Các bà nội trợ giờ đây không còn lạ lẫm với cụm từ “hàng bình ổn giá” chưng ra ở các quầy hàng siêu thị hay điệp khúc “chính phủ điều tiết giá, yêu cầu doanh nghiệp đóng góp cho quỹ bình ổn giá xăng dầu…” trên báo chí. Còn người học kinh tế sẽ có chút lấn cấn, giá cả là diễn biến theo quy luật cung cầu của thị trường, tại sao ở Việt Nam vẫn còn những cụm từ cho thấy “rành rành” có hẳn hoi các cơ quan can thiệp và điều hành mức giá hàng hóa. Vậy tính thị trường có bị lấn át bởi tính phi thị trườn

Băn khoăn quản lý giá

Đức Nam | 15/06/2016, 10:54

Các bà nội trợ giờ đây không còn lạ lẫm với cụm từ “hàng bình ổn giá” chưng ra ở các quầy hàng siêu thị hay điệp khúc “chính phủ điều tiết giá, yêu cầu doanh nghiệp đóng góp cho quỹ bình ổn giá xăng dầu…” trên báo chí. Còn người học kinh tế sẽ có chút lấn cấn, giá cả là diễn biến theo quy luật cung cầu của thị trường, tại sao ở Việt Nam vẫn còn những cụm từ cho thấy “rành rành” có hẳn hoi các cơ quan can thiệp và điều hành mức giá hàng hóa. Vậy tính thị trường có bị lấn át bởi tính phi thị trườn

Lần giở lại các khái niệm, ta thấy tuyên bố “phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ” là quan điểm đã được Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng thông qua. Phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với tôn trọng các qui luật thị trường mà trước hết đó là qui luật giá cả.

Trước đó, theo Cục quản lý giá - Bộ Tài chính, tại kết luận số 103 ngày 29.9.2014, Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá. Trước nữa, Luật Giá được Quốc Hội khóa XIII ban hành, có hiệu lực từ 1.1.2013 với thông điệp chính là Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo qui định của pháp luật.

Cũng theo luật này, Nhà nước vẫn có chính sách giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và thực hiện điều tiết để bình ổn giá nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Bộ Tài chính giải thích, dù có thể ít ai để ý nhưng những thay đổi trên đã có những tác động trên thị trường và trong đời sống. Trên tinh thần kết luận số 103 của Bộ Chính trị, cách tiếp cận đối với chính sách giá nhằm hỗ trợ khu vực khó khăn hai năm qua đã có những chuyển biến theo hướng ít gây tổn hại nhất đến thị trường. Điển hình là quy định về giá điện hay giá dịch vụ khám chữa bệnh đã từng bước tiệm cận với quy luật của kinh tế thị trường, còn với những người nghèo thuộc diện chính sách, nhà nước sẽ có các khoản trợ cấp riêng.

Vị này cho rằng cách tiếp cận về bình ổn giá cũng đã có thay đổi căn bản. Luật Giá qui định cụ thể các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, việc điều chỉnh danh mục này phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Quan trọng hơn, bình ổn giá phải có điều kiện theo qui định của luật và có thời hạn. Chỉ khi đó, các biện pháp như đăng ký giá và các can thiệp khác, kể cả các can thiệp kinh tế mới được phép áp dụng.

“Không thể loại bỏ hoàn toàn việc điều tiết giá của nhà nước để hạn chế những khuyết tật của thị trường, đó là những biến động bất thường của giá cả do đầu cơ, lũng đoạn, do thiên tai, địch họa hay trong bối cảnh lạm phát phi mã, nhà nước có trách nhiệm bình ổn giá cả những mặt hàng thiết yếu nhằm đảm bảo sản suất và cuộc sống của người dân”, Tổng giám đốc một công ty thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu ở TP.HCM, ông Tạ Quốc Dũng nói với phóng viên.“Tuy nhiên có thể thấy việc yêu cầu cơ quan nhà nước ra quyết định bình ổn giá phải tuân thủ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong Luật Giá là một thay đổi mang tính cách mạng”.

Ông cũng cho rằng dù còn nhiều tranh cãi về việc điều hành giá thời gian qua, dù chưa bàn đến việc bình ổn giá có tác động thế nào, làm méo mó đến đâu hoạt động của nền kinh tế thị trường hay sẽ phải hy sinh bao nhiêu sản lượng để đổi lấy sự ổn định tương đối của giá cả thì vẫn phải thừa nhận Luật Giá là một bước tiến quan trọng hướng đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Song vẫn còn đó những “hạt sạn” trong luật này và trong việc áp dụng nó, mà giới kinh doanh e ngại.

Rõ nét nhất là trong lĩnh vực điều tiết giá xăng dầu, ông Dũng phân tích. Luật Giá qui định các hoạt động trong lĩnh vực giá trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của luật này, thế nhưng Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu lại dường như không tuân theo tinh thần của Luật Giá.

Ví dụ Nghị định 83 qui định, trường hợp Chính phủ không thực hiện bình ổn giá, thương nhân đầu mối phải gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền văn bản kê khai giá kèm theo quyết định điều chỉnh giá và cơ quan nọ có trách nhiệm thẩm tra, giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối phù hợp với qui định của pháp luật. Vậy câu hỏi là việc điều chỉnh giá phải phù hợp với luật nào? Bởi vì ai cũng biết Nghị định 83 là một văn bản dưới luật.

Thứ hai, Luật Giá có cho phép Chính phủ thành lập quĩ bình ổn giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá như một công cụ để bình ổn giá. Thế nhưng Nghị định 83 qui định “thương nhân đầu mối được nhà nước bù đắp các chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá”. Vậy quĩ bình ổn giá xăng dầu thực chất được sử dụng để làm gì? Thời gian qua chính quĩ bình ổn giá lại là ‘cứu cánh’ cho Chính phủ trong điều tiết giá xăng dầu khi Luật Giá có một ghi chú là “được sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống”. Điểm này cho thấy mặc dù được qui định như là một cộng cụ bình ổn giá, quĩ bình ổn giá lại trao quyền quá lớn cho Chính phủ và đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần chung của luật. “Đây là một qui định quá chung chung và lạc lõng, như một hạt sạn trong Luật Giá”, ông Dũng nói.

Đại diện Bộ Tài chính từng giải thích sở dĩ quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động “khác người” như vậy bởi điều kiện cạnh tranh hạn chế trong thị trường xăng dầu, đặc biệt là cạnh tranh giữa các thương nhân đầu mối và vì lý do an toàn và an ninh năng lượng. Nhưng như vậy, thì việc cần làm ở đây là phải thúc đẩy cạnh tranh, cởi bỏ các điều kiện kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện đang được cho là quá khắt khe và quy chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo an toàn và an ninh năng lượng (điều mà các nước đã làm từ lâu). Khi đó kinh doanh bán lẻ (đã được tư nhân hóa) và có thể kỳ vọng mức độ cạnh tranh rất cao, đồng nghĩa với giá sẽ giảm nhiều hơn hiện nay và người tiêu dùng có lợi nhất.

Vì vậy thay vì cho phép các đầu mối quyết định giá bán buôn, Chính phủ nên điều tiết chính mức giá này, chứ không phải giá bán lẻ như hiện nay. Ở nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ, các nhà phân phối có thể bị kiện nếu tìm cách qui định giá bán lẻ cho các đại lý của chính họ.

Trong khi Thủ tướng mới đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản để nới lỏng các loại “vòng kim cô”, giấy phép con, giấy phép cháu cho người kinh doanh, có lẽ Quốc hội và Chính phủ cũng nên dành thêm thời gian để rà soát các luật và nghị định về giá.

Với giới làm ăn, đó là nền tảng hàng đầu cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Đức Nam
Bài liên quan
Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn bao nhiêu tiền?
Hết năm 2023, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) còn trên 6.655 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Băn khoăn quản lý giá