Vào năm 1951, lúc đó GS Ưng Quả đột ngột qua đời, bà Ngọc Trâm trở thành góa phụ ở tuổi còn xuân một nách hai con vào Sài Gòn sinh sống. Bà giỏi tiếng Pháp, nói tiếng Pháp chuẩn như Tây nên nhanh chóng tìm được việc làm tại Đài phát thanh Pháp Á (France – Asie), vừa đảm nhận vai trò xướng ngôn viên, vừa làm biên tập viên tin tức bằng tiếng Pháp.

Đêm tàn Bến Ngự- Kỳ 2: Bản tình ca nối nhịp cầu duyên

Một Thế Giới | 23/02/2015, 08:00

Vào năm 1951, lúc đó GS Ưng Quả đột ngột qua đời, bà Ngọc Trâm trở thành góa phụ ở tuổi còn xuân một nách hai con vào Sài Gòn sinh sống. Bà giỏi tiếng Pháp, nói tiếng Pháp chuẩn như Tây nên nhanh chóng tìm được việc làm tại Đài phát thanh Pháp Á (France – Asie), vừa đảm nhận vai trò xướng ngôn viên, vừa làm biên tập viên tin tức bằng tiếng Pháp.

Cho đến lúc này góa phụ “nửa chừng xuân” Ngọc Trâm chưa hề nghĩ mình sẽ làm ca sĩ, nhưng một dịp tình cờ chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Đức Quỳnh phát sóng trên Đài phát thanh Pháp Á ca sĩ chính vắng mặt bất ngờ mà không thể dừng phát sóng nên nhạc sĩ Đức Quỳnh đã nhờ bà Ngọc Trâm hát thế để “chữa cháy” vì nhạc sĩ Đức Quỳnh biết cô xướng ngôn viên kiêm biên tập viên của đài có giọng hát rất tốt.
Trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nhờ hát thế
Thế là Ngọc Trâm nhận lời hát thế để “chữa cháy”, bài hát duy nhất Ngọc Trâm thuộc lúc đó là bài “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Không ngờ giọng hát mới toanh của Ngọc Trâm được thính giả yêu thích, ủng hộ nhiệt liệt, nhạc sĩ Đức Quỳnh như bắt được vàng mời cô xướng ngôn viên hát luôn cho chương trình và từ đó Ngọc Trâm trở thành ca sĩ Minh Trang, không chỉ hát chuyên nghiệp cho Đài phát thanh Pháp Á (sau này trở thành Đài phát thanh Quốc gia), mà Minh Trang còn hát phụ diễn trên sân khấu các rạp chiếu bóng vì hồi ấy trước khi bắt đầu chiếu phim thường có ca sĩ hát “mở màn”. Không ngờ tiếng hát Minh Trang bay ra tới Hà Nội và chinh phục thính giả Hà Nội. Các nhạc sĩ Hà Nội lúc bấy giờ cũng rất “mê” giọng hát sang trọng, cuốn hút của Minh Trang nên gửi bài hát mới vào nhờ Minh Trang phổ biến trên đài như nhạc sĩ: Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ…
Dem tan Ben Ngu- Ky 2: Ban tinh ca noi nhip cau duyen-hinh-anh-1
 
Mối duyên văn nghệ
Lại một dịp tình cờ khác đưa ca sĩ Minh Trang ra hát ở Hà Nội. Lúc đó Thủ hiến Bắc Việt là ông Nguyễn Hữu Trí, do cảm mến giọng hát của Minh Trang ông này đã khẩn khoản mời cô ca sĩ ra hát ở hội chợ tổ chức tại Hà Nội vào dịp Tết. Ca sĩ Minh Trang ra Hà Nội hát, cũng lại là sự tình cờ khi chọn ban nhạc, vì lúc này có hai ban nhạc đệm cho ca sĩ hát, một là ban Việt Nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành, ban thứ hai là Bảo An Đoàn của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ca sĩ Minh Trang được quyền chọn ban nhạc đệm cho mình hát. Minh Trang đã chọn ban Việt Nhạc, trong ban nhạc này có nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Và thế là họ quen nhau, từ chỗ chỉ nghe tên, biết tiếng, giờ gặp mặt, người đệm đàn, người hát… thành mối duyên văn nghệ đúng vào mùa xuân trên đất kinh kỳ.
Thành duyên vợ chồng
Khi Minh Trang trở lại Sài Gòn, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tiếp tục liên lạc qua thư từ, tình cảm giữa hai người sâu đậm dần và trong thời gian ngắn hai người nên duyên chồng vợ. Trong thời gian mới quen nhau kẻ Bắc người Nam, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sáng tác bài “Sóng Lòng” để nói lên niềm nhớ thương gửi tới ca sĩ Minh Trang, rồi bài “Ngọc Lan”, tuy nói về một loài hoa nhưng thực ra là để nói về một người con gái và người đó là ca sĩ Minh Trang. Nhưng chính bài “Đêm tàn Bến Ngự” mới là nhịp cầu duyên đưa họ đến với nhau. Để cho ra đời bài “Đêm tàn Bến Ngự”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã vào Huế, ngủ đò trên sông Hương 2 đêm và cảm xúc của ông đã thể hiện thành bài “Đêm tàn Bến Ngự” theo giai điệu ngũ cung của Huế.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã đưa bài “Đêm tàn Bến Ngự” cho nữ ca sĩ Minh Đỗ hát, nhưng do Minh Đỗ không quen hát nhạc theo âm điệu ngũ cung nên từ chối và ca sĩ Minh Trang đã hát bài này. Đối với Minh Trang do thẩm âm ca Huế đã có sẵn trong máu lẫn trong hồn từ thủa nhỏ nên việc luyến láy ngũ cung và hát cho ra chất Huế đối với bà vô cùng dễ dàng. Do đó không chỉ có nhạc sĩ Dương Thiệu Tước rất hài lòng mà có thể nói ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự” từ nửa cuối thế kỷ trước cho tới bây giờ sau ca sĩ Minh Trang không ai hát thành công hơn. Nhưng không chỉ có “Đêm tàn Bến Ngự” hay các ca khúc khác của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ca sĩ Minh Trang còn hát rất nhiều ca khúc nổi tiếng của những nhạc sĩ khác và đều thành công, để lại cho đời một giọng hát khó thay thế.
Cuộc hôn nhân của ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước kéo dài 30 năm trong hạnh phúc, họ có với nhau 5 người con một trai, bốn gái là: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Vân Quỳnh hiện cũng là một nữ ca sĩ trẻ, có tên tuổi ở hải ngoại. Sau năm 1975, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn dạy nhạc ở Quốc Gia Âm Nhạc và do bệnh tật nên ông ở lại Sài Gòn còn bà Minh Trang định cư ở Mỹ năm 1978 với các con. Hiện các con bà đều đã thành danh ở nước ngoài. Bà Minh Trang mất vào ngày 17-8-2010 tại thành phố Garden Grove, California (Mỹ) ở tuổi 90.
Từ Kế Tường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
6 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đêm tàn Bến Ngự- Kỳ 2: Bản tình ca nối nhịp cầu duyên