Hiện nay, khi khá nhiều người dân bị mắc COVID-19 với chủng mới đều chữa bệnh tại nhà và dễ dàng khỏi bệnh, nhưng những vấn đề về sức khỏe sau khi bị bệnh khiến người dân lo lắng.
Theo ghi nhận thực tế của chính các y, bác sĩ - những người tư vấn và hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân F0 cho biết hầu hết những biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Hậu COVID-19, liệu có đáng lo ngại?
Theo WHO, hậu COVID chính là các triệu chứng giảm sút của sức khỏe về mặt lâm sàng được chia nhỏ thành các giai đoạn, nó gây tác động nghiêm trọng đến khả năng làm việc của người bệnh. Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất là: Mệt mỏi, hay cảm giác yếu sức, khó thở - đặc biệt là khi gắng sức, ho kéo dài và đau ngực.
Các triệu chứng ít gặp hơn: nhức đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, chóng mặt, choáng, tim đập nhanh, đau khớp, đau cơ, mất mùi vị, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, mất ngủ, rụng tóc. Những triệu chứng của hội chứng hậu COVID tuy không có nguy cơ gây tử vong nhưng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian (thường là 3-6 tháng, có thể kéo dài đến 12 tháng) sau khi bệnh COVID-19, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của bệnh nhân, làm sụt giảm nghiêm trọng chất lượng sống của bệnh nhân hậu COVID.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi có những biểu hiện, triệu chứng hậu COVID-19 trên đây, người dân nên tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng.
Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh như chứng trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài…
Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ tư vấn kết hợp vật lý trị liệu để điều chỉnh cải thiện tình trạng. Đặc biệt là đối với các trẻ em nhỏ, vì thực tế trẻ thường được đến khám cùng với bố mẹ sau khi cả gia đình đều mắc COVID-19. Trẻ em thường ít có các triệu chứng hơn là đối với người lớn.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng hậu COVID là phòng ngừa, tránh mắc bệnh COVID-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19, hãy tiêm vắc xin chống lại COVID-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dịch và cũng có thể giúp những người xung quanh nguy cơ mắc bệnh này.
Nếu chẳng may bị mắc COVID-19 thì hãy tuân thủ điều trị theo hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế, đặc biệt không tự ý mua và dùng thuốc trôi nổi trên thị trường.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Giang - Phó Trưởng khoa Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, COVID-19 là một bệnh khá đặc biệt, vì đa số hậu COVID đều xảy ra với mọi người, kể cả đối với người bị bệnh nhẹ. Thậm chí trong thời gian mắc bệnh, họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị hậu COVID-19. Ở nhóm bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, người ta thấy có thể gặp 10%-35%.
Nhóm bệnh nhân nặng có bệnh nền có thể gặp tới 80% di chứng. Biến chứng hậu COVID-19 đáng lo ngại nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C) làm tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu… chính vì thế các phụ huynh và người bệnh cần có sự thăm khám kịp thời nếu có những biểu hiện sa sút về sức khỏe.
Cách phòng tránh và chữa trị
PGS.TS.BS Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các di chứng về hô hấp và phổi ở những bệnh nhân sau mắc COVID-19 xuất hiện phổ biến với các triệu chứng như ho khan kéo dài, tức ngực, khó thở, ngáy và ngưng thở khi ngủ.
Các bệnh nhân hậu COVID-19 gặp các triệu chứng này cũng đã đến khám tại Trung tâm hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai khá nhiều, trong đó không ít người bị xơ hóa phổi, thậm chí có trường hợp vẫn tồn tại tổn thương phổi sau khi khỏi COVID-19.
Để phòng các di chứng hậu COVID liên quan đến phổi và hô hấp, người bệnh nên tuân thủ tốt các hướng dẫn của thầy thuốc trong quá trình điều trị khi mắc COVID-19. Các bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám sớm sau khi khỏi COVID-19.
Còn đối với trẻ em, theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, khi các em nhỏ sau khi bị COVID-19 mà có xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng hậu COVID-19 hay không. Vì căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến vi rút, độc tố của vi rút cũng như tình trạng vi rút còn tồn tại ở trong cơ thể.
Ngoài ra còn do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch… "Hiện nay chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu COVID-19. Người bệnh sau nhiễm COVID-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chuẩn đoán điều trị. Riêng với trẻ em, hậu COVID-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu,… Vì vậy khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không. Hậu COVID-19 vẫn là vấn đề còn mới và cần nghiên cứu thêm bởi các y bác sĩ, do đó có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phác đồ điều trị bệnh trong thời gian tới." - PGS.TS.BS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Để khắc phục các biến chứng sau hậu COVID-19, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo người bệnh, sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục thực hiện việc thể dục, ăn uống điều độ để lấy lại sức khỏe.
- Tập thở: những bài tập thở sẽ giúp phục hồi chức năng phổi.
- Đi bộ: Sau khi khỏi bệnh bạn nên đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần thời gian đi bộ, ngoài ra bạn cũng có thể tập thêm những bài thể dục khác tăng độ phục hồi cho phổi như: Hít đất, bơi lội, chèo thuyền…
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể phục hồi là một cách đơn giản giúp cơ thể chữa lành hội chứng hậu COVID-19. Chúng ta nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein như: cá béo, thịt nạc, trái cây tươi, các rau có màu xanh đậm, trứng, sữa….
- Khám bệnh hậu COVID-19: Sau khi khỏi bệnh, dù triệu chứng nhẹ trong vòng 3 tháng đầu khỏi bệnh, người nhiễm nên đến cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi sức khỏe. Việc khám sớm có thể phát, điều trị sớm các di chứng khiến người bệnh trở nặng.