Theo đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phó bí thư Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, lỗ hổng thông tin bị kẻ lừa đảo khai thác bằng nhiều cách. Trong đó, 80% do chính cá nhân đó tự lộ thông tin.

Lời khuyên cho phụ huynh về chiêu trò lừa đảo chuyển tiền cấp cứu

Tú Viên | 17/03/2023, 13:00

Theo đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phó bí thư Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, lỗ hổng thông tin bị kẻ lừa đảo khai thác bằng nhiều cách. Trong đó, 80% do chính cá nhân đó tự lộ thông tin.

Ngày 17.3, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), báo Tiền Phong tổ chức cuộc tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”. Tọa đàm nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con theo học tại nhiều trường, nhất là các trường quốc tế, trên địa bàn TP.HCM liên tục nhận được cuộc gọi lừa đảo từ người lạ thông báo "con đang cấp cứu", yêu cầu phụ huynh chuyển số tiền lớn. Trong đó, có phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo số tiền lên tới 200 triệu đồng.

z4188975005855_d82fdbf21f3146ee572ccdbb9608d9a3.jpg
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ tại chương trình - Ảnh: Tú Viên

Không dừng lại ở đó, chiêu thức lừa đảo tinh vi này đã lan rộng ra Hà Nội và các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Long An... Cơ quan công an cho biết, trong các vụ gọi điện thông báo người thân bị tai nạn để lừa đảo, kẻ lừa đảo thường giả mạo giáo viên, nhân viên trường học; bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện, hoặc cán bộ cơ quan chức năng để báo cho phụ huynh. Khi gọi, chúng thông báo học sinh (người thân) bị tai nạn đang trong tình trạng nguy kịch, cần phẫu thuật gấp. Sau đó, chúng lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân rồi cung cấp tài khoản mạo danh, yêu cầu gia đình chuyển khoản tạm ứng viện phí.

Chia sẻ tại tọa đàm, đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phó bí thư Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số, kẻ lừa đảo tìm nhiều cách, như dùng những lời nói, hình ảnh… Dạng tội phạm này trước dịch bệnh COVID-19 đã có nhưng ít, sau dịch bệnh càng gia tăng nhanh.

“Mỗi ngày Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận từ 20 - 30 đơn tố cáo, phản ánh... Vụ việc nóng nhất gần đây là chúng điện thoại cho phụ huynh thông tin con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền. Chúng đưa ra thông tin không đúng sự thật, lấy danh học sinh, người thân; mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ. Tất cả sự lừa đảo đều có sự chuẩn bị kỹ từ trước”, đại úy Thịnh cho biết.

336167121-919377339213126-5799235978456974660-n-3530.jpeg
Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) chia sẻ tại chương trình

Cũng theo đại úy Thịnh, lỗ hổng thông tin bị kẻ lừa đảo khai thác bằng nhiều cách. Trong đó, có 20% do các doanh nghiệp tự lộ thông tin; 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin.

Em Huỳnh Tâm Như, học sinh lớp 11A13, Trường THPT Nguyễn Du cho rằng bên cạnh những mặt tích cực từ internet thì mặt tiêu cực cũng tràn lan, điển hình nhất là vụ lừa đảo phụ huynh có con bị tai nạn cần phải chuyển tiền cấp cứu gấp. “Em nghĩ rằng những thông tin từ các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học, công an cũng như an ninh mạng đã chia sẻ rất hữu ích để học sinh chúng em hạn chế lạm dụng internet và mạng xã hội, cũng như biết chọn lọc những chương trình để xem”, Tâm Như nói.

Em Hoàng Quốc Khang lớp 11A7 cũng tỏ ra cảm kích khi được nghe những lời khuyên hữu ích từ các nhà chuyên môn, em đã biết cách bảo mật thông tin cá nhân cũng như cần tìm hiểu kỹ về những thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo trên không gian mạng, từ đó có thể bảo vệ được bản thân và gia đình.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du khẳng định trường rất quan tâm đến thông tin về tệ nạn lừa đảo. “Ngay từ ngày đầu trường đã có thư khẩn trước khi có chỉ đạo từ cấp trên để cảnh báo cho phụ huynh và học sinh tránh nguy cơ bị lừa. Tôi đã cảnh báo cho phụ huynh thấy tại sao lại có những cú lừa ngoạn mục và chỉ ra chúng thường tấn công vào nhóm phụ nữ thường rất dễ mất bình tĩnh. Bên cạnh đó là tâm lý tình mẫu tử, đặc biệt là nhóm gia đình có kinh tế khá, nhóm học sinh trường tư thục”, thầy Thanh Phú nói.

Cũng theo thầy Phú, thực trạng của xã hội hiện nay ở các bệnh viện đang thiếu thuốc, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân nên khi nghe nói cần tiền mua thuốc phụ huynh sẽ rất lo lắng. Thầy Thanh Phú cho rằng, khi nhận cuộc điện thoại lừa đảo cần chủ động kết nối video call để xem người gọi có quen hay không, từ đó nhận diện được mức độ chính xác của thông tin ban đầu. Trên thực tế, tình trạng thiếu thông tin là vấn đề chung các phụ huynh đang gặp phải.

“Các trường cũng thiếu sự liên kết với phụ huynh. Khi học sinh hay bất kỳ công dân nào gặp nạn, không bệnh viện nào bỏ bệnh nhân mà không cứu vì thiếu tiền. Ở bệnh viện có bác sĩ, ở ngoài đường có công an, tất cả đều có hỗ trợ để giúp bảo vệ sức khỏe mọi người. Phụ huynh không nắm thông tin, không đọc thông tin là kẽ hở cho những kẻ lừa đảo”, thầy Thanh Phú nhấn mạnh.

z4188975019735_257351f7b1d19fb07af681914e0deb00.jpg
Cảnh tọa đàm - Ảnh: Tú Viên

Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho biết việc bảo mật thông tin rất được nhà trường coi trọng. Trường chỉ giao một nhân viên được phép nhập hoặc lấy thông tin và quán triệt mức độ quan trọng của các thông tin cá nhân này. "Việc lộ lọt thông tin là do chúng ta sơ suất, nếu đề cao cảnh giác, làm tốt khâu bảo mật thì hoàn toàn có thể phòng ngừa. Do đó, phụ huynh cần tỉnh táo, cảnh giác trước những sự việc nghi ngờ" - thầy Độ chia sẻ.

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho phụ huynh, rằng cần hiểu biết, liên tục cập nhật thông tin trên báo đài, tránh nao núng tâm lý khi có người lạ gọi điện báo tin nguy nan. Cần giữ mối liên hệ với giáo viên và nhà trường, bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế chia sẻ đời sống riêng tư trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok…

Bài liên quan
Bắt giám đốc cùng 2 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng ở Phú Quốc
Chiều 19.4, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phối hợp với VKSND TP.Phú Quốc đã tống quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối Lê Minh Điệp (SN 1991, ngụ xã Cửa Cạn, TP.Phú Quốc, Kiên Giang), là Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và phát triển LHĐ tại Phú Quốc về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lời khuyên cho phụ huynh về chiêu trò lừa đảo chuyển tiền cấp cứu