Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang phải chịu đựng những trói buộc hà khắc hơn rất nhiều so với tưởng tượng của nhiều người. Điều đó không chỉ được đánh động bởi những tiếng nói trong nước, mà cả bởi những chuyên gia nước ngoài, như Nhật Bản là một ví dụ.

Đến người Nhật cũng lo cho các DN Việt Nam

Nhàn Đàm | 16/06/2016, 11:20

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang phải chịu đựng những trói buộc hà khắc hơn rất nhiều so với tưởng tượng của nhiều người. Điều đó không chỉ được đánh động bởi những tiếng nói trong nước, mà cả bởi những chuyên gia nước ngoài, như Nhật Bản là một ví dụ.

Việt Nam đang tiến những bước khá dài trong lộ trình cải cách kinh tế đất nước ở thời điểm hiện tại, khi các bộ luật được kỳ vọng sẽ giữ vai trò nền tảng và tạo ra hành lang thể chế cho những nỗ lực cải cách như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được thông qua, còn Luật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và (DNVVN) cũng sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng mức các vấn đề mà các DN đang gặp phải để có những tháo gỡ phù hợp và cần thiết, mà điển hình là câu chuyện gỡ bỏ 7.000 điều kiện kinh doanh mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Rõ ràng tình trạng của các DNVVN Việt Nam nay đang phải chịu đựng là hết sức khắc nghiệt, hơn rất nhiều so với tưởng tượng của nhiều người.

Sự khắc nghiệt trong môi trường kinh doanh mà các DNVVN Việt Nam đang phải gánh chịu trên thực tế lớn hơn và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với suy nghĩ của rất nhiều người. Nó thậm chí được chính những chuyên gia kinh tế nước ngoài thừa nhận, mà điển hình gần nhất là Nhật Bản. Theo đó, trong buổi lễ ký kết hợp đồng giữa Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM hôm 15.6, Trưởng đại diện của JETRO tại TP.HCM Hirotaka Yasuzumi đã đưa ra những nhận định về các DNVVN Việt Nam hiện nay. Cụ thể, ông Hirotaka cho rằng “đối chiếu với các DNVVN ở Nhật Bản, thì các DNVVN Việt Nam hiện quá khó khăn, bởi hầu hết các DNVVN ở Nhật đều có thể nhận được hỗ trợ vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất rất thấp, chưa đến 1%/năm, thậm chí nhiều trường hợp không cần phải thế chấp mà có thể vay bằng tín chấp hoặc chứng minh bằng công nghệ, cơ hội kinh doanh”.

Lý giải cho tình trạng khó khăn mà các DNVVN Việt Nam đang phải đối mặt, ông Hirotaka cho rằng phần lớn các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của chính phủ VN thiếu hiệu quả, do mức độ lan tỏa thấp. Mấu chốt là hầu hết các DNVVN Việt Nam đều thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, nhưng việc tiếp cận vốn tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thì vô cùng khó khăn. Ông Hirotaka lý giải thêm “chính phủ thì sợ rủi ro mất tiền khi cho doanh nghiệp vay, trong khi cơ quan thực thi thì không thực hiện triệt để chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo luật”.

Những nhận xét của ông Hirotaka Yasuzumi có lẽ là những lời nhận xét đáng giá nhất về những vấn đề của cộng đồng DNVVN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Những rào cản về chính sách, những khó khăn về tiếp cận vốn, đồng thời những gánh nặng về thuế phí mà các DNVVN Việt Nam đang phải gánh chịu lớn hơn rất nhiều so với DN ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Nói một cách dễ hiểu, các DN Việt Nam giống như con lừa phải tải nặng hơn nhiều so với các con lừa khác, và người ta lại đòi hỏi nó phải chạy nhanh hơn trong khi nhất quyết không chịu bỏ bớt những gánh nặng. Và khi nó không thể thực hiện được đòi hỏi vô lý đó, ta lại quay sang trách mắng và đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu nó.

Việc Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng với tinh thần vượt khó và nghị lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, lại thực hiện những chính sách hỗ trợ các DNVVN của mình một cách mạnh mẽ và quy mô như vậy, là một câu chuyện đáng suy ngẫm dành cho chúng ta. Đã có không ít các quan chức cao cấp tuyên bố công khai rằng các DN trong nước phải tự lực cánh sinh và không thể dựa dẫm vào chính phủ và nhà nước. Nhưng rõ ràng dựa dẫm và cởi trói là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, các DN Việt Nam ở thời điểm hiện tại có lẽ chỉ mong muốn được các cơ quan chức năng cởi trói bớt, cụ thể là các điều kiện kinh doanh dày đặc chứ không hẳn là mong muốn sự hỗ trợ.

Chúng ta đang thiếu một cách tiếp cận phù hợp với cộng đồng DNVVN trong nước hiện nay. Xu hướng chủ đạo của các nước trong khu vực và trên thế giới là dành nhiều hỗ trợ cho các DNVVN và đặc biệt là các dự án khởi nghiệp, vì đây là những DN có rất nhiều tiềm năng nhưng lại cần nhiều hỗ trợ trong những thời điểm nhất định. Việt Nam những năm vừa qua dường như đã đi ngược lại xu hướng này, chúng ta không có một bộ luật hỗ trợ DNVVN nào trong khi hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có, đồng thời gánh nặng thuế phí và rào cản trong môi trường kinh doanh với các DNVVN ở Việt Nam thậm chí còn khắc nghiệt hơn hẳn so với mức bình thường trong khu vực. Nếu không nhanh chóng có sự thay đổi, chắc chắn Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Kết luận về những ý kiến chia sẻ của mình, ông Hirotaka Yasuzumi cho rằng “các DNVVN của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh rất lớn, sẽ có rất nhiều DN phải rút khỏi thị trường nếu không được hỗ trợ ngay từ bây giờ”. Khi mà một chuyên gia đến từ Nhật Bản - đất nước nổi tiếng với nghị lực mạnh mẽ và tinh thần tự lực vượt khó đáng nể - cũng phải thừa nhận rằng các DN Việt Nam đang quá khó khăn, thì tình hình thực sự có lẽ phải nghiêm trọng hơn thế rất nhiều.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến người Nhật cũng lo cho các DN Việt Nam