Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các Bộ ngành địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...

Đề xuất thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp DN đối phó dịch

25/02/2020, 11:26

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các Bộ ngành địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ảnh: Internet

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, biện pháp cấp bách trong ngắn hạn để đối phó với dịch cúm Covid-19 là hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch; đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo đó, ông Lộc đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp đối phó với dịch cúm Covid-19.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các Bộ ngành địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...

Ông Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị một số biện pháp như tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng, cố gắng đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây là nền tảng và định hướng quan trọng nhất cho nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành.

Tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Rà xét giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho các dự án. Tiếp tục cải tiến thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Giải quyết linh hoạt các thủ tục sau thông quan để hỗ trợ doanh nghiệp hoán đổi mã vật tư nguyên liệu để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch cúm như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép… Tập trung ưu tiên các ngành và lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có tiềm năng.

Giãn, hoãn và trình ra Quốc hội kỳ họp giữa năm đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của doanh nghiệp ở những ngành lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng.

Giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch cúm.

Tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do nhà nước quản lý. Chưa thu phí C/O từ hoạt động xuất nhập khẩu. Mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa... để khuyến khích luồng khách du lịch phục hồi.

Giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cơ quan BHXH nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.

Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư trong thời gian tới và cố gắng giảm giá, cước phí cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, CPTPP,…

Hiệu ứng của dịch cúm Covid-19 không chỉ đặt ra cho chúng ta yêu cầu tái cấu trúc về thị trường, mà việc tiết giảm hội họp, giảm lễ hội, giảm đi lại, giảm các hoạt động phô trương, giảm chi phí trong thời gian dịch bệnh đã chỉ cho chúng ta những dư địa và gợi ý về những mô hình và cách thức tổ chức lại cuộc sống và công tác.

Theo đó, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả các hoạt động của xã hội, của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các gia đình. Thực tiễn cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm khác đi để giảm chi phí nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn và thiết thực hơn.

Tiếp tục phát động một đợt sóng cải cách mới trong thể chế kinh tế mang tên “Chương trình nghị sự 25-20” cho năm 2020 với nội dung trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.

Theo ông Lộc, việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững để không “ăn xổi ở thì” chắc chắn sẽ khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế.

“Đây vừa là biện pháp cấp bách trước mắt vừa là biện pháp cơ bản, lâu dài. “Cái khó ló cái khôn”. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta càng thấm thía chân lý: Cải cách thể chế vẫn là niềm tin, là dư địa, là nguồn năng lượng vô tận của sự nghiệp tăng trưởng và phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp DN đối phó dịch