Trong số những bài hát nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thích, vượt qua không gian, thời gian, in đậm dấu ấn vào nền Âm nhạc việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có bản Đêm tàn Bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Bí mật ra đời bài Đêm tàn bến ngự của Dương Thiệu Tước

Một Thế Giới | 22/02/2015, 00:01

Trong số những bài hát nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thích, vượt qua không gian, thời gian, in đậm dấu ấn vào nền Âm nhạc việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có bản Đêm tàn Bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Đây là một ca khúc lấy bối cảnh cố đô Huế trong thời khắc đẹp nhất của tiết thu phân. Bài hát với tiết tấu chậm, buồn, ca từ mượt mà, sang trọng, tình tứ mà mỗi khi ca sĩ hát lên khiến lòng người nghe rung động, cảm thụ âm nhạc thật tuyệt vời.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, chính ca khúc Đêm tàn Bến Ngự đã gắn liền một mối tình tuyệt đẹp, vượt qua không gian, bền bỉ theo thời gian đến hết cuộc đời của hai người nghệ sĩ nổi tiếng tài danh một thời của Sài Gòn. Đó là ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Bi mat ra doi bai Dem tan ben ngu cua Duong Thieu Tuoc-hinh-anh-1
 Ca sĩ Minh Trang và Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước trên bìa một bản nhạc xuất bản ở Sài Gòn.
Kỳ 1
Cô gái dòng dõi quý tộc đất thần kinh
Minh Trang là nghệ danh khi trở thành ca sĩ của cô gái Nguyễn Thị Ngọc Trâm, bà sinh ngày 18-8-1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự kinh đô Huế. Ở Huế, vào thế kỷ 19 mọi người hầu như đều nghe danh Mỹ Lương Công Chúa hay còn gọi là Bà Chúa Nhứt vốn là chị ruột của vua Thành Thái. Mỹ Lương Công Chúa là dòng dõi quý tộc nhưng lại có máu nghệ sĩ, bà có nuôi một ban hát đông tới hàng chục người và có riêng một ban ca Huế trong nhà để giúp vui, phục vụ cho việc giải trí. Chính Mỹ Lương Công Chúa là bà ngoại của Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tức ca sĩ Minh Trang về sau.
Do thân phụ của ca sĩ Minh Trang là ông Nguyễn Hy một mệnh quan của triều đình Huế, vì công việc ông thường đáo nhậm nhiệm sở xa nên lúc nhỏ Minh Trang gắn bó với bên ngoại nhiều hơn bên nội. Chính thời thơ ấu cô gái Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã gắn bó với bà ngoại là Mỹ Lương Công Chúa nên hấp thụ được thẩm âm của dòng nhạc cung đình và mới 7-8 tuổi bà đã thuộc, hát được những bài bản cổ nhạc, ca Huế như Kim Tiền, Lưu Thủy, Nam Ai, Nam Bình… Mặc dù bà Ngọc Trâm nói giọng Quảng theo cha (ông Nguyễn Hy là người Quảng Ngãi), nhưng khi hát, bà lại hát bằng chất giọng Huế rất mượt mà, nhấn nhá, luyến láy rất thu hút, chất giọng truyền cảm tự nhiên ấy dễ đi vào lòng người nghe.
Tuy nhiên, khi lớn lên bà Ngọc Trâm lại được giáo dục theo Tây học nên hấp thụ nền văn hóa phương Tây, bà theo học trường Jeanne d’ Arc, một trường dòng của Pháp danh tiếng ở Huế và tất nhiên theo phong cách Tây phương bà Ngọc Trâm đã học và biết đàn dương cầm từ nhỏ. Khi lên bậc trung học bà Ngọc Trâm lại theo gia đình ra Hà Nội vì thân phụ bà đáo nhậm tại đây, Năm 1941 ông Nguyễn Hy trở về Huế nhậm chức ở Bộ Lại nên gia đình về sống ở Huế, bà Ngọc Trâm tiếp tục bậc trung học ở trường Lyceé Khải Định.
Khi còn đi học bà Ngọc Trâm được ông thầy dạy Việt Văn tên Ưng Quả, cũng là vị “phụ giáo” của triều đình chú ý, cảm mến. Ông Ưng Quả góa vợ, có hai con trai nhưng điều này không cản trở tình cảm của hai người đến với nhau. Bà Ngọc Trâm chấp nhận tiến tới hôn nhân với ông Ưng Quả và hai bên gia đình đều thuộc dạng “môn đăng hộ đối” bởi ông Ưng Quả là cháu nội của Tuy Lý Vương, còn Ngọc Trâm là cháu nội của Diên Lộc Quận Công.
Cuộc hôn nhân không tuổi tác nhưng lại rất hạnh phúc vì khi gắn bó tình cảm ban đầu “thầy” Ưng Quả và “cô trò nhỏ” Ngọc Trâm đã rất hợp với nhau. Họ sinh được một trai là Bửu Minh và một gái là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, chính bà Ngọc Trâm khi thành ca sĩ đã lấy tên con trai và con gái ghép lại để thành nghệ danh Minh Trang. Bửu Minh sau này cũng trở thành một vĩ cầm thủ nổi tiếng trong ban nhạc đại hòa tấu “Staasphihlarmonic Rheeinland Plalz” của Đức. Còn Công Tằng tôn Nữ Đoan Trang sau này chính là ca sĩ có giọng hát trong veo, cao vút Quỳnh Giao nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 khi định cư ở Mỹ.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường
(Bửu Minh về sau trở thành một vĩ cầm thủ nổi tiếng, còn Đoan Trang
Chính là ca sĩ Quỳnh Giao)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí mật ra đời bài Đêm tàn bến ngự của Dương Thiệu Tước