Nhận lời mời tham gia chuyến đi sáng tác tại Ý lần này, thực ra mục đích chính của tôi là đến Toscana (Tuscany).
Thời học lịch sử văn chương và mỹ thuật ở Đức, tôi đã từng mê đắm giai đoạn Văn hóa Phục hưng. Những giờ học tiếng Latinh ít ỏi, những buổi học phân tích những áng văn thơ, phân tích tranh của các vĩ nhân Phục hưng đã để lại một dấu ấn sâu đậm, mở ra một thế giới đầy mới mẻ và cuốn hút đối với một sinh viên châu Á như tôi.
Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, khởi đầu tại Firenze (Florence) thủ phủ của Toscana, nền văn hóa Phục hưng đã lan rộng khắp châu Âu trên mọi phương diện: Văn học, triết học, mỹ thuật, âm nhạc, chính trị, khoa học, tôn giáo, và các khía cạnh khác của đời sống tinh thần. Các tác gia đề cao giá trị nhân văn và khai thác đời sống,cảm xúc con người trong nghệ thuật. Giai đoạn này xuất hiện các vĩ nhân trên nhiều lãnh vực và thuật ngữ “Renaissance Great Man”.
Trong số đó có Leonardo da Vinci hay Michelangelo, là những vĩ nhân không ai không biết trên thế giới ngày nay. Đó chỉ là vài điều cơ bản ít ỏi tôi còn nhớ được, nhưng cũng đủ để khơi lên ham muốn: được một lần trở về nơi khởi tổ của Renaissance - như một tín đồ muốn làm chuyến hành hương - xem nơi ấy ra sao. Nhưng, không chỉ có vậy.
Tôi cũng luôn ao ước được đặt chân tới nơi được cho là có phong cảnh đẹp nhất và đặc trưng nhất của vùng Toscana - thung lũng Val d’ Orcia. Đây chính là phim trường thiên nhiên của bộ phim bom tấn một thời của Hollywood Gladiator. Tôi xem không dưới 5 lần bộ phim này, ngất ngây vì khung cảnh ở nơi không-thể-tin-được là tuyệt đẹp đến thế. Tôi muốn mình - như tài tử Russel Crowe - lướt những ngón tay trên ngọn lúa mạch bay trong gió giữa mênh mông thung lũng, đi giữa hàng cây bách (Cypress tree) cao lớn, điểm nhấn không thể lẫn của riêng Toskana.
Dẫu rằng tôi đã nhiều lần gặp loài bách thường xanh này ở Úc, Thụy sĩ, Đức, Mỹ… nhưng tôi vẫn muốn thấy loài bách mang tên gọi Bách Địa Trung Hải hay Bách Tuscany ở quê hương của chúng. Và từ lâu rồi, tôi luôn gọi chúng bằng cái tên “Cây bút chì”.
Với tôi, những cây bút chì ấy thật giống những chú lính chì dũng cảm trong truyện cổ của Andersen, người bảo vệ cho đồi núi và thung lũng Toskana, người canh gác cho lúa mạch trĩu hạt, cho Poppy nở hoa, và cỏ lau trắng đùa chơi trong gió. Càng thú vị hơn khi đọc được một tài liệu cho biết, vào năm 2012, một đám cháy dữ dội đã thiêu rụi gần như toàn bộ khu rừng sồi, thông và bách xù ở Tây Ban Nha, nhưng những cây bách Tuscany trong khu rừng ấy vẫn xanh tươi.
Khả năng chống cháy kỳ lạ của loài cây này dựa trên lượng nước lớn chúng có thể lưu trữ trên thân. Lớp biểu bì rất dày và các lỗ khí nằm bên trong lá, giúp ngăn chặn sự bốc hơi nhanh chóng của nước, giúp cây Bút chì có khả năng trữ nước gấp 5-7 lần so với các loài khác, giúp chúng chịu được nắng cháy hay khô hạn. Và giờ tôi đã ở đây. Đi giữa bao la núi đồi thung lũng Toscana. Chạm tay vào những cây bút chì cao hàng chục mét, những chú lính chì dũng cảm “của tôi”. Tôi chạm tay vào cảm xúc của chính mình, tựa vào mênh mông và tiếp bước!
Giữa Val d'Orcia và Val di Chiana là Montepulciano, một thị trấn thời trung cổ tuyệt đẹp nằm trên đỉnh đồi. Như mọi thị trấn pháo đài khác, bạn sẽ phải đi qua một trong những cánh cổng dẫn vào thành. Porta Prato, cổng thành chính của Montepulciano thực sự to lớn và rất đẹp. Những bước chân đầu tiên trên con đường rợp bóng thông (cũng là thành của pháo đài xưa) tới cổng thành mở ra một tầm nhìn bao la về phía thung lũng.
Nhà ngói cổ thấp thoáng giữa những vườn ô liu, những con đường nhỏ điểm tô bởi hàng cây bách bút chì, và đồi cỏ mênh mông…
Bước qua cánh cổng thành cao ngất bằng gỗ có niên đại thế kỷ 13 là một thế giới khác. Piazza Grande - quảng trường lớn của Montepulciano là một trong những quảng trường đẹp nhất ở Ý. Con đường chính lát đá dẫn lên lâu đài cổ trên đỉnh đồi rất dài, dốc và quanh co, chứa đựng nhiều bất ngờ.
Trong những ngôi nhà cổ, những con hẻm nhỏ với bậc thang hay con dốc hẹp dẫn lên cao là những quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng đồ lưu niệm, phòng tranh, những nhà thờ bằng đá trắng với các bức Fresco tuyệt bích. Không gì là không có ở nơi đây, từ hàng dệt may và đồ dùng nhà bếp, dụng cụ làm pizza, pasta, pho mai, đến các nông phẩm địa phương, đặc biệt là rượu vang và dầu ô liu.
Montepulciano là thị trấn quê hương của dòng vang đỏ thơm ngon lừng danh mang tên Vino Nobile di Montepulciano. Rượu vang và đồ ăn nơi đây đều thuộc hàng ngon nhất nước Ý. Cửa hàng nối cửa hàng trong những ngôi nhà cổ 2-3 tầng có ban công sắt. Những cánh cổng gỗ nhiều niên đại, dù đóng hay mở, vẫn luôn là điểm nhấn, còn cửa sổ là những đôi mắt điểm trang cho phố cổ.
Tách ra khỏi dòng người nườm nượp đổ về đỉnh đồi, nơi có tầm nhìn toàn cảnh xuống thung lũng, tôi thả bộ dọc theo tường thành vắng lặng. Nhắm mắt lại, cố hình dung ra khung cảnh những chiến binh La Mã khi xưa, những vó ngựa đạp trên con đường đá đen bóng loáng đang in dấu chân tôi, những bóng áo choàng và những bí ẩn ma thuật sau góc tối sau những cánh cổng bí ẩn.
Trực giác cho tôi thấy, cái khí chất một thời ấy đã mai một đi rất nhiều rồi, nếu không muốn nói là gần như không còn gì. Cảm giác ấy khác hẳn những gì tôi từng trải nghiệm ở những làng pháo đài trên rặng Caucasus ở Georgia (cùng niên đại) hay ở những phế tích cổ tại Ai Cập nơi quân La Mã một thời chiếm đóng. Có chăng, chỉ là một cảm giác rất “phiêu” - an lành và trầm lắng - khi một mình ngồi trong nhà thờ. Chỉ ở nơi ấy, tôi mới cảm nhận được sự kết nối, dù vẫn khá mơ hồ của hôm nay và những ngày đã qua. Những con người của ngày hôm nay đang cố gìn giữ những di tích xưa, nhưng có lẽ, những gì mà họ còn giữ được, chỉ là phần xác, chứ phần hồn - cốt khí của một quá khứ lẫy lừng khi xưa đã bay theo năm tháng cùng với dòng du khách nườm nượp đổ về, cùng với những chiếc xe cung ứng hàng hóa kềnh càng trên con đường đá lịch lãm vốn chỉ dành cho xe ngựa khi xưa.
So với Summonte ở Irpinia miền nam nứơc Ý, thì Montepulciano cổ kính hơn và nhiều di tích hơn. Nhưng ở Summonte, tôi có phố cổ cho riêng mình, có cả “một thời Trung cổ” trên phố, để đắm mình vào suy tư và cảm nhận. Còn ở Montepulciano, tôi chìm trong một “Trung cổ” của thời hiện tại. Bỗng nghĩ về Hội An, và tôi nhớ lại cảm giác như đau như xót khi thấy hoài phố oằn mình trong biển người. Còn đâu hồn phố? Và sai lầm giống nhau không lẽ là không biên giới? Nhưng đó chỉ là ý kiến đầy cảm tính của riêng tôi, nhận định chủ quan của tôi khi trôi theo dòng người trên phố cổ hôm nay.
Vẫn muốn viết lại trong nhật ký hành trình, để ghi dấu một ngày thăm thị trấn Trung cổ Montepulciano của Tuscany - ấn tượng nhưng ngổn ngang và đầy mâu thuẫn.
Ở thung lũng huyền thoại Val d’ Orcia có ba cung đường nổi tiếng nối các thị trấn trung cổ tuyệt đẹp với nhau: cung đường qua khu bảo tồn Lucciola Bella, SP53 nối Montepulciano với Pienza và đẹp nhất là SP146 nối San Quirico với Pienza. Vào ngày thứ 3 ở Tuscany, chúng tôi chạy xe dưới ánh mặt trời rực rỡ trên cung đường từ Montepulciano tới Pienza. Tôi đã từng đi nhiều cung đường được gọi là “photographic roads“ tại nhiều vùng ở châu Âu và các nước Nam bán cầu, mỗi nơi đều có một vẻ đẹp riêng.
Nhưng phải nói là những cung đường ở Val d’ Orcia thực sự đặc biệt. Đẹp một cách lãng mạn và yên ả. Một vẻ quyến rũ đậm chất điền giã mà vẫn kiểu kiêu sa gì đó rất khó tả. Nắng bảng lảng từng vệt trôi trên triền đồi hoa vàng, hoa trắng hay len lỏi giữa những gốc cây bách cây thông cao hàng chục mét, khác xa khung cảnh những vùng đồi trồng nho ở Đức hay ở Úc mà tôi từng đi. Nhà cửa thưa thớt nhưng cực kỳ ấn tượng, hầu hết trên đồi cao, in hình trên nền trời xanh thăm thẳm, nơi có những đám mây trắng bềnh bồng trôi. Tôi biết rằng, rồi những đám mây ấy, ngôi nhà ấy, những đường uốn lượn của vùng đồi “rolling hills“ ấy, sẽ “đeo” theo tôi, ám ảnh tôi một thời gian dài nữa. Như một dấu ấn trong muôn vàn dấu ấn của thiên nhiên đã để lại trong tôi. Mãi mãi không bao giờ mờ phai và hiếm khi lặp lại.
Pienza là một nơi có một lịch sử đáng kinh ngạc. Là một ngôi làng giống như nhiều ngôi làng khác trong khu vực, lịch sử và danh tiếng của Pienza đã thay đổi đáng kể vào cuối những năm 1400. Vào thời điểm đó, Enea Silvio Piccolomini - Giáo hoàng Pius II, đã quyết định tôn vinh thị trấn quê hương ông bằng cách biến nó thành một 'thành phố lý tưởng' (Ideal Town).
Là một triết gia với quan điểm đặt con người làm trọng tâm của thời kỳ Phục hưng, Ông đã giao việc quy hoạch thị trấn cho kiến trúc sư Bernardo ‘il Rossellino. Trong 3 năm, họ đã dựng lên một quảng trường Piazza Centrale tuyệt đẹp, nhà thờ Pienza, dinh thự Giáo hoàng và cung điện. Họ tạo ra một thị trấn Pius (Pienza) với diện mạo mới. Pienza trở thành một viên ngọc quý với kiến trúc hòa quyện cùng thiên nhiên và tầm nhìn tuyệt đẹp về thung lũng. Nơi đây từng là phim trường của rất nhiều bộ phim hay.
Ngày chúng tôi tới Pienza, đoàn làm phim Hollywood đang quay bộ phim hài tình cảm Joan Kelly với Adam Sandler và George Colooney tại quảng trường Pio II, quảng trường mang phong cách Phục hưng tại trung tâm Pienza.
Để tránh đám đông du khách hiếu kỳ vì đoàn làm phim, tôi thả bộ trong những con hẻm nhỏ, nơi có những cửa hàng, phòng tranh nhỏ, những khoảng sân yên tĩnh ngập nắng. Tôi tìm được một quán nhỏ và ăn trưa vào lúc 2 giờ chiều. Đó là một nhà hàng trattoria, nơi có món mì ống pici truyền thống với pho mát pecorino của địa phương. Quán ở trong hẻm, chỉ có 2 bàn trong nhà và 3 bàn ngoài trời đã kín chỗ. Nhỏ như quán cà phê Giảng, cà phê Lâm ở Hà Nội.
Cũng một khung cửa tranh tối tranh sáng, cũng những bức tranh trên tường, Trattoria này có từ năm 1930 và mang một vẻ gì đó rất trầm mặc. Bên chiếc bàn gỗ sẫm màu, nhìn qua khung cửa có những bồn hoa, tôi ngồi ngắm bóng người đi ngang. Khi ta du hành, dù thời gian ngắn tới đâu, cũng nên dành cho mình những phút giây sống chậm. Ở Ý, ở Tuscany mùa hè, thời gian đi rất chậm. Thời gian, đôi khi không tính bằng phút bằng giây, thời gian cần được tính bằng chiều sâu những cảm nhận của bạn về một nơi chốn. Và chiều sâu ấy không dành cho những hời hợt, những “check-in” vội vã tại các điểm dừng.
Từ Pienza tới San Quirico là cung đường tuyệt đẹp.
Chúng tôi dừng chân tại nhà nguyện Vitaleta nổi tiếng, hiện diện rất nhiều trên các tấm bưu thiếp cổ điển của Tuscany. Việc chụp ảnh nhà nguyện này là điều bắt buộc trong bất kỳ hành trình nào của Val d'Orcia. Xe lướt qua những cánh đồng lúa mạch còn đang xanh, những cánh đồng hoa Poppy đỏ ối một triền đồi. Cảm giác lướt đi giữa hai hàng cây bút chì cao lừng lững, leo dần lên đồi cao và dừng lại bên ngôi nhà gạch cổ, phóng tầm mắt về những cánh đồng trong thung lũng, thật đã!
Ở San Quirico, làng Trung cổ nhỏ xíu chỉ với 1 con phố chính và 2 nhà thờ, tôi đã không vội vã đi, mà lại dành cho mình vài giờ thư giãn, thưởng thức 1 đĩa pasta và 1 ly Spritz Veneziano thơm nồng. Quán nhỏ cũng chỉ có vài bàn ngoài trời, đối diện “Horti Leonini”- một trong những khu vườn lịch sử có từ năm 1581 của San Quirico. Những giờ phút lang thang trên tường thành pháo đài bao quanh làng, lần sờ từng phiến đá, chụp từng bậc thang hay những góc nhỏ bị quên lãng, chính là những phút giây Tuscany dần “thấm” vào tôi.
Đi chậm và "check-out", đó chính là tiêu chí lãng du của tôi. Sẵn sàng bỏ qua một vài điểm được coi là nổi tiếng, để có được những phút giây bình dị hòa vào nhịp thở của một nơi chốn, tôi thấy mình được nhiều hơn mất. Giá mà đây là một chuyến đi như tôi vẫn thường đi theo tinh thần của Đi như tờ giấy trắng (một tựa sách đã xuất bản của họa sĩ Trần Thùy Linh - PV) chắc chắn tôi sẽ ở Tuscany dài ngày hơn, trong một “Agriturismo”. Đó là những trang trại đón khách du lịch Bed &Breakfast kiểu như homestay ở nhiều vùng tại Việt Nam.
Còn gì bằng khi thức dậy trong tiếng chim hót líu lo trong một biệt thự thế kỷ 18 trên đỉnh đồi. Cánh cửa sổ mở ra những ngọn đồi nhấp nhô, hít hà mùi sương sớm từ vườn ô liu bạc lá trong nắng. Chạm tay vào ngọn cỏ ẩm ướt, nâng những bông Poppy đỏ rực trong lòng bàn tay và tự hỏi, làm sao để giữ được thiên thu trong lòng tay? Tuscany trong mắt tôi mang một vẻ đẹp vừa thanh tao, vừa quyến rũ. Liệu tôi có tả nổi vẻ đẹp ấy trong những bức tranh tôi sẽ vẽ? Thách thức quả là không nhỏ.
Nếu như bạn hỏi tôi, thành phố nào đáng tới nhất tại Ý vào năm 2024, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng - Siena. Không phải một Rome tràn ngập những bức vách các công trường bao quanh các di tích và ngập tràn du khách; ăn cắp, móc túi như ranh. Không phải một Florence duyên dáng, lịch thiệp - như trong ký ức, Florence giờ người đông như cát trên biển, chẳng còn gì hấp dẫn. Không Venice cũng chẳng phải Milan, vì cùng một lý do: "đại họa" mang tên du lịch tàn phá khắp nơi. Khi mà vào nhà thờ cũng phải trả tiền và dòng người xếp hàng vào bảo tàng kéo dài vô tận (dù đã mua vé online), thì mọi hứng thú với một nơi chốn sẽ tan nhanh như tuyết mùa xuân. Ít nhất, đó là cảm nhận của tôi "Lost in big cities, it‘s not for me"!
Riêng Siena lại rất khác. Không quá nhiều du khách. Thành phố vẫn vẹn nguyên khí chất, cái flair của quá khứ vẫn đậm đặc nơi đây cho những người “đi chậm” dễ bề cảm nhận. Tự nhiên, không chút ngượng ép. Thành phố dừơng như vẫn dành những góc vắng vẻ, lặng lẽ, để tôi đi theo cách của riêng mình. Có gì ở một thành phố di sản UNESCO ngàn năm tuổi ? Nhiều lắm. Cả bộ sưu tập các loại bảo tàng, các toà nhà gạch thời Trung cổ vẫn hầu như nguyên vẹn, tòa thị chính phong cách Gothic, quảng trường trung tâm hình bán nguyệt, các nhà thờ cổ lộng lẫy, giếng nước từ thế kỷ 13... kể không hết các điểm thăm quan nổi tiếng.
Hôm nay tôi đã đi theo cách của mình, thăm những con hẻm thưa người, thăm các galeries nhỏ và ngồi đồng trong quán cà phê cha truyền con nối của gia đình Nannini. Quán cà phê nhỏ của năm 1900, nay đã thành một “tập đoàn” chế biến - phục vụ cà phê và bánh ngọt - mà khách cũng phải xếp hàng chờ được dẫn vào chỗ ngồi. Bài trí vẫn như thời đó, dựa vào những bức hình trên tường, chỉ có phần tiệm bánh là mở rộng thêm sau này.
Một chút gì đó giông giống quán cà phê Tortini cổ nhất Buenos Aires mà tôi từng ngồi. Với tôi thì tách Cappucino hôm đó là tách Cappucino ngon nhất thế giới. Lớp kem sữa mịn như bông tan từ từ trong vòm họng. Vị béo đậm đà của loại sữa bò hảo hạng (thửa riêng) hòa cùng hương Arabica cũng rang xay theo công thức riêng, thật khó có thể quên. Siena - tới đây, tôi càng hiểu thêm tại sao trong bảng màu vẽ lại có màu Burnt Siena và Terracota. Cả thành phố là tông màu nâu - vàng với nhiều sắc độ: nâu Siena, vàng thổ hoàng (Yellow Ocher), đỏ gạch, xanh rêu…
Nóng lạnh đan xen trong một hòa sắc trầm mà không buồn, cổ xưa mà vẫn mới, hài hoà như một bản tình ca với muôn vàn sắc độ của đất, của trời, của những con hẻm đá và những tia nắng đã làm nên một Siena tuyệt sắc.
Ít nhất thì với tôi, cảm giác đang đi trong một bộ phim Trung cổ, là rất thật.
>> Đi và vẽ ở Ý - Phần 1: Chuyến đi của màu
>> Đi và vẽ ở Ý - Phần 2: Gesualdo tĩnh lặng trên những tháp chuông
>>Đi và vẽ ở Ý - Phần 3: Molpa và Pisciotta trôi theo cùng tháng năm