Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm. Đối với Việt Nam, ngành du lịch cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Dịch COVID-19 khiến du lịch Việt Nam phải mất ít nhất 5 năm để phục hồi

Lam Thanh | 11/03/2022, 10:55

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm. Đối với Việt Nam, ngành du lịch cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Phát biểu tại Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh ngày 11.3, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết suốt thời gian COVID-19 vừa qua, thế giới dường như bị “cách ly” bằng một cách thức khắc nghiệt nhất và nhu cầu du lịch cũng đang bị kìm nén hết cỡ.

“Ở góc độ kinh doanh, trong hơn 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.

covid-19(1).jpg
Diễn đàn về du lịch

Theo bà Lan Anh, đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong năm nay.

Theo đó, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "vàng" khi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã chính thức cho phép tất cả các địa phương có đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.

“Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt rất nhanh trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3 và cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ thời điểm đó để hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5 - 6 triệu khách quốc tế”, Tổng thư ký VCCI đánh giá.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế. Đối với Việt Nam, theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thậm chí cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Ông Khánh cho hay, đến nay, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ 3 nhập cảnh có các điều kiện.

Ở Việt Nam, với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15.2 khiến cho ngành du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

trung-khanh.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Về vấn đề tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế, ông Khánh cho biết Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15.2. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.

Ông Khánh cũng cho rằng trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau 2 năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Theo đó, việc cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, ông Khánh cho biết sau 2 năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế GTGT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.

“Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh du lịch nội địa, một lộ trình tái khởi động du lịch quốc tế (gồm cả hoạt động du lịch đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) sẽ góp phần sớm phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết”, ông Khánh nói.

Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch COVID-19 khiến du lịch Việt Nam phải mất ít nhất 5 năm để phục hồi