnh đạo, chỉ đạo để các tổ nêu trên thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu uả. Các đơn vị, lực lượng thuộc phường huy động tất cả các lực lượng hiện có tham gia và huy động sự tham gia, trợ giúp tình nguyện từ cộng đồng. Đặc biệt bí thư các chi bộ, trưởng khu phố, ấp phải trực tiếp nắm địa bàn và thường xuyên nắm chắc thông tin, báo cáo về cấp phường để kịp thời giải quyết. Cung cấp số điện thoại của các tổ nêu trên cho tất cả các hộ gia đình trên địa bàn. Trong phạm vi, quyền hạn huy động sự tham gia, trợ giúp tình nguyện từ cộng đồng.

Với khả năng hiện có của cấp cơ sở ở thành phố hiện nay, chúng tôi không hi vọng tất cả các đơn vị cấp phường đều có thể thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên. Thế nhưng, sức lực đến đâu, nguồn lực đến đâu chúng ta cùng bắt tay thực hiện. Làm được điều này sẽ là cách hiệu quả để chúng ta giảm áp lực cho cấp Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

 

Bài liên quan
AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây đông máu
Trang Pharmaceutical Technology đưa tin hãng sản xuất AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 có thể gây đông máu, dù trường hợp gặp phản ứng phụ này rất hiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để giảm tải cho cấp thành phố trong phòng, chống dịch COVID-19