Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn thì họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý 1 vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới.

TS Vũ Tiến Lộc: Nhiều DN dệt may, điện tử… có thể khó cầm cự đến hết quý 1

25/02/2020, 11:13

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn thì họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý 1 vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới.

DN dệt may, giày da, điện tử... gặp khó vì dịch bênh - Ảnh minh họa

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.

Những tác động từ dịch cúm có thể kể đến như tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên…

“Nguyên nhân của căn bệnh kinh tế này mang tên “phụ thuộc” - tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lộc nói.

Theo người đứng đầu VCCI, trong thế giới này, chẳng có doanh nghiệp nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z. Nhưng riêng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch suất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được.

“Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của COVID-19 chỉ là một ví dụ”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ, các doanh nghiệp đang cố gắng xoay sở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực, nhưng rất khó tìm được chủng loại phù hợp. Một số doanh nghiệp ở Trung Quốc đã rục rịch mở cửa lại, nhưng do thiếu lao động nên sản lượng chỉ đáp ứng chưa đầy một nửa so với trước, các doanh nghiệp ở Hàn quốc thì đang phải đối phó với tình trạng bệnh dịch lây lan, có nguy cơ phải đóng cửa từng phần .

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn thì họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý 1 vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới.

“Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên, các doanh nghiệp khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ”, ông Lộc nêu.

Theo đó, giải pháp về dài hạn là phải rất coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. Với 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu bùng nổ, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia.

“Những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường thế giới ngày càng trở nên bất định , khó lường và không ai có thể bảo đảm rằng trong tương lai không chỉ Mỹ, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc… khi gặp khó khăn sẽ không tìm cách quay trở lại bảo vệ thị trường nội địa của chính mình”, ông Lộc nói.

Theo đó, các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” cần có thêm những xung lực mới... Cùng với đó là phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường.

Cũng theo ông Lộc, cần những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ để Việt nam có thể trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Phải tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, lựa chọn thế hệ các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước…

Ngoài ra, phải xây dựng được một nền hành chính minh bạch, một môi trường kinh doanh thân thiện và cạnh tranh công bằng. Chỉ có nền tảng thể chế như vậy mới là bệ đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

“Những điều này, chúng ta đã nói mãi, nói nhiều, nhưng kết quả thực hiện còn khiêm tốn. Cần có nhiều nỗ lực đột phá hơn trong hành động. Mục tiêu trở thành 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phải trở thành mệnh lệnh, là thước đo thành quả (KPI) của những nỗ lực cải cách trong những năm tới”, ông Lộc nhấn mạnh.

Biện pháp cấp bách trong ngắn hạn là: hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh , giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch, đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Vũ Tiến Lộc: Nhiều DN dệt may, điện tử… có thể khó cầm cự đến hết quý 1