Sau khi rũ áo từ quan vào năm 2009, trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã quay về quê hương Tiền Giang, vui thú điền viên.
Đến ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hỏi nhà tướng Nguyễn Việt Thành, hầu như ai cũng biết. Người dân ở đây quen gọi ông bằng cái tên rất thân mật: ông Tư Bốn.
"Nhà ông Tư Bốn hả? Anh đi qua cây cầu xi măng đằng kia, vào khoảng một chút xíu nữa là thấy căn nhà quét vôi màu vàng nằm bên tay phải đó" - một người dân hướng dẫn.
Căn nhà tường sơn vàng của trung tướng Nguyễn Việt Thành thấp thoáng sau những tán cây: xoài, mận, nhãn... sai oằn trái. Phía trước nhà là cánh đồng lúa chín, đang chuẩn bị gặt.
Trong bộ áo trắng quần tây, vị tướng nở nụ cười hiền lành, niềm nở đón khách. Ông tự tay pha bình trà, rót mời mọi người. Tướng Thành nói: "Tui mới đi thăm các anh cựu chiến binh về, ngày mai lại phụ bả hái trái cây quanh vườn mang ra chợ bán. Ngày còn tại chức, lu bu công việc, bây giờ mới có thời gian dành cho vợ con và bạn bè".
|
Trung tướng Nguyễn Việt Thành bên một bà má Nam Bộ. Ảnh: Dương Cầm |
Trong bàn trà, có người thắc mắc về cái tên rặt Nam Bộ của ông, vì sao "đã có Tư lại còn có Bốn". Ông vui vẻ cho biết: "Người miền Nam không gọi tên người khác do kiêng cữ. Họ thường gọi theo thứ bậc trong nhà, chẳng hạn như: anh ba, anh Tư... Ngày xưa đi chiến đấu, trong đơn vị có nhiều anh Tư, để phân biệt với nhau, phải ghép thêm một con số ở phía sau thứ nữa. Tui thứ tư, vào đơn vị sau các anh Tư Một, Tư Hai, Tư Ba nên được lấy tên là Tư Bốn".
Trong câu chuyện, vị tướng công an cho biết luôn theo dõi những vụ trọng án trong thời gian qua. Ông chép miệng: "Thời buổi này tội phạm lộng hành quá!".
Tướng Thành nói: "Tôi hài lòng về những gì mình đã làm cho dân. Điều duy nhất làm tôi hối hận là mình đã không thể làm được nhiều hơn".
Vị tướng cười xòa, nói về cuộc sống hiện tại của mình: "Ngày trước còn trẻ, tui lo việc nước, bỏ bê việc nhà. Tui may mắn được có người vợ đảm đang, biết chăm lo cho gia đình. Giờ già rồi, lui về quê, tui dành thời gian còn lại của cuộc đời cho vợ con. Sáng thức dậy, tui cho gà vịt ăn, sau đó đi thăm ruộng, ra vườn nhổ cỏ, tưới phân. Tui xuất thân nông dân, rất thích cuộc sống ở quê, giờ mới được toại nguyện".
Quá trưa, tướng Thành quay sang người vợ hiền của mình, bà Phan Thị Chín: "Em đi bắt con gà làm chút mồi, lát anh và mấy đứa nhỏ lai rai chơi".
|
Bà Phan Thị Chín làm thức ăn cho chồng đãi khách. Ảnh: Dương Cầm |
Tuy là vợ của một vị tướng công an lừng danh nhưng bà Chín bình dị như bao nhiêu người phụ nữ nông dân ở miền Tây Nam Bộ khác. Bà Chín dáng người chắc đậm, đặc biệt là một làn da ngăm đen, trông có vẻ lam lũ, khắc khổ.... Nếu không biết trước, ít ai nghĩ rằng bà là phu nhân của một vị tướng.
Bà cười xòa: "Làm vợ ổng, tui có thấy khác gì người ta đâu. Lúc còn tại chức, ổng đi lo việc nước miết. May mắn có 3 đứa con hủ hỉ, phụ việc mần ruộng. Sau này tụi nó lớn, đi học xa nhà, coi như tui lủi thủi một mình".
Trong lúc làm đồ nhậu cho chồng ở chái bếp, bà Chín cởi mở trò chuyện với chúng tôi. Bà nói vui: "Tui kể cho nghe chuyện này. Ngày tui sạ lúa, ổng đi công tác. Tới lúc ổng về nhà, tui nói với ổng: Sáng mai ông ra ruộng phụ tui cắt lúa nhe. Ổng chưng hửng hỏi tui: Ủa, lúa mới sạ đây mà đã trổ bông, chín vàng luôn rồi hả? Tui mắc cười quá. Ổng đi riết, ổng đâu có biết ngày, tháng là gì đâu. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tui thấy thương ổng quá!".
Một tay bà Chín làm gần chục công ruộng. Bà dầm mưa dãi nắng ngoài ruộng, chắt mót từng hột lúa, chà ra gạo gửi cho chồng con ở xa. Bà Chín nhớ lại: "Hồi đó, hằng tháng, tui chia ra làm 4 bao gạo, gởi xe đò lên Sài Gòn cho ổng, hai thằng con trai và đứa con gái. Thỉnh thoảng ổng và mấy đứa nhỏ về thăm nhà, tự lấy gạo mang đi".
Câu chuyện của bà Chín bị cắt ngang, tướng Thành rủ chúng tôi đi thăm ruộng. Hôm nay nhà có khách, vị tướng mặc bộ đồ khá bảnh bao, chứ không phải là bộ đồ làm ruộng dính đầy sình đất mọi ngày.
Ông thong thả đi trên bờ đê. Nắng chói chang, dáng người cao to của vị tướng in bóng, trải dài trên đồng lúa chín vàng rực. Hương lúa chín thoang thoảng cánh mũi. Từng đàn chim sắc bông sà xuống, ríu rít. Tướng Thành cười: "Năm nay thời tiết thuận lợi, mùa lúa này trúng bể bồ".
Ông chia sẻ: "Vợ chồng tui cũng lớn tuổi, không còn mạnh như ngày xưa. Tính cho người ta mướn ruộng nhưng tiếc, ráng mần. Mần không nổi, phải mướn người sạ lúa, gặt lúa, còn mình hụ hợ thêm".
Ông cho biết thu nhập chính của hai vợ chồng già vẫn là mảnh vườn, miếng ruộng và chút đỉnh lương hưu. Thả vài chục con gà, nuôi thêm 2 ao cá dành để làm đám tiệc, đãi khách. Ông đùa: "Dân miền Tây không sợ chết đói là vậy. Giỏi mần là của ăn mệt nghỉ cũng không hết. Lúc này tui thấy cuộc sống sướng hơn bao giờ hết".
Xế trưa, bà Chín gọi điện thoại cho ông, kêu về ăn cơm. Về tới nhà, bà Chín chu đáo, dọn sẵn mọi thứ trên bàn: cháo gà, gỏi chuối cây, cá tai tượng chiên xù... Tướng Thành nhắc bà Chín múc tô cháo mang qua cho một người hàng xóm.
Ngồi vào bàn, vị tướng lừng lẫy tự tay rót rượu đế mời khách. Ông cười hiền hậu: "Rượu này đứa em bà con của tui nấu. Không có cồn đâu. Uống thử đi, ngon lắm, không có bị nhức đầu".
Là người trực tiếp cầm quân, tính toán cách để triệt tiêu băng nhóm giang hồ Năm Cam, nhưng tướng Thành khiêm tốn không nói nhiều về chiến tích của mình. Nhà báo hỏi, ông chỉ cười: "Đó là nhiệm vụ của tui đối với nhân dân thôi".
Sẵn dịp, chúng tôi hỏi ông chuyện những ngày ông còn làm Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang.
Có một câu chuyện mà người dân khắp tỉnh Tiền Giang đều biết và rất quý trọng sự cương trực, liêm khiết của ông Tư Bốn: Biết sở thích chăm sóc kiểng của vị lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, một người đàn ông đã cho xe chở hai cây kiểng trị giá tiền tỉ, đặt ngay trong sân trụ sở Công an tỉnh. Người này nhờ bảo vệ báo cho "sếp" Thành biết món quà quý mà mình đã tặng. Vì nghĩ người đàn ông kia là người quen của "sếp" nên anh bảo vệ đành miễn cưỡng. Thế nhưng, vừa vào cơ quan, nhìn hai cây kiểng, tướng Thành đã nổi nóng, xạc cho anh bảo vệ một trận tưng bừng, bắt phải tìm người đàn ông kia trả lại hai cây kiểng lập tức!
Ông cười: "Chuyện đó là có thật. Người dân thương mình, mới biếu quà, nhưng tui không dám nhận. Nhận một món quà nhỏ thôi, tui cũng thấy tội lỗi lắm. Tui đi làm đã có lương rồi, nhận quà cáp làm gì nữa".
Uống vào ba hột rượu đế, ngà ngà say, tướng Thành cao hứng đề nghị ca một câu vọng cổ tiễn khách. Giọng ông mùi mẫn: "Tiễn em đi, lòng anh Tư nuối tiếc, phải chi để vài bữa nữa em về. Em đừng cho anh Tư là người đa cảm, bởi lòng người đâu dễ lãng quên. Tiễn em đi lòng anh Tư xin hỏi: Em về rồi còn nhớ đây không?".
Vị tướng cười sảng khoái. Khung cảnh quê vắng lặng, thanh bình.
Lê Ngọc Dương Cầm