The Receptionist, do nữ đạo diễn người Đài Loan Jenny Lu thực hiện, không giống bất kì tác phẩm nào khác liên quan đến đề tài bán dâm. Truyện phim lấy cảm hứng từ một bi kịch có thật, đã lột tả thành công nhiều phương diện đen tối nhưng ít biết về “ngành kinh doanh” thân xác phụ nữ tại châu Âu.

'Địa ngục' mại dâm ở châu Âu được lột tả trần trụi và ấn tượng qua một bộ phim châu Á

như ý | 25/06/2017, 20:33

The Receptionist, do nữ đạo diễn người Đài Loan Jenny Lu thực hiện, không giống bất kì tác phẩm nào khác liên quan đến đề tài bán dâm. Truyện phim lấy cảm hứng từ một bi kịch có thật, đã lột tả thành công nhiều phương diện đen tối nhưng ít biết về “ngành kinh doanh” thân xác phụ nữ tại châu Âu.

The Receptionistgiúp mở ra góc nhìn mới về thế giới của những cô gái bán dâm gốc Á ở London

Năm 2009, một cô gái Trung Quốc tên Anna tự sát gần sân bay Heatthrow, London, Anh. Sau khi mất, bạn bè mới phát hiện cô từng làm gái điếm tại một phòng mát-xa trá hình suốt thời gian dài. Trong số người quen biết Anna, có nữ đạo diễn trẻ Jenny Lu. Dằn vặt trước bi kịch của bạn, Lu dựng nên The Receptionist, bộ phim như lời tri ân muộn màng đến người đã khuất. Hơn thế nữa, tác phẩm còn giúp người xem hiểu thêm thực tế đầy chua xót và kinh khiếp bên trong các nhà thổ tại London.

Nữ chính củaThe Receptionist, Teresa Daley

“Tôi gặp Anna lần đầu ở khu Chinatown (London) vào một tối họp mặt bạn bè. Cô ấy trông rất bình thường. Cô ấy sinh ra ở vùng quê nghèo, đến London để mong có tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng cuối cùng, Anna phải sống cuộc đời hai mặt và giữ đó như một bí mật. Tôi thấy rất buồn. Vì sao không ai biết về cô ấy, vì sao không ai giúp cô ấy?” - nữ đạo diễn hồi tưởng về người bạn quá cố.

Giấc mơ London lụi tàn

Bắt đầu hành trình tạo nên The Receptionist, Lu quyết định tìm hiểu “cuộc sống” thứ hai của Anna. Ở phòng mát-xa bạn cô từng làm việc, Lu hỏi chuyện một phụ nữ đang hành nghề bán dâm.

Được biết, gái điếm trong các nhà thổ dạng này đều là người nhập cư từ Trung Quốc Đại Lục, Malaysia, Phillipine và Thái Lan. Số khác đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Quốc tích đa dạng, nhưng chủ yếu họ đều di cư sang Anh thông qua môi giới hôn nhân giả.

Chồng “hờ” của Anna là người Anh. Duy anh ta không có việc làm. Gánh nặng kinh tế nơi đất khách, vì thế, dồn lên vai cô gái trẻ. Lu kể thêm, “Anna phải lao động vất vả để vừa có thể tồn tại, vừa gửi tiền về nhà giúp đỡ gia đình và anh trai.”

Đặt chân tới Anh quốc, những phụ nữ châu Á như Anna mới nhận ra thực tại khó khăn hơn cả điều họ hình dung ban đầu. Dưới áp lực cơm áo quá lớn, không ngạc nhiên khi nhiều người nghĩ đến cách kiếm tiền “nhanh” bằng nghề bán thân.

Tuyến nhân vật nữ chính của phim là những cô gái điếm với số phận nhiều éo le

The Receptionist xoay quanh bối cảnh tương tự. Tác phẩm tái hiện cuộc sống thật đầy gai góc phía sau cánh cửa một phòng mát-xa trá hình ở thủ đô nước Anh. Nhân vật chính của phim, một cô gái người Đài Loan, làm công việc tiếp tân tại đó.

Giữa chốn địa ngục

Gái bán dâm luôn phải chịu áp lực từ chủ chứa lẫn nhóm giang hồ “bảo kê”

Thân phận người phụ nữ trong The Receptionist hiện diện với cảm nhận đầy cay đắng, đau xót cho người xem. Làm việc mua vui bằng thân xác, họ thường xuyên chịu cảnh tấn công tình dục lẫn đe dọa tinh thần. Những gã giang hồ luôn muốn đòi phí “bảo kê” từ các cô gái. Cho rằng gái điếm thường sợ cảnh sát, chúng có thể thẳng tay đánh đập hay cưỡng bức họ nếu không được trả tiền đúng hạn.

Mặc dù cảnh quay trong phim đều là “diễn,” cốt truyện được dựa hoàn toàn từ quá khứ hành nghề bán dâm của Anna. Jenny Lu tiết lộ gây shock: “Các diễn viên của tôi thậm chí không tin bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Tôi đã sắp xếp để họ trực tiếp gặp gỡ nhóm phụ nữ tại phòng mát-xa.”

Một cảnh hậu trường củaThe Receptionist

Mỗi lần “phục vụ” khách, một cô gái kiếm được khoảng 120 Bảng Anh (hơn 3 triệu VND). Người chủ tiệm mát-xa sẽ giữ 50-60% số tiền. Lượng thu nhập như trên không nhiều so với đồng lương công dân Anh bản địa, nhưng lại tạo nguồn thu tương đối cho các phụ nữ ở nhà thổ. Đây cũng là yếu tố duy nhất giữ chân họ trong chốn “địa ngục trần gian.”

Đạo diễn Lu kể lại: “Có người nói sẽ rời khỏi nhà thổ sau 1 năm hay vài tháng làm việc… nhưng họ lại quen dần với cách kiếm tiền kiểu này. Họ không có nhiều lựa chọn công việc phù hợp với mức lương tốt hơn.”

Cuộc sống khép kín như “tù ngục” của nhóm cô gái bán dâm trong phòng mát-xa

Quảng đường thực địa, tìm hiểu về nghề mại dâm đưa Jenny Lu từ bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác. Cô cho biết: “Những cô gái hiếm khi ra ngoài vì sợ hàng xóm xung quanh sẽ phát hiện ra công việc thật sự của họ. Họ làm việc ngày lẫn đêm. Rèm cửa ở phòng mát-xa luôn được kéo xuống. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhiều người trong số họ thậm chí chưa từng đi qua bất kì địa danh nào của London.”

Đánh mất linh hồn

Được xuất ngoại như niềm tự hào của gia đình, một cô gái điếm lại không dám kể về công việc của mình cho bất kì ai. Họ cố quên đi quá khứ lẫn cuộc sống bình thường họ từng có. Lu giải thích thêm về nhóm nhân vật chính trong The Receptionist, “Họ giống như người không có linh hồn. Họ không muốn nghĩ quá nhiều về điều gì cả.”

Phim có nhiều trường đoạn đặc biệt u buồn, thể hiện nỗi đau nội tâm rõ nét nơi từng nhân vật

Khi quyết định tự sát, Anna 35 tuổi. Đến London chỉ được 2 năm, suốt một năm trước lúc chết, cô hành nghề mại dâm. Lu nói: “Cô ấy nhớ gia đình rất nhiều. Cô ấy kể không hề thật sự muốn đi nước ngoài.”

Đừng đánh mất ước mơ

Không như Anna, Jenny Lu may mắn khi người nhà luôn ủng hộ mơ ước làm phim của cô. Đạo diễn người Đài Loan thẳng thắn bày tỏ: “Tôi đã rất shock khi biết chuyện về cô ấy. Trước đây tôi chưa có dịp gặp gỡ ai như Anna.”

Dẫu phản ánh thực tại bi đát ra sao, ở The Receptionist vẫn hiện hữu một giá trị nhân văn bình dị mà sâu sắc. “Nếu bạn bước đi quá xa, theo đuổi một giấc mơ quá lâu, lúc nào đó nên biết quay lưng lại và nhớ về nơi mình đã bắt đầu, nhớ xem mong ước ban đầu của bạn là gì. Rất nhiều người đã quên đi điều này,” Lu chia sẻ.

Nữ đạo diễn cũng tiết lộ khi quay về Anh lần tới, cô sẽ cho nhóm các cô gái tại nhà thổ xem qua tác phẩm, như lời gửi gắm thông điệp của riêng cô.

Poster chính thức (bằng tiếng Anh và tiếng Hoa) của phim

*Dù có kinh phí đầu tư khiêm tốn, The Receptionist vẫn đủ sức gây ấn tượng mạnh khi được chọn công chiếu tại liên hoan phim quốc tế Edinburgh, Anh. Tác phẩm hiện thuộc danh sách đề cử trao giải trong liên hoan phim quốc tế Milan và liên hoan điện ảnh Golden Horse danh giá của Đài Loan. The Receptionist ra mắt lần đầu vào tháng 11 năm ngoái tại liên hoan Golden Horse. Phim phát hành chính thức từ ngày 23.6.2017 dưới dạng song ngữ Anh-Hoa.

Như Ý (Dịch từ BBC)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Địa ngục' mại dâm ở châu Âu được lột tả trần trụi và ấn tượng qua một bộ phim châu Á